(Cinet) - Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng là một trong những Lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng tôn giáo của đạo Phật, đồng thời mang tính quần chúng, nét văn hóa truyền thống của địa phương gắn với Danh lam Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn.
Những giá trị văn hoá đặc sắc
Khi đến với Đà Nẵng - một trong những thành phố đang trên đà phát triển năng động vào bậc nhất của cả nước, có lẽ không có ai lại không biết đến khu quần thể di tích và danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ngũ Hành Sơn được hình thành bởi quần thể năm ngọn núi Kim-Mộc-Thuỷ-Hoả-Thổ. Đây là một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú”, huyền ảo thơ mộng mà tạo hóa đã ban tặng cho Đà Nẵng. Nơi đây, các dấu ấn văn hoá - lịch sử còn in đậm trên mỗi công trình chùa, tháp đầu thế kỷ XIX, trên mỗi tác phẩm điêu khắc Chăm của thế kỷ XIV, XV. Những bút tích thi ca thời Lê, Trần còn in dấu trên các vách đá rêu phong trong các hang động; Những di tích văn hoá - lịch sử như mộ mẹ tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan, bút tích sắc phong quốc tự còn lưu giữ tại chùa Tam Thai của triều Nguyễn, đến các di tích lịch sử đấu tranh cách mạng như: Địa đạo núi đá Chồng, hang Bà Tho, núi Kim Sơn, hang Âm Phủ,… Tất cả chứng minh hùng hồn về một Ngũ Hành Sơn huyền thoại, về một vùng đất địa linh nhân kiệt đầy chất sử thi.
Khu quần thể di tích và danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Internet |
Năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước. Từ đó đến nay, được sự quan tâm của Trung ương, thành phố và quận Ngũ Hành Sơn, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn ngày càng được quan tâm đầu tư tổ chức quy mô hơn, với nhiều hoạt động phong phú sôi nổi, đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng, lễ bái của đồng bào theo đạo Phật, du khách thập phương và trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch, tâm linh đặc trưng của thành phố và quận. |
Lễ hội hằng năm được diễn ra vào dịp 19/2 Âm lịch, đây là dịp để đạo hữu nói riêng và nhân dân nói chung cầu cho Quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Quán Thế Âm là vị Bồ tát rất gần gũi không chỉ với các tín đồ Phật giáo mà còn lan rộng trong quần chúng nhân dân Việt Nam. Mọi người tin vị Bồ tát này có thể nghe thấu, trông thấy những khổ đau của con người và luôn sẵn lòng cứu giúp. Vì thế, Lễ hội Quán Thế Âm chứa đựng ý nghĩa nhân văn với ước vọng đồng hành phụng sự cuộc sống con người, hướng con người đến tình yêu thương và những điều tốt đẹp. Đó là biểu hiện rõ nét của sự hài hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc như trên, việc giữ gìn và phát triển lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn trong giai đoạn hiện nay không chỉ là dịp để giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân đối với các giá trị văn hoá truyền thống, khơi dậy ở họ lòng tự hào dân tộc, làm cho những nét cổ truyền, "cái đẹp xưa" được sống lại. Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn không những góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn quảng bá hình ảnh du lịch thành phố Đà Nẵng và quận Ngũ Hành Sơn đến với du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội Quán Thế Âm chứa đựng ý nghĩa nhân văn. Ảnh: Internet |
Năm 2018, Lễ hội Quán Thế Âm -Ngũ Hành Sơn diễn ra từ ngày 17/2 đến 19/02 Âm Lịch (Nhằm ngày 02/04 đến 04/4/2018) với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tâm linh phong phú đa dạng. Lễ Khai hội diễn ra vào lúc 19h00 ngày 02/4/2018 (nhằm ngày 17/02 ÂL); Lễ Bế mạc vào Lúc 19h00 ngày 04/4/2018 (nhằm ngày 19/02 ÂL). Trong đó diễn ra nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ sôi nổi do các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế biểu diễn. Trong Lễ khai mạc có phần công bố 02 kỷ lục Việt Nam đối với Lá cờ phật giáo (Đại kỳ) lớn nhất Việt Nam (treo tại Lễ hội) và Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên Việt Nam.
Lễ Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm (Lễ Chính thức) sẽ diễn ra vào lúc 7h00 ngày 04/4/2018 (nhằm ngày 19/02 ÂL). Đây là hoạt động nổi bật của Lễ hội thu hút hàng vạn đồng bào phật tử và người dân tham gia. Thể hiện thông điệp về tình thương yêu, hướng lòng thành về Đức Quán Thế Âm, cầu nguyện cho đất nước luôn được hòa bình ấm no, nhân dân an lạc, hạnh phúc.
Lễ hội Quán Thế Âm -Ngũ Hành Sơn 2018 sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
Ngoài ra, còn có lễ dâng hương tại Miếu thờ Tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa, Lễ Tế Xuân cầu Quốc thái - Dân an. Một nghi lễ do nhân dân địa phương thực hiện với ước muốn cầu quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa. Lễ Tế Thạch nghệ Tổ sư, tưởng nhớ và tri ân những người có công sáng lập, trao truyền nghề đá mỹ nghệ Non Nước (Làng nghề đá Mỹ nghệ Non Nước được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia).
Các hoạt động thuyết pháp, Pháp đàn, thiền tọa sẽ được Chùa Quán Thế Âm tổ chức thường xuyên trong Lễ hội và được các vị chức sắc phật giáo nổi tiếng trong nước thuyết giảng. Nỗi bật là chương trình thuyết pháp được Hòa thượng Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam thực hiện. Bên cạnh đó còn có chương trình hướng dẫn thiền và cuộc sống do Thượng tọa Thích Chân Quang hướng dẫn; Thiền tọa do các Hòa Thượng của Phật giáo Thái Lan hướng dẫn.
Lễ hội còn diễn ra các hoạt động như: Biểu diễn hòa tấu nhạc cụ, múa, triển lãm mỹ thuật, tranh ảnh, thư pháp, cắm hoa của các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện; Hội Hô hát Bài chòi Khu V, Hội hoa đăng, lửa trại… Bên cạnh đó nhiều hoạt động thể thao sôi nổi cũng được tổ chức tại Lễ hội như: Hội Đua thuyền truyền thống; Ngày Chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; Hội cờ làng; biễu diễn võ thuật truyền thống…
Lễ hội Quán Thế Âm luôn thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Ảnh: Internet |
Đến với Lễ hội Quán Thế Âm, du khách còn được thưởng thức sự tinh tế, phong phú của văn hóa, lịch sử địa phương và các loại hình nghệ thuật dân tộc trên thế giới. Hy vọng Lễ hội Quán Thế Âm cùng giá trị văn hóa Phật giáo tồn tại bao đời sẽ ngày càng góp phần đưa danh thắng Ngũ Hành Sơn thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của thành phố Đà Nẵng.
Lan Anh