(Tổ Quốc) - Người Mường tin rằng, Lễ mát nhà được thực hiện nhằm xua đuổi, hóa giải những điều xấu, cầu cho mọi người trong gia đình khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, cây tròng, vật nuôi phát triển tốt.
Xua đuổi, hóa giải những điều xấu
Chúng tôi được hòa mình vào "Không gian văn hóa Mường", tham dự Lễ mát nhà truyền thống của đồng bào trong một dịp đến thăm Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Nghi lễ này được đồng bào dân tộc Mường thực hiện để xua đuổi, hóa giải những điều xấu, cầu cho mọi người trong gia đình luôn luôn mạnh khỏe, may mắn; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây trồng, vật nuôi phát triển tốt tươi.
Lễ mát nhà được người Mường tổ chức 2 - 3 lần trong năm, thường vào đầu năm và cuối năm. Tuy nhiên, do hoàn cảnh và điều kiện kinh tế, nên từng gia đình sẽ tổ chức lễ cúng, bày biện với quy mô khác nhau.
Hào hứng chia sẻ với du khách về lễ hội đặc sắc của đồng bào mình, chị Bùi Thị Huyền (dân tộc Mường, 24 tuổi, ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) cho biết, để thực hiện nghi lễ, bà con trong làng chuẩn bị những vật dụng, lễ vật như rượu, xôi, thịt lợn, gà, rau, quả đu đủ, hoa dâm bụt, trầu cau…
Trong mâm cỗ thực hiện lễ mát nhà phải có cá làm lễ vật. Bởi theo quan niệm, con cá sống ở dưới nước. Nước tượng trưng cho sự mát mẻ, nên trong nghi lễ này cá không thể thiếu.
Thường tổ chức Lễ mát nhà vào đầu năm mới, gia đình chị Bùi Thị Mơ (dân tộc Mường) cho biết, trong Lễ mát nhà của người Mường, vai trò của thầy mo rất quan trọng. Thầy mo là cầu nối giữa thần linh với con người. Khi được gia chủ mời về làm lễ, thầy mo sẽ chuẩn bị các đồ vật cần thiết sử dụng trong nghi lễ gồm túi khót, quạt...
Chị Mơ chia sẻ thêm, khi lễ vật đã được bày biện đầy đủ trên các mâm cúng, để bắt đầu cho buổi Lễ mát nhà, đầu tiên thầy mo sẽ dâng cúng mâm thánh thư để lên trời, đi bốn phương tám hướng thỉnh mời các vị thần linh, các bậc siêu nhiên về chứng giám cho lễ.
Tiếp đó, thầy mo sẽ dùng nước vẩy mát quanh nhà. Sau khi đồ vật trong nhà đều được làm mát, thầy mo tiếp tục thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay, cầu phúc cho gia chủ và mọi người.
Sợi chỉ đỏ được thầy mo đọc chú và buộc vào cổ tay, nam tay trái, nữ tay phải, giúp cho mọi người luôn gặp may mắn bình an, tai qua nạn khỏi, ấm no hạnh phúc...
Nét đẹp văn hóa của người Mường
Theo Nghệ nhân, thầy mo Bùi Văn Minh (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), trong nghi Lễ Mát nhà, các câu mo, bài khấn thầy mo sẽ kể về sự tích người Mường, có các đấng bề trên chia đôi không gian thành trời và đất, sinh ra vạn vật, thời gian, sinh ra cái thiện - cái ác.
Các câu mo trong Lễ Mát nhà đều phản ánh thế giới quan, kinh nghiệm sống, tri thức, đậm đặc đời sống tâm linh, tinh thần của người Mường. Người Mường có 5 làn điệu mo, trong tiếng Mường gọi là "Ò hoi", "Dà đôông", "Dà dê", "Hâm mo" và "Hệu kệu", dựa trên những từ ngữ đầu tiên trong bài mo đó để xin vía cho trẻ mới sinh, trừ tà ma cho người bệnh đau ốm, làm đám cưới, mừng nhà mới, làm mát nhà.
Ông Đinh Ngọc Lương, Trưởng làng Mường tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, làm mát nhà là 1 trong 23 nghi lễ truyền thống của người Mường.
Trải qua bao thế hệ, đến nay nghi lễ này vẫn được các thế hệ gìn giữ và lưu truyền, trở thành nét đẹp văn hóa của người Mường, mang tính nhân văn cao cả.
Vô cùng hào hứng và thích thú khi được trải nghiệm nét văn hóa dân tộc Mường cũng như quan sát nghi lễ mát nhà, anh Nguyễn Tiến Thành (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, khi chứng kiến nghi lễ mát nhà của người Mường, đã giúp anh có thêm nhiều trải nghiệm về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Được biết, người Mường có nhiều nét văn hóa đặc sắc, từ lễ hội đến những phong tục tập quán, nếp ăn ở hàng ngày, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của dân tộc. Với mỗi người con dân tộc Mường, Lễ Mát nhà là một nét đặc trưng riêng biệt, mang lại sự bình yên, may mắn, tai qua nạn khỏi, ấm no hạnh phúc./.