• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lễ cấp sắc của người Dao Hoành Bồ, một nét đẹp văn hoá cần lưu giữ

12/03/2007 10:33

Hoành Bồ là một huyện miền núi, dân tộc với dân số khoảng 41 ngàn nhân khẩu, gồm 7 dân tộc anh em; trong đó bà con dân tộc Dao chiếm số đông thứ 2, chỉ sau dân tộc Kinh. Người Dao Hoành Bồ chủ yếu sống tập trung ở các xã vùng cao, kéo dài từ Bằng Cả, Tân Dân, Đồng Lâm, Hoà Bình đến tận Đồng Sơn, Kỳ Thượng.

Hoành Bồ là một huyện miền núi, dân tộc với dân số khoảng 41 ngàn nhân khẩu, gồm 7 dân tộc anh em; trong đó bà con dân tộc Dao chiếm số đông thứ 2, chỉ sau dân tộc Kinh. Người Dao Hoành Bồ chủ yếu sống tập trung ở các xã vùng cao, kéo dài từ Bằng Cả, Tân Dân, Đồng Lâm, Hoà Bình đến tận Đồng Sơn, Kỳ Thượng.

Cũng như các dân tộc anh em khác, người Dao ở Hoành Bồ có một bản sắc văn hoá riêng. Trong đó Lễ cấp sắc được coi là nét văn hoá độc đáo nhất của cộng đồng người Dao ở huyện miền núi này.

Lễ cấp sắc của người Dao thường diễn ra vào dịp cuối năm, khi mùa màng đã kết thúc. Lúc ấy, các gia đình bắt đầu lo tính chuyện tìm thầy, xem ngày để tổ chức làm lễ cấp sắc cho con, cháu trong dòng tộc.

Trong một chuyến công tác lên xã Đồng Sơn, chúng tôi đã được mời dự một lễ cấp sắc của người Dao. Chủ nhà là ông Bàn Tài Hồng. Đây là lần gia đình tổ chức lễ cấp sắc cho con trai là Bàn Văn Hiện, 35 tuổi; đồng thời làm lễ đặt tên cho 2 cháu nội của mình. Qua trò chuyện với các già làng được biết: Theo phong tục của người Dao, bất cứ một người con trai nào khi đến tuổi trưởng thành đều phải 2 lần làm lễ; đó là lễ đặt tên, và lễ cấp sắc. Hai sự kiện này rất quan trọng, vừa là bổn phận, vừa là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi cá nhân trong cộng đồng. Lễ cấp sắc thường được tổ chức tại nhà ông Tộc Trưởng. Trước đây, lễ thường kéo dài suốt 3 ngày, nay đã được rút gọn, nhưng vẫn phải tuân theo đầy đủ các trình tự hành lễ. Tại nhà ông Bàn Tài Hồng, ông Triệu Tài Ninh, trưởng thôn Tân ốc, đồng thời cũng là một trong 7 ông thầy cúng trong buổi lễ cho biết: Công việc của mỗi thầy được phân công rất trật tự, không có sự chồng chéo. Trước khi làm lễ, thầy cả làm thủ tục yểm bùa để làm lễ cấp sắc diễn ra được tốt lành. Mọi thủ tục diễn ra trước giời Có ý là: Báo cáo để xin phép với tổ tiên, với Bàn Vương. Nếu được chấp nhận thì buổi lễ mới được tiến hành. 18 bức tranh sử dụng trong lễ cấp sắc được treo lên tường theo đúng trình tự, mang đầy đủ ý nghĩa tôn kính,  sùng bái trời và tổ tiên. Phía trên 3 bức tranh Tam Thanh có mảnh vải trắng tượng trưng là chiếc cầu nối giữa cõi âm và dương để đưa đường mời ông bà, tổ tiên ở nơi xa nghìn trùng về cùng con cháu vui dự lễ.

Trong tiếng chiêng – trống rộn rã, mùi hương được chế từ một loại cây rừng có tên là “Tài lò”, toả khói thơm ngào ngạt. Khi cúng mời tổ tiên, các thầy phải mời đủ 3 “giác ma trong”, gồm: Ông bà, tổ tiên trên dòng họ, Bàn Vương, các thiên sứ Đạo giáo và Tam Thanh. Cùng 4 “giác ma ngoài” gồm: Thổ công, thổ địa, thần gò đống, núi rừng.... Sau đó là lễ “đặt pháp danh” và dân học trò vào con đường học hành để hiểu biết về giáo lý của đạo giáo, học đạo lý làm người. Sau khi thầy cúng làm phép cầu mong thần linh phù hộ cho những người làm lễ, người cấp sắc và 2 con trẻ được làm lễ đặt tên ra ngồi trước bàn thờ Bàn Vương và Thanh Tam. Trong quá trình làm lễ, người được cấp sắc mặc áo thiên sứ, đội mũ tì nữ, còn những đứa trẻ được làm lễ đặt tên thì đội mũ bằng. Rồi 2 thầy làm phép xung quanh 3 người. Làm như thế là để vứt bỏ cái ngu dại trong đầu đi, đón nhận lấy sự thông minh, sáng suốt, biết phân biệt điều hay lẽ phải ở đời.

Những ngọn nến được các thầy thắp lên cây đèn của mỗi người: Người được cấp sắc thì thắp 7 ngọn, người được đặt tên thì thắp 3 ngọn. Mỗi ngọn nến tượng trưng cho một ngôi sao trên trời  thuộc hệ thống sao Thiên. Nó có ý nghĩa: Người được đặt tên là người bắt đầu đi học, còn người được cấp sắc thì đã được học, đã có sự hiểu biết ít nhiều.

Tiếp đó là Lễ Thượng Quang diễn ra từ sáng sớm đến trưa ở ngoài trời. Lễ cấp binh, tức từ nay trở đi, người được cấp sắc đã được cấp một số quân để bảo vệ, che chở trong cuộc sống hàng ngày.

Trong lễ cấp sắc, người ta còn tổ chức làm “Lễ kết hôn” cho người được cấp sắc. Lễ nhằm để Ngọc Hoàng thượng đế, các thần linh chứng giám, công nhận người vợ của người được cấp sắc. Để chứng kiến cho mối tình chồng vợ, lòng chung thuỷ cho họ trên dương thế cũng như khi đã về nơi cõi âm. Lễ được diễn ra với những thủ tục của thầy cúng và trước sự chứng kiến của bà con làng xóm.

Người được cấp sắc được thầy truyền dậy cho những pháp thuật và khuyên bảo: Hãy tiếp tục học để đầu óc sáng láng, biết phân biệt những điều hay, lẽ phải, biết cách sống làm người...

Rượu ngọt, bánh ngon được bầy ra để làm Lễ Hoàn nguyện; có nghĩa là: Từ nay họ được toại nguyện, vì đã được làm lễ cấp sắc. Kế tiếp theo đó là: Lễ khao quân, Lễ cầu mưa thuận, gió hoà, cho cây cối tươi tốt, cho mùa vụ bội thu, cuộc sống ấm no, đầy đủ... Và sau cùng là Lễ Bàn Vương.

Lễ cấp sắc là một nghi lễ quan trọng trong chu trình một đời người nam giới dân tộc Dao Thanh Phán. Nó thể hiện đạo lý làm người, hướng con người tới cái thiện, hướng tới cội nguồn, tổ tiên. Bất kỳ người con trai dân tộc Dao nào cũng phải qua Lễ cấp sắc.

Từ ý nghĩa và nét văn hoá độc đáo, Lễ cấp sắc của người Dao đã và đang được ngành Văn hoá đưa vào dữ liệu bảo tồn trong kho tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam nói chung và văn hoá phi vật thể vùng Đông Bắc nói riêng...

Theo QNOnline

NỔI BẬT TRANG CHỦ