• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư năm 2018: Điểm nhấn văn hóa đặc sắc của tỉnh Ninh Bình

31/03/2018 15:03

​(Cinet) - Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư là sự kiện văn hóa lớn nhất của tỉnh Ninh Bình năm 2018

​(Cinet) - Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư là sự kiện văn hóa lớn nhất của tỉnh Ninh Bình năm 2018, nhân dịp này, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh về các hoạt động văn hóa đặc sắc diễn ra tại lễ hội.

Đa dạng các hoạt động kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư năm 2018. 

Nguồn: dulichninhbinh.com,vn



- Xin ông cho biết ý nghĩa, quy mô tổ chức sự kiện Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư năm 2018 tại tỉnh Ninh Bình?



Về ý nghĩa tổ chức sự kiện



Năm 968, sau khi dẹp yên loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh - người con ưu tú của vùng đất Ninh Bình lên ngôi, xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, dựng Kinh đô ở Hoa Lư, lập quốc gia thống nhất với Quốc hiệu chính thức là Đại Cồ Việt, đặt niên hiệu Thái Bình, xây dựng bộ máy nhà nước, phát hành đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo - đồng tiền đầu tiên của Nhà nước Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, thiết chế trung ương tập quyền được hình thành. Sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của dân tộc - là sự kiện lịch sử mang ý nghĩa to lớn, mở ra một thời đại mới, thời đại độc lập, tự chủ và tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam.



Với ý nghĩa lịch sử của sự kiện trọng đại đó, hàng năm vào đầu tháng 3 âm lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình, đều long trọng tổ chức Lễ hội Hoa Lư. Năm 2018, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh Ninh Bình tổ chức kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) và Lễ hội Hoa Lư 2018 nhằm: Tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc Tiên đế, các bậc tiền nhân; Khẳng định vị trí, vai trò và giá trị lịch sử to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam; Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, củng cố niềm tin, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế.



Thông qua các hoạt động Kỷ niệm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ra sức thi đua yêu nước, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI; quảng bá tiềm năng thế mạnh về kinh tế - xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, về đất và người Cố đô Hoa Lư nói riêng, Việt Nam nói chung, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của dân tộc, thu hút đầu tư, khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới trên quê hương Cố đô Hoa Lư, phát triển các hoạt động thương mại và thực hiện có hiệu quả Chương trình Quốc gia về du lịch.



Về quy mô tổ chức sự kiện: 



Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý chủ trương tổ chức kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt. Thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, Ninh Bình tập trung thực hiện 03 nội dung chính đó là: Tổ chức lễ kỷ niệm cấp tỉnh với quy mô, hình thức phù hợp; Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam”; Lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch cấp quốc gia. Riêng hoạt động Lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch cấp quốc gia do Bộ VHTTDL chủ trì, tỉnh Ninh Bình chủ động tham gia một số hoạt động cùng với Bộ, còn các hoạt động khác tham gia với tư cách là đơn vị đăng cai.



Như vậy tại tỉnh Ninh Bình tổ chức 02 nội dung với quy mô cấp quốc gia đó là Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam” và Lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch cấp quốc gia. Hoạt động Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, nhưng chương trình, nội dung hoạt động phải phù hợp, xứng tầm với vai trò, vị thế của Nhà nước Đại Cồ Việt trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Hoa Lư 2017. Nguồn: ninhbinh.gov.vn

- Xin ông giới thiệu rõ hơn về các hoạt động lễ hội được tổ chức? (gồm cả các hoạt động chính và các hoạt động chào mừng xuyên suốt năm 2018) 



Trong Kế hoạch số 13/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Chương trình số 44/CT-BTC của Ban Tổ chức Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt đã xác lập chuỗi các hoạt động cụ thể, từ công tác tuyên truyền, hội thảo khoa học lịch sử, đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội và du lịch chào mừng.



Về việc triển khai công tác tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 74-KH/BTGTU ngày 27/02/2018 Tuyên truyền Kỷ niệm 1050 Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư 2018, xây dựng chi tiết các nội dung, cách thức và biện pháp triển khai công tác truyền thông.



Tổ chức Hội thảo khoa học khoa học quốc gia xoay quanh 2 chủ đề chính là: Những vấn đề lịch sử Nhà nước Đại Cồ Việt; Di sản và phát huy giá trị di sản của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Với sự tham gia của hơn 50 nhà khoa học lịch sử, các chuyên gia, các học giả, các nhà nghiên cứu, sưu tầm lịch sử, văn hóa trong và ngoài nước, tập trung làm nổi bật những thành tựu của Nhà nước Đại Cồ Việt trên các lĩnh vực chính trị, quân sự,ngoại giao, kinh tế, văn hóa. Đánh giá vị trí, vai trò, những đóng góp, những bài học kinh nghiệm lịch sử của các thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt với tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; đồng thời kế thừa, bảo vệ, phát huy những giá trị di sản lịch sử, văn hóa của Nhà nước Đại Cồ Việt trong sự nghiệp dựng, bảo vệ, phát triển đất nước hiện nay.

Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2018 được diễn ra

vào ngày 24/4/2018. Nguồn: ninhbinh.gov.vn



Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2018 được diễn ra vào ngày 24/4/2018. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được diễn ra trọng tâm trong tháng 4 và trải dều các tháng trong năm 2018. Trong đó tổ chức 03 Lễ hội hội với quy mô lớn đó là: Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội Tràng An. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tổ chức trên 50 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch, hội trợ, trưng bày triển lãm lớn chào mừng sự kiện, gồm: Thực hành 10 nghi thức của Lễ hội Hoa Lư; 20 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian…;18 sự kiện văn hóa, nghệ thuật chào mừng và 04 giải thi đấu Thể dục thể thao lớn, đặc biệt tổ chức thi đấu các môn trong khôn khổ Đại hội thể dục, thể thao tỉnh Ninh Bình lần thứ VI. Về lĩnh vực Du lịch tổ chức 06 sự kiện hoạt động Du lịch, hội trợ, trưng bày triển lãm và đặc biệt Tuần du lịch Ninh Bình năm 2018 với chủ đề: “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An” được tiến hành vào tháng 5 năm 2018.



Ngoài ra tỉnh Ninh Bình còn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn giá trị di sản văn hóa và xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng phục vụ Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt trên địa bàn tỉnh.



- Với nhiều hoạt động được tổ chức, xin ông cho biết đâu là điểm nhấn đặc biệt của sự kiện văn hóa này?



Ban Tổ chức kỷ niệm các hoạt động kỷ niệm xác định Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt là điểm nhấn, là “Đinh chốt”, là trọng tâm xuyên suốt chuỗi các hoạt động diễn ra trong năm 2018. Nội dung này chi phối toàn bộ các hoạt động, từ công tác chuẩn bị, đến việc tổ chức các hoạt động; nó quyết định từng nội dung, cách thức, quy mô tổ chức các hoạt động tuyên truyền; xác định nội dung, quy mô Hội thảo quốc gia về vai trò Nhà nước Đại Cồ Việt; trong việc xác lập chương trình nội dung Lễ kỷ niệm, lựa chọn, cách thức xây dựng, tổ chức dàn dựng Chương trình nghệ thuật chào mừng tại lễ Kỷ niệm và chuỗi các hoạt động khác.



Năm nay, Lễ hội Hoa Lư được tổ chức trùng vào tổ chức Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt. Cái mới so với các năm trước là các hoạt động Lễ hội và Kỷ niệm quy mô lớn hơn, quy củ hơn, ken dày chuỗi các sự kiện. So với các năm trước, Lễ hội Hoa Lư năm nay tổ chức trong 4 ngày (thêm 01 ngày 27/4/2018); Lễ hội Đền Thái Vi năm nay tổ chúc với quy mô cấp huyện (Trước đây do xã Ninh Hải tổ chức); Chương trình Nghệ thuật chào mừng tại Lễ kỷ niệm được tổ chức hoành tráng hơn, xứng tầm với vị thế 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Viêt; Hoạt động Giao lưu văn hóa, nghệ thuật tổ chức quy mô rộng lớn hơn, không chỉ các đoàn, các đơn vị trong tỉnh, còn có sự tham gia các đoàn nghệ thuật Thành phố ASan (Hàn Quốc), U-đôm-Xay (Lào), các tỉnh là vùng kinh đô, các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Tuyên Quang và một số đơn vị kết nghĩa hoặc liên kết với tỉnh Ninh Bình,…



Xin chân thành cảm ơn ông!

Thực hiện phỏng vấn:  Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ