(Tổ Quốc) - Chiều 9/2 (tức mùng 5 Tết), lễ hội đua thuyền truyền thống chính thức diễn ra tại xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi, thu hút hàng trăm người dân đến xem và cổ vũ.
Ảnh: Nguyễn Trang/Báo Sài Gòn Giải Phóng
Được tổ chức 2 năm 1 lần vào mùng 5 và mùng 6 Tết Nguyên đán, lễ hội đua thuyền truyền thống xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi thu hút hàng trăm người dân địa phương và các vùng lân cận đến xem và cổ vũ. Đây là lễ hội đua thuyền trên vùng sông nước đặc trưng của tỉnh Quảng Ngãi và cư dân vùng ven sông.
Năm nay, lễ hội có 4 đội đua thuyền đại diện cho các làng, thôn tham gia gồm: Tăng Long, An Đạo, An Lộc và Gia Hòa.
Trước khi đua thuyền, các thôn, làng thực hiện nghi lễ cúng thần cầu mưa thuận gió hòa, được mùa, cuộc sống bình an.
Đường đua là đoạn dài khoảng 250m, đua 6 vòng và lần lượt đổi chỗ theo 4 tiêu. Thuyền đua dài khoảng 12m, có thể dài ngắn tùy theo từng thôn, mỗi đội đua từ 16-20 người, tốp đua được phân công gồm, người điều khiển mũi, lái, phách một, phách hai, phách ba, phách bốn… Mỗi phách là một cặp tay chèo. Trong mỗi đội đua, người ở vị trí bơi mũi, lái và các phách đều là những tay đua giỏi.
Ngày hội đua thuyền ở Tịnh Long là nét văn hóa độc đáo của người dân vùng sông nước sống dọc hai bên sông Trà Khúc đã tồn tại hàng trăm năm nay. Lễ hội đua thuyền còn mang ý nghĩa tâm linh. Bởi trò chơi này gắn liền với nghề lao động của cư dân vùng sông nước. Vì vậy, trong mỗi đường đua, những trận thắng các thành viên trong đội đều gửi gắm niềm mong muốn làm ăn thuận lợi, đánh bắt bội thu.
Được biết, thực hiện tinh thần chỉ đạo của tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, những năm qua, cùng với việc phục hồi các hoạt động lễ hội văn hóa dân gian, vào dịp Tết đến, Xuân về, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống ở các vùng sông nước trong tỉnh. Các địa phương thường xuyên tổ chức và duy trì nét đẹp văn hóa này là Sa Huỳnh (Đức Phổ), Đức Lợi (Mộ Đức), Bình Sơn, Lý Sơn và TP.Quảng Ngãi.