• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan: Quan tâm đến sự minh bạch trong việc thu tác quyền

01/07/2017 08:49

Sáng 29/6 tại TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả VN, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị- hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Sáng 29/6 tại TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả VN, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị- hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
 
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành. Luật Sở hữu trí tuệ và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (QTG, QLQ). Với sự tham gia của đại diện 12 Sở VHTTDL các tỉnh thành phía Nam, 17 đại diện các quận, huyện tại TP.HCM. Nhiều ý kiến đóng góp về những điều khoản được sửa đổi đưa ra trong Dự thảo. Trong đó các đại biểu đều đánh giá cao về việc tăng sự minh bạch, chính xác và chuyên nghiệp hơn từ các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan…



Theo báo cáo của Thanh tra Sở VHTT TP.HCM, từ năm 2016 đến nay, Thanh tra chuyên ngành đã kiểm tra 350 cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, xã hội sử dụng các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, bản ghi âm, ghi hình… Phát hiện xử phạt 50 vụ vi phạm hành chính về mục đích thương mại mà không được phép của chủ sở hữu quyền hoặc đại diện… Phạt tiền 927.500.000 đồng, tịch thu 26 thiết bị hệ thống máy chuyên dùng để sản xuất đĩa CD, VCD, DVD, tiêu hủy trên 70.000 đĩa lậu… Với địa bàn hoạt động sôi động và đa dạng như TP.HCM việc xâm phạm QTG, QLQ là phổ biến và phức tạp. Đặc biệt là ở môi trường số, lĩnh vực phần mềm máy vi tính…



Sự minh bạch, chính xác trong việc chi thu tác quyền thời gian qua được sự quan tâm từ phía dư luận và chính những người đang sử dụng tác phẩm… Trong Dự thảo tại điều 45: Quản lý quyền tác giả, quyền liên quan quy định Tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ thực hiện quyền theo đúng phạm vi, chức năng hoạt động và hợp đồng ủy quyền giữa tác quyền và chủ sở hữu quyền… Trong đó, bổ sung quy định Tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ thông tin công khai về hoạt động quản lý QTG, QLQ gồm: hoạt động quản lý quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 1 Điều này; Hoạt động cấp phép, thu và phân chia tiền; hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.



Sửa đổi khoản 4 Điều 41 NĐ 100/85 quy định về chế độ báo cáo trong đó: Ngoài việc báo cáo Bộ VHTTDL, Bộ Nội vụ, Tài chính và cơ quan chủ quản… thì Tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ cung cấp thông tin về hoạt động quản lý QTG, QLQ trên trang thông tin điện tử, kết nối với cơ quan quản lý nhà nước về QTG, QLQ và các tổ chức đại diện tập thể; có hệ thống cơ sở dữ liệu QTG, QLQ của tổ chức mình kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về QTG, QLQ…



Dự thảo sửa đổi này được các đại biểu đánh giá cao về việc góp phần làm rõ, minh bạch, chuyên nghiệp hơn… trong việc thu, chi tác quyền còn gây xôn xao dư luận thời gian qua.



Từ thực tế hoạt động trên địa bàn TP.HCM, ông Châu Quốc Dũng- Chánh thanh tra Sở VHTT TP.HCM cho biết: Minh bạch là điều chúng tôi đánh giá cao trong dự thảo sửa đổi này. Thực tế, nhiều chủ nhà hàng, quán bar… sử dụng nhạc trong quán của mình bằng hình thức chép nhạc nước ngoài với bản hòa âm, phối khí… Khi thanh tra xử phạt họ lấy lý do là không sử dụng nhạc Việt Nam mà chỉ sử dụng nhạc nước ngoài. Thực sự chúng tôi cũng không thể xác định đó nhạc nước nào, bài nào vì họ đã sử dụng bản nhạc phối hoàn toàn khác… Chúng tôi muốn xử lý phải chứng minh được nhạc này tác phẩm nào, có ủy quyền cho trung tâm tác quyền hay không. Chính vì vậy, Trung tâm tác quyền phải minh bạch sử dụng danh mục nhạc nước ngoài nào được ủy thác… Nếu không thì người bị xử phạt không phục mà người xử lý cũng thấy bất hợp lý.



Đồng ý với ý kiến này, ông Phạm Văn Hiếu, đại diện Phòng văn hóa UBND quận 3 cho rằng, các tổ chức, cá nhân thực hiện QTG, QLQ rất quan tâm đến nguồn kinh phí được thu có đến đúng địa chỉ hay không? Việc quy định tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ công khai, minh bạch thì các tổ chức, cá nhân có sự đồng thuận hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ tác quyền của mình.



Điều 43 của Dự thảo cũng sửa đổi bổ sung điều khoản quy định về việc “Thu, phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan”. Bổ sung quy định trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chưa ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ thu và phân chia tiền đối với việc khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình. Tại mục c, quy định Tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ chỉ được thu tiền khi có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu QTG, QLQ”.



"Sau khi tổ chức tại TP.HCM, Hội nghị tiếp tục diễn ra ở Đà Nẵng và Hà Nội để lấy ý kiến các đại biểu hoàn thành Nghị định đưa vào đời sống một cách thuận lợi và đồng thuận nhất…", ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả VN cho biết.



Theo Báo Văn hóa
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ