(Tổ Quốc) - Ngày 14/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Sỹ Trường - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học; Ban Chủ nhiệm và thành viên các Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã.
Dân số cơ học tiếp tục tăng nhanh cả ở nội và ngoại thành, nhất là khu vực nội đô lịch sử
Tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội trình bày tóm tắt dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố Hà Nội.
Theo đó, Nghị quyết 11/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 mới đề cập diện tích nhà ở cho thuê bình quân đầu người là điều kiện để ĐKTT, chưa đề cập đến diện tích nhà ở cho mượn, cho ở nhờ để được cho ĐKTT, nên thực tiễn áp dụng còn khó khăn.
Trong khi tình trạng dân số cơ học tiếp tục tăng nhanh cả ở nội và ngoại thành, nhất là khu vực nội đô lịch sử, gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tác động mạnh đến công tác quản lý dân cư, đảm bảo ANTT-ATXH, môi trường trên địa bàn Thủ đô. Hơn nữa, thời hạn áp dụng Nghị quyết 11/2013/NQ-HĐND đã kết thúc vào ngày 31/12/2020 theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 21/2016/NQ-HĐND ngày 6/12/2016.
Như vậy, đòi hỏi cấp thiết ban hành Nghị quyết mới quy định diện tích nhà ở tối thiểu để ĐKTT vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ để đảm bảo việc thực thi Luật Cư trú 2020 có hiệu quả.
Theo dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định diện tích nhà ở tối thiểu để ĐKTT vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại TP Hà Nội, quy định diện tích này đối với khu vực ngoại thành là 8m2/sàn/người, với khu vực nội thành là 15m2/sàn/người.
Dự thảo Tờ trình của UBND TP về dự thảo Nghị quyết này nêu rõ, mục đích xây dựng Nghị quyết là nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Cư trú, tạo cơ sở pháp lý để UBND TP chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tư, trong đó có nội dung quản lý cư trú phục vụ phát triển KT-XH của TP. Thông qua quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để ĐKTT tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ góp phần ổn định an ninh trật tự, đảm bảo đời sống an sinh xã hội của người dân trên địa bàn TP.
Cần quy định rõ quyền lợi của người thường trú và tạm trú
Tại hội nghị, đã có 12 ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học vào dự thảo Nghị quyết. Các ý kiến đều cho rằng dự thảo đề cập đến 3 trường hợp được quản lý để đăng ký thường trú gồm: thuê, mượn, ở nhờ là phù hợp với quy định về quyền của chủ sở hữu nhà ở nếu trong Luật Nhà ở và Luật Nhà ở sửa đổi đang trình Quốc hội.
Về phân bố khu vực xác định diện tích tối thiểu, dự thảo nghị quyết nêu 2 khu vực: Ngoại thành, nội thành với định lượng được căn cứ từ thống kê nhà ở, dân số. Tuy vậy, cách phân chia theo nội, ngoại thành chưa xem xét đến mối quan hệ giữa thực trạng dân cư với định hướng phát triển, phân bố dân theo quy hoạch tại một số khu đặc thù (đã, đang nghiên cứu).
Ví dụ khu vực nội thành (các quận hiện nay) đang rất cần giảm dân số do lịch sử, ưu tiên dịch chuyển dân số tới đô thị trung tâm khu mở rộng, khu phát triển nên cần làm rõ để phù hợp với thuê, mượn, ở nhờ. Riêng với khu vực ngoại thành dự thảo Nghị quyết cũng quy định gộp là 8m2 sàn/người, tuy nhiên, cần tính đến đặc thù dạng triển khai các đô thị vệ tinh, nhất là 2 vùng động lực (Thành phố trực thuộc Thủ đô) với 5 nhóm tiêu chí. Để thực hiện, dự thảo Nghị quyết rất cần quan tâm đến tiêu chí quy mô dân số hiện chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Quốc Hội, nên cần có chính sách khuyến khích hơn so với ngoại thành nói chung.
Mặt khác các đại biểu cũng cho rằng khi xây dựng nghị quyết nên có báo cáo đánh giá về thực trạng và tác động xã hội đang ở mức độ nào? Và sau khi nghị quyết có hiệu lực thì ảnh hưởng đến bao nhiêu người dân? Dự thảo nghị quyết cần quy định rõ quyền lợi của người thường trú và tạm trú, nếu không người dân cứ liên tục tạm trú thì cũng không đạt mục tiêu của nghị quyết.
Mục đích xây dựng nghị quyết là nhằm cụ thể hóa quy định Luật Cư trú, tạo cơ sở pháp lý để UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trong đó có nội dung quản lý cư trú phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Thông qua việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ sẽ góp phần ổn định an ninh, trật tự và đảm bảo đời sống an sinh xã hội của người dân trên địa bàn thành phố.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cảm ơn các ý kiến phản biện sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm được phát biểu tại hội nghị. Các ý kiến đều thống nhất tán thành việc ban hành Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, đồng thời nghiên cứu thật kỹ để khi ban hành Nghị quyết có tính lâu dài, đặc biệt là đối với mô hình của Thành phố phát triển trong thời gián tới như đô thị vệ tinh, Thành phố trực thuộc Thủ đô. Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo sớm hoàn thiện các văn bản để trình HĐND Thành phố và có văn bản trả lời các ý kiến phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội theo quy định.