• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lễ công bố Quyết định công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2016

Thời sự 05/11/2016 18:12

Sáng 5/11, tại Hà Nội, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2016. Theo đó, 65 GS và 638 PGS được công nhận đạt tiêu chuẩn năm nay.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và GS Trần Văn Nhung trao Quyết định đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư cho đại biểu. Ảnh: VA

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Phùng Xuân Nhạ, cùng đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhiệt liệt chúc mừng 65 GS và 638 PGS được công nhận đạt tiêu chuẩn năm nay; đồng thời, khẳng định: Đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học, đặc biệt là các GS, PGS đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ nói riêng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Đất nước ngày nay đứng trước yêu cầu phải phát triển nhanh và bền vững hơn. Toàn cầu hóa và sự phát triển của khoa học công nghệ càng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của tri thức, của đội ngũ tri thức, các nhà giáo, nhà khoa học. Vì vậy để vượt lên, không bị tụt hậu, Việt Nam cần khắc phục những hạn chế, yếu kém đã hiện diện rất rõ, hai trong số đó là tiềm lực khoa học công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hệ thống sáng tạo quốc gia, đổi mới mạnh mẽ giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học; đặc biệt chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: GS không chỉ là các nhà khoa học, những nhà sư phạm giỏi trong nghiên cứu, giảng dạy mà còn là tấm gương về nhân cách trong nhà trường, trong nghiên cứu, giảng dạy, đời sống và xã hội. Pháp luật đã quy định rõ, Giáo sư là chức danh khoa học do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm, nhưng Giáo sư cũng là chức danh được xã hội đặc biệt tôn trọng. Do đó theo Phó Thủ tướng, việc chứng nhận đạt tiêu chuẩn bổ nhiệm GS, PGS cũng cần được đổi mới phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ - xu thế phát triển của giáo dục đào tạo trên thế giới, phù hợp với thông lệ quốc tế về tiêu chuẩn, phương thức đánh giá. Mặt khác, chúng ta cần đảm bảo được tính kế thừa, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo. Phó Thủ tướng hy vọng, các GS, PGS phát huy thật tốt vai trò của mình trong trường, trong viện, trong nghiên cứu khoa học và trong xã hội.

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm các chức danh GS, PGS là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, chủ chốt trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu theo chuẩn quốc gia, dần tiệm cận chuẩn mực của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu bền bỉ trong nghiên cứu khoa học và đào tạo của các tân GS, PGS. Đây cũng là kết quả của sự hỗ trợ, động viên, thậm chí là sự hi sinh từ các gia đình (cha, mẹ, chồng, vợ, anh, em, con cái), sự hỗ trợ, tạo điều kiện, động viên từ cơ quan và đồng nghiệp của các tân GS, PGS. Đây cũng là truyền thống hiếu học của dân tộc, đã và đang tiếp tục được phát huy.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Số GS, PGS của nước ta so với thế giới còn khiêm tốn, chất lượng đội ngũ còn phải tiếp tục phấn đấu. Việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS sư năm 2016 đã tiếp tục góp phần quan trọng để nâng cao cả số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức, giảng viên đại học, thúc đẩy việc công bố công trình khoa học trên các tạp chí có uy tín trên thế giới và đưa các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất cũng như đời sống xã hội. Việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm các chức danh này vào các vị trí công tác trên cơ sở chiến lược phát triển đội ngũ, cơ cấu và nhu cầu nhân lực của đơn vị.

Bộ trưởng cho hay, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS Bộ GD&ĐT đang khẩn trương phối hợp cùng với Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước và các cơ quan có liên quan, xây dựng dự thảo văn bản mới thay thế Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự thảo văn bản mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận với cách làm và chuẩn mực của các nước có nền giáo dục tiên tiến theo lộ trình thích hợp, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Cũng tại buổi Lễ, GS Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS Nhà nước cho biết, trong 65 GS được công nhận, có 3 tướng quân đội và 1 tướng công an. GS trẻ nhất là GS Trần Đình Thắng (SN 1975), Phó trưởng Khoa Hóa học Trường Đại học Vinh; PGS trẻ nhất là Trần Xuân Bách (SN 1984) Trường Đại học Y Hà Nội.

GS Trần Văn Nhung thông tin thêm, điều đáng mừng, số lượng GS, PGS nữ tăng. Trong số 65 GS năm nay, có 59 GS nam, chiếm (90,7%); trong 638 PGS có 30% PGS là nữ (chiếm gần 30%); có 6 GS, PGS là người dân tộc thiểu số. Vai trò của người phụ nữ ngày càng cao. Số lượng GS, PGS công tác tại các trường đại học, cao đẳng tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Trong đợt xét công nhận chức danh GS, PGS năm nay là có tới gần 80% GS, PGS sinh sống ở Hà Nội, 10 % ở TP Hồ Chí Minh, còn lại 10 % cho tất cả các tỉnh, TP khác.

Trong số GS, PGS được công nhận có nhiều người trong cùng 1 nhà. Đó là trường hợp GS Trần Quốc Thành và vợ là PGS Dương Hải Ninh đều công tác trong ngành Tâm lý học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; 1 cặp cùng là anh em ruột là PGS Nguyễn Đăng Hào và PGS Nguyễn Minh Hà công tác tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân; 2 PGS, Nhà giáo ưu tú làm việc trong lĩnh vực thú ý có con được công nhận là PGS trong lĩnh vực nông nghiệp...

Có trường hợp rất đáng hoan nghênh trong ngành khoa học xã hội và nhân văn đó là tân GS Sử học Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) - ông là người đầu tiên trong khối ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam có nhiều công trình được đăng trên tạp chí khoa học thế giới./.

 Nguồn: dangcongsan.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ