(Tổ Quốc) - Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch
Khách du lịch quốc tế tới Việt Nam. Nguồn ảnh: vneconomy.vn |
Theo đó, Dự thảo Nghị định gồm 4 chương với 27 điều. Trong đó, chương I “Quy định chung” gồm 5 điều (từ Điều 1 đến Điều 5), quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả và mức phạt tiền trong lĩnh vực du lịch.
Chương II “Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả” gồm 13 điều (từ Điều 6 đến Điều 18), quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả. Bao gồm: Điều 6. Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành; Điều 7. Vi phạm quy định về kinh doanh đại lý lữ hành; Điều 8. Vi phạm quy định về hướng dẫn du lịch; Điều 9. Vi phạm quy định chung về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch; Điều 10. Vi phạm quy định về điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ lưu trú du lịch; Điều 11. Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch đối với cơ sở lưu trú du lịch đã được công nhận hạng; Điều 12. Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch khác; Điều 13. Vi phạm quy định về nghĩa vụ của khách du lịch; Điều 14. Vi phạm quy định về kinh doanh sản phầm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch; Điều 15. Vi phạm quy định về quản lý điểm du lịch; Điều 16. Vi phạm quy định về quản lý khu du lịch; Điều 17. Vi phạm quy định về kinh doanh vận tải khách du lịch bằng đường bộ; Điều 18. Vi phạm quy định về kinh doanh vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa.
Chương III “Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính” gồm 6 điều (từ Điều 19 đến Điều 24), quy định về thẩm quyền của cơ quan Thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Công an nhân dân, Quản lý thị trường, phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra và Quản lý thị trường, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
Chương IV “Điều khoản thi hành” gồm 3 điều (từ Điều 25 đến Điều 27), quy định về hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành Nghị định.
Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định tập trung vào các vấn đề chính gồm: Bổ sung các hành vi vi phạm mới để phù hợp với quy định của Luật du lịch năm 2017 và văn bản quy định chi tiết; Bỏ các hành vi vi phạm không còn phù hợp với quy định của Luật Du lịch năm 2017 và Nghị định quy định chi tiết; Giữ nguyên các hành vi vi phạm vẫn còn phù hợp với quy định của Luật du lịch năm 2017 và Nghị định quy định chi tiết; Bổ sung một số hành vi vi phạm xảy ra thường xuyên trong lĩnh vực du lịch, tuy nhiên không được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch nên chưa được đưa vào Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, Nghị định số 28/2017/NĐ-CP mà được quy định tại một số các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính khác của Chính phủ có liên quan; Bổ sung cụ thể về thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính./.