• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung tưởng nhớ “Tam vị đức Thánh”

Văn hoá 11/03/2017 10:50

(Tổ Quốc) -Trong ba ngày, từ  7-9/3 ( tức 10,11,12 tháng 2 âm lịc), lễ hội Chử Đồng – Tiên Dung  được tổ chức tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên.  

Ngự trên ngai kiệu là đức thánh Chử Đồng Tử với chức sắc của ngài “Trí đức đại thiên tuyên Ngọc bệ hạ thượng đẳng thần” do 16 giai kiệu với những chiếc áo rực đỏ màu cờ cùng 6 thiếu nữ tay cầm giải lụa đào duyên dáng trong bộ áo dài dân tộc.

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (hay còn gọi là lễ hội Đa Hòa - Dạ Trạch) được tổ chức ở hai ngôi đền là đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền Hóa (xã Dạ Trạch) huyện Khoái Châu. Mở đầu nghi lễ là màn rước kiệu thánh từ đình làng về đền Đa Hòa. Đi đầu là con rồng dài 20 mét do các thanh niên trai tráng trong làng múa theo điệu trống. Tiếp đến là Kiệu nước do 8 cô gái tượng trưng cho 8 nữ tỳ thay nhau khiêng chóe nước cùng hai vị bô lão thay mặt cho thần dân Dạ Trạch tiến dâng chóe nước vào đền thắp hương tế Thánh. Mong Đức Thánh ban phát cho mọi điều tốt lành, cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng thắng lợi. Theo sau là Đội hình cờ rộn ràng như đoàn quân chiến thắng trở về.

Đáng chú ý đoàn người đi rước kiệu Đức Thánh Chử Đồng Tử là hai võ quan cận vệ mặc võ phục nhà thánh với hai thanh long đao oai nghiêm đi bảo vệ kiệu ông. Tiếp đó là 4 thiếu nữ vai gánh những chiếc lư trầm. Ngự trên ngai kiệu là đức Thánh Chử Đồng Tử với chức sắc của ngài “Trí đức đại thiên tuyên Ngọc bệ hạ thượng đẳng thần” do 16 giai kiệu với những chiếc áo rực đỏ màu cờ cùng 6 thiếu nữ tay cầm giải lụa đào trong bộ áo dài dân tộc.Đội xinh tiền là các cháu nhỏ hòa nhịp với các dụng cụ, nhịp trống nhịp đàn làm cho không khí thêm rộn ràng. Đôi ngựa hồng và ngựa bạch đi theo sau, xưa kia là phương tiện đi lại của đức thánh Chử để khám bệnh cứu người cho thần dân xung quanh.

Kiệu Đức Thánh Chử Đồng Tử (bên phải ngoài cùng) bên cạnh là kiệu Tiên Dung công chúa và Hồng Vân công chúa (màu xanh) ngay trước cửa Đền Hóa Dạ Trạch.

Đi hộ giá kiệu Tiên Dung công chúa là chấp kích, lọng, tàn, chấp hiệu uy nghi. Tiên Dung công chúa được vua Hùng phong sắc “Thiên tiên uyển diễm thượng đẳng thần”. Hồng Vân công chúa được vua Hùng phong là “Tiên nữ huyền diệu thượng đẳng thần”. Tiếp theo sau là đoàn phật tử, đội biểu diễn múa sư tử và múa rồng.

Và nghi lễ quan trọng nhất chính là rước nước từ sông Hồng về lễ Thánh. Bởi theo tục lệ, nước dùng làm lễ lau tượng và nước cúng ở trong đền phải được lấy ở giữa sông Hồng về.  Trên thuyền sẽ bao gồm đội rước chóe nước, đội tế, đội múa và đội xinh tiền. Người đại diện cho dân làng lấy nước phải là cụ già có đức độ trong làng.

Kiệu nước được đưa lên thuyền lấy nước làm Lễ rước nước.

Ngoài ra lễ hội còn có điệu múa đặc sắc “con đĩ đánh bồng”. Các chàng trai tô son má phấn với bộ áo mớ 3 mớ 7 uyển chuyển lả lơi trong điệu múa đánh bồng.  Lễ rước kiệu cá với hình tượng cá chép hóa rồng được gọi là ông Bế, người dân thờ cúng vật thiêng đưa Tam vị đức thánh hóa lên trời.

Ông Nguyễn Như Đăng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban tổ chức lễ hội chia sẻ: “Ý nghĩa của lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung đối với đời sống tâm linh của người dân đã ăn sâu vào tiềm thức từ bao đời nay của mỗi người con làng Dạ Trạch nói chung và người dân trên cả nước nói riêng. Chúng ta là những thế hệ đi sau, luôn phải cảm thấy tự hào và phải có trách nhiệm giữ gìn truyền thống của ông cha để lại.”

                                                                                      Linh Chi

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ