• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lễ hội bóng đá “Cúp cam Đoàn kết – Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em”

Văn hoá 27/11/2022 21:27

(Tổ Quốc) - Ngày 26/11, tại Hà Nội, Lễ hội bóng đá “Cúp Cam Đoàn kết” truyền đi thông điệp về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em thu hút sự tham gia đông đảo của người dân Hà Nội.

Sự kiện do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Ban Phụ nữ và Thể thao-Ủy ban Olympic Việt Nam và Trường Phổ thông liên cấp Olympia phối hợp tổ chức, với sự tài trợ của Chính phủ Australia.

Với việc nhấn mạnh tầm quan trọng của thể thao trong việc ủng hộ sự đa dạng, bình đẳng, kết nối cộng đồng và thách thức các chuẩn mực giới có hại, Ngày hội đã thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện Liên hợp quốc, các Đại sứ quán và vận động viên, người nổi tiếng, học sinh và phụ huynh.

Lễ hội bóng đá “Cúp cam đoàn kết  – Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 1.

Các hoạt động tại Lễ hội bóng đá “Cúp Cam Đoàn kết” - Ảnh: báo Nhân Dân

Số liệu thống kê cho thấy bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn là một trong những thách thức lớn tại Việt Nam. Theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ vào năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời.

Trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90,4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực.

Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam về trẻ em và phụ nữ năm 2020-2021 chỉ ra rằng, 68% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực. Trong đó, có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, bị xâm hại thể chất (47%), xâm hại tình dục (20%) và bị bỏ bê (29%).

Một trong những điểm nhấn của sự kiện là trò chơi tiếp sức để sút bóng vào gôn. Các đội chơi bao gồm đại diện từ các cơ quan, nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau... cùng thi đấu để đạt được mục tiêu chung, tượng trưng cho sự chung tay đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, xây dựng một tương lai an toàn, bình đẳng cho tất cả mọi người.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày hành động chấm dứt bạo lực giới (25/11-10/12) và Tháng hành động quốc gia vì Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (15/11-15/12).

Màu cam được chọn là màu của chiến dịch, vì đây là màu sắc tươi sáng, mang lại niềm hy vọng cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực cũng như những người đang hoạt động trong lĩnh vực này. Đây cũng là màu sắc gây sự chú ý cao – thể hiện cấp độ nguy hiểm và đáng báo động của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và hàng triệu trẻ em trên toàn cầu, kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên liên quan nhằm xóa bỏ vấn nạn này.

Tại Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Luật bình đẳng giới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Mới đây nhất, ngày 14/11, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)  đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Chiến dịch nâng cao nhận thức "Trái tim Xanh 2022" cùng thông điệp mạnh mẽ là không khoan nhượng với tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã được phát động.

Thủy Bích (t/h)



*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ