• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lao động Việt Nam là cộng đồng nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản

Thời sự 15/09/2018 06:33

Quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản ngày càng trở nên sâu sắc và mật thiết, đặc biệt trong việc hợp tác lao động. 

 Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Otawara, tỉnh Tochigi, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản ngày càng trở nên sâu sắc và mật thiết, đặc biệt trong việc hợp tác lao động. 



Điều này đã tạo cho cơ hội cho lao động Việt Nam tìm kiếm việc làm tại Nhật Bản thông qua nhiều con đường như tu nghiệp sinh, du học hay xuất khẩu lao động. 



Theo số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến cuối tháng 10/2017, có hơn 240.000 lao động Việt Nam tại Nhật Bản, chiếm 18,8% số lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Như vậy, lao động Việt Nam là cộng đồng nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản, chỉ xếp sau Trung Quốc có 373.000 người, chiếm 29,1%. 



Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng lao động nhanh nhất trong cộng đồng lao động nước ngoài tại Nhật Bản, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 



Lao động Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về trình độ, năng lực. Tại nhà máy Maebashi của Công ty Koganei Seiki ở Gunma, nơi chuyên sản xuất các linh kiện công nghệ cao cho động cơ máy bay phản lực, xe đua công thức 1, ôtô xe máy đặc chủng với độ sai số gần như bằng không, có 39 kỹ sư Việt Nam đang làm việc. 



Hầu hết những kỹ sư này tốt nghiệp Đại học Công nghệ-Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội; làm việc ở đây khoảng 3-5 năm, có người được 11 năm.



Koganei Seiki là một trong 300 công ty cơ khí chính xác tiêu biểu của Nhật Bản. Công ty đã tiếp cận thị trường lao động Việt Nam từ rất sớm thông qua việc tìm đến các trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam và tiến hành các đợt tuyển dụng trực tiếp. 

Chủ tịch Koganei Seiki Co.,Ltd, ông Yusuke Kamoshita cho biết công ty bắt đầu tuyển dụng lao động Việt Nam từ 12 năm trước với nội dung công việc hoàn toàn giống với các nhân viên Nhật Bản. 



Koganei Seiki là doanh nghiệp gia công, nhân viên Việt Nam sẽ phụ trách gia công máy móc, thiết kế chương trình. Doanh nghiệp chỉ có duy nhất một người Việt Nam làm công việc hành chính, đó là vợ của một nhân viên Việt Nam tại nhà máy. 



Ban lãnh đạo của công ty khẳng định nhân viên Việt Nam có đóng góp rất lớn cho sự thịnh vượng của nhà máy, đặc biệt là những sáng kiến cải tiến về mặt kỹ thuật đã đem lại lợi nhuận lớn, trong đó có anh Vũ Lê Bình, kỹ sư lập trình máy gia công và trực tiếp tham gia sản xuất.



Anh Bình sang làm việc tại Koganei Seiki từ năm 2007, được đồng nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về cải tiến kỹ thuật do anh đề xuất. Trải qua 11 năm làm việc tại Koganei Seiki, anh Bình cho rằng đây là sự lựa chọn đúng đắn của mình. 



Anh Vũ Lê Bình cho rằng anh đã rất may mắn khi được làm việc trong một môi trường thân thiện, hiện đại và năng động. Anh đánh giá cao chế độ đãi ngộ và sự quan tâm chu đáo của ban giám đốc công ty đối với các nhân viên Việt Nam. 



Một cuộc sống bình yên, đầy đủ, một công việc ổn định, bình đẳng đó là điều mà Koganei Seiki đang tạo ra cho tất cả những lao động trong doanh nghiệp của mình. 



Lead Giken là một doanh nghiệp nhỏ về gia công cơ khí và khuôn mẫu chính xác có trụ sở đặt tại tỉnh Kanagawa.



Giám đốc đại diện công ty cổ phần Lead Giken, ông Minoru Ogawa, thừa nhận thực trạng dân số giảm đã khiến cho các doanh nghiệp nhỏ như Lead Giken rất khó tuyển lao động Nhật Bản. Trong khi đó, thanh niên Việt Nam, nếu được vào công ty Nhật, thì họ sẽ rất hào hứng và làm việc chăm chỉ.



Giám đốc Ogawa cho biết hiện tại, Lead Giken Nhật Bản có 7 thực tập sinh nước ngoài đang làm việc, tất cả đều là người Việt Nam.



Ông cho biết tất cả các thực tập sinh Việt Nam đều học hành và làm việc chăm chỉ, vui vẻ. Ông mong muốn các thực tập sinh sau khi kết thúc thời gian ở Nhật Bản sẽ về nước và làm việc tại Lead Giken Việt Nam.



Ông Ogawa cho rằng có các thực tập sinh Việt Nam đến Nhật Bản chỉ với mục đích kiếm tiền và đó không phải là điều xấu. Bên cạnh đó, không ít người đến Nhật vì muốn học tập các kỹ thuật, kinh nghiệm công việc. 



Quan sát các thực tập sinh Việt Nam tại công ty, ông Ogawa nhận định các thực tập sinh Việt Nam học tiếng Nhật và học việc rất tốt, có nguyện vọng khi về Việt Nam được làm tại các công ty của Nhật Bản. 



Anh Nguyễn Hoàng Phương Đông đã ký hợp đồng làm thực tập sinh tại Lead Giken Nhật Bản trong 3 năm. 



Nói chuyện với chúng tôi, gương mặt của anh Nguyễn Hoàng Phương Đông nở một nụ cười ngượng nghịu khi thừa nhận rằng ngoài mục đích nâng cao kỹ thuật ngành cơ khí, anh chọn đi tu nghiệp sinh 3 năm bởi muốn có một số vốn về mở một cơ sở cơ khí riêng tại Việt Nam vì bản thân anh từng học ngành này ở trong nước. 



Anh cho biết công việc anh đang đảm nhận là gia công cơ khí chính xác cao, đây là công việc phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao ở lao động. 



Doanh nghiệp xây dựng Real Kensetsu cũng đối mặt với tình trạng khó tuyển dụng lao động Nhật Bản. Đó chính là lý do chính để doanh nghiệp này quyết định tiếp cận thị trường tuyển dụng lao động tại Việt Nam từ năm 2014. 



Hiện nay, tại Real Kensetsu có tổng cộng 20 lao động Việt Nam và được phân công tại nhiều công trình xây dựng mà doanh nghiệp thực hiện tại vùng Kanto. 



Anh Trần Quốc Hưởng, lao động Việt Nam làm việc tại Real Kensetsu theo hợp động tu nghiệp sinh 3 năm, cho biết công việc của anh là lắp đặt đường ống nước và đường ống ga tại Kanto.



Anh cho hay công việc vất vả nhưng không đến nỗi quá sức vì có sợ trợ giúp của máy móc hiện đại. Anh đánh giá cao tác phong làm việc hiện đại và chuyên nghiệp của người Nhật Bản, cho rằng đó là điều mà người Việt Nam cần phải học hỏi. 



Lao động Việt Nam đang được xem là một trong những nguồn nhân lực quan trọng đối với thị trường lao động Nhật Bản. Câu chuyện của anh Vũ Lê Bình, anh Nguyễn Hoàng Phương Đông và anh Trần Quốc Hưởng cho thấy lao động Việt Nam hoàn toàn có cơ hội được làm việc, học tập một cách hiệu quả và bình đẳng tại Nhật Bản, quốc gia vốn được đánh giá là một thị trường lao động đầy hứa hẹn đối với lao động Việt Nam./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ