(Tổ Quốc) - Sáng 7/12, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến Dự thảo Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030".
- 05.12.2021 Chất lượng phong trào thi đua nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành VHTTDL từng bước được nâng cao
- 26.11.2021 Tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông ngành VHTTDL
- 04.11.2021 Công tác pháp chế ngành VHTTDL nỗ lực thích ứng trong tình hình mới
- 25.09.2021 Ngành VHTTDL chủ động tìm cách thích ứng với đại dịch trong tình hình mới
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Bộ VHTTDL. Hội thảo được thực hiện trực tuyến đến 42 điểm cầu là các Sở VHTT, Sở VHTTDL, Sở DL, các cơ sở đào tạo văn hóa, thể thao, du lịch trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, trong những năm vừa qua, ngành văn hóa, thể thao, du lịch đã có những bước phát triển vượt bậc, văn hóa nghệ thuật đã được quan tâm phát triển. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã được quan tâm đầu tư hiệu quả góp phần nâng cao đời sống hưởng thụ tinh thần của nhân dân, thể thao thành tích cao cũng đã gặt hái nhiều thành quả trên đấu trường khu vực và quốc tế. Du lịch Việt Nam cũng đã ghi dấu với việc đạt và vượt chỉ tiêu trong chiến lược phát triển.
Đóng góp cho sự phát triển của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, vai trò của đội ngũ trí thức có đóng góp vô cùng quan trọng. Để thực hiện mục tiêu phát triển trong giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và Định hướng phát triển thể thao trong giai đoạn tới, kết nối với các kết quả đã được thực hiện tại Đề án xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao, du lịch giai đoạn 2011- 2020 và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL triển khai thực hiện Đề án Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030". Thời gian qua, đơn vị soạn thảo đã rất tích cực triển khai lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để hoàn thành Dự thảo. Tuy nhiên, để Dự thảo hoàn thiện hơn, việc lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo, các đơn vị liên quan là việc cần thiết.
Thứ trưởng cho biết, Hội thảo sẽ tập trung đánh giá thực trạng xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao, du lịch (VHTTDL) giai đoạn vừa qua và xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới của ngành VHTTDL. Đồng thời đề nghị các ý kiến trao đổi tập trung vào các nội dung: (1)Thực trạng công tác xây dựng đội ngũ trí thức VHTTDL giai đoạn vừa qua trên phạm vi toàn quốc, những nội dung về quy mô, chất lượng, cơ cấu, các chế độ chính sách về tuyển dụng, đãi ngộ và các vấn đề liên quan. Đánh giá những mặt được và khó khăn, vướng mắc. (2) Xác định mục tiêu đề án trong xây dựng đội ngũ trí thức của ngành trong giai đoạn tới, xác định lộ trình tổ chức thực hiện, những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện tổ chức đề án trong giai đoạn tới. (3)Trao đổi những nội dung liên quan đến Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án.
Tại Hội thảo, Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) đã báo cáo về Dự thảo Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030". Theo đó, Đề án gồm 3 phần và các phụ lục. Phần thứ Nhất là thực trạng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL nước ta hiện nay; Phần thứ Hai là Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL đến năm 2030. Phần thứ Ba là Tổ chức thực hiện.
Đáng chú ý, ở Phần thứ Hai gồm các nội dung: Vai trò, nhiệm vụ của đội ngũ trí thức ngành VHTTDL trong bối cảnh mới; Quan điểm xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL; Mục tiêu xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL; Nhiệm vụ và giải pháp; Kinh phí và lộ trình thực hiện; Tổ chức thực hiện…
Trong đó, mục tiêu xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL có 4 mục tiêu chung và 4 mục tiêu cụ thể; 6 nhiệm vụ, giải pháp đáng chú ý là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL; Hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức ngành VHTTDL; Đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ trí thức ngành VHTTDL; Nâng cao chất lượng công tác quản lý trí thức ngành VHTTDL; Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong ngành VHTTDL và đề cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức; Đảm bảo nguồn lực tài chính.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp khẳng định đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030" là hết sức cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực của ngành VHTTDL. Các ý kiến đã nêu lên thực trạng khó khăn trong chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài cho ngành VHTTDL như lương thấp, không có biên chế, đồng thời nêu những đề xuất về chế độ đào tạo, cơ chế đưa học viên đi đào tạo ở nước ngoài…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030" là đề án quan trọng đối với ngành, bởi nguồn nhân lực là vấn đề trọng yếu nhất.
Thứ trưởng cho rằng, hơn 20 ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã có những đóng góp xác đáng, bổ ích để Ban Soạn thảo hoàn thiện Đề án. Trong đó, các ý kiến nhấn mạnh về mục tiêu, chỉ tiêu trong các lĩnh vực của ngành, tính đặc thù, tính địa phương, ưu tiên dân tộc thiểu số, các chế độ tiền lương, chính sách… "Chúng tôi xác định đó là những trở ngại đang cản trở việc thu hút tài năng trong lĩnh vực VHTTDL ở cả trung ương và địa phương. Đề án khi hoàn thiện phải bao phủ được mọi địa phương, mọi lĩnh vực. Sau khi Đề án được ban hành, sẽ có những đề án chi tiết hơn để triển khai ở từng lĩnh vực"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết.
Thứ trưởng yêu cầu, Ban Soạn thảo Đề án tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo, chỉnh sửa, hoàn thiện kết cấu, nội dung Đề án đặt trong các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể của ngành. Nội dung triển khai đề án, rà soát nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện đề án đảm bảo tính khả thi.
Rà soát Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với nội dung đã điều chỉnh, bổ sung của Đề án. Đồng thời chuẩn bị hồ sơ báo cáo Lãnh đạo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo thời gian, tiến độ trong năm 2021.