(Cinet) – Đồng bào Pa Cô (Quảng Trị) tổ chức lễ cúng vào nhà mới để xua đuổi ma, quỷ; đồng thời là dịp để tỏ lòng biết ơn của gia chủ đối với thần linh, tổ tiên, ông bà và báo công những người đã giúp đỡ mình hoàn thành làm nhà mới.
Đồng bào Pa Cô thực hiện nghi lễ đuổi tà ma trước khi vào nhà mới. Ảnh: langviet |
Đồng bào Pa Cô rất coi trọng việc chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho lễ cúng, vì chuẩn bị đầy đủ lễ vật sẽ chứng tỏ lòng thành của gia chủ đối với thần linh. Dụng cụ làm đồ cúng của đồng bào Pa Cô gồm có: 1 cây nêu cột trâu có dải tua dài và cao, đầy đủ hoa văn, họa tiết linh thiêng được đặt nơi trung tâm sân làng, 1 con trâu đực màu đen (nếu không có trâu có thể thay bằng dê đực). Trâu hoặc dê này được gọi là Tacukruh, nghĩa là đồ vật chứa đựng các vị thần như thần hộ mệnh, thần nữ, thần nhà, thần bếp và tổ tiên. Tất cả đều được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong gia đình, đồng thời báo ân các vị thần đã che chở đời sống gia đình và báo công với dân làng đã làm xong ngôi nhà.
Đồng thời còn phải chuẩn bị một con lợn chừng 40kg trở lên để giải uế, tẩy rửa tất cả những gì bụi bẩn, ác độc có thể ẩn náu trong bất cứ các vật liệu ở trong nhà; 2 con gà là để kê đầu lợn và đầu trâu; 1 ống bột nhựa trám khô, to nhỏ tùy theo tương xứng với quy mô ngôi nhà; 1 cây nến to, trường hợp không có nến có thể thay bằng bó đuốc tre khô.
Ngoài lễ vật kể trên, không thể thiếu 1 mâm Ađiên trong đó có đựng: 1 bát cơm, 1 bát nước lã, 1 chai rượu, 1 bát nước gội thơm bằng lá bưởi, 1 đôi đũa, 1 cái lược. Bên cạnh đó còn phải chuẩn bị 1 miếng sắt nhọn để đóng vào cột mà nghi là có tà ma ẩn náu và 1 bộ cồng chiêng gồm: 1 cái tale (thanh la), 1 chiếc trống, 1 khên (khèn), amprey (đàn). Một nhánh cây nguyên lá và một ống tiết lợn loãng và 1 cây kiếm.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ đồ lễ, chủ nhà tham khảo ý kiến ông trưởng họ về việc chọn ngày lành tháng tốt để lên nhà mới, thường là những ngày chẵn 14,16,18 và ngày 20 vào các tháng 6, 7, 8. Đồng thời phải là những ngày nông nhàn của cả dân làng mới đảm bảo điều kiện hưởng ứng ngày làm lễ lên nhà mới của gia đình.
Thực hiện nghi lễ cúng nhà mới. Ảnh: langviet |
Ông trưởng họ có trách nhiệm báo với chủ làng về sự việc cần làm, nhờ sự giúp sức của cộng đồng trong việc làm lễ lên nhà mới và bàn giao tất cả đồ lễ vật cho ông chủ làng quản lý, sử dụng tiếp khách.
Theo quan niệm của đồng bào Pa Cô, làm lễ lên nhà mới vào lúc 4 giờ sáng rất tốt cho việc đuổi tà ma. Bởi hai thế giới loài người và thế giới tâm linh là đảo ngược nhau về ngày và đêm, vào lúc 4 giờ rạng sáng của con người là 16 giờ sắp tối của tà ma, giờ này tất cả tà ma đều về nơi trú ẩn, mà các cây cổ thụ thì con người đã hạ để làm nhà, không còn chỗ nào trú ngụ nên ma quỷ sẽ theo về nhà của chúng ta mà trú ngụ.
Khi bắt đầu làm lễ, ông trưởng làng phân công trách nhiệm từng người: Người cầm ống bột trám khô, người cầm nến hoặc bó đuốc, người đánh chiêng, người đánh trống, còn đám đông thì sử dụng các loại nhạc cụ khác. Khi thầy cúng hô, tất cả đồng thanh hô, theo cùng nhịp điệu cồng chiêng vừa hô vừa nhún nhảy thật mạnh. Người cầm bột trám cứ liên tục trảy bột qua lửa đuốc tạo ánh sáng lóe lên sáng rực, cứ thế đuổi ma từ trên gác nhà, trên sàn nhà rồi xuống gầm sàn. Thuật đuổi ma xong xuôi là trời đã sáng hẳn, tất cả mọi người lại tập trung nơi cây nêu để tiếp tục viếng công con trâu trước khi làm thủ tục đâm trâu.
Một số người tiến hành làm con heo, lấy tiết loãng bỏ vào ống tre để tưới giải uế khắp nhà và mời tà ma ăn uống bữa cuối cùng. Từ nay không được phép lai vãng trong nhà này nữa. Khi ông trưởng họ cúng trâu, cúng heo xong, chủ nhà mới được chuyển đồ lên nhà mới.
Đây cũng là dịp để đồng bào giao lưu hoạt động văn hóa văn nghệ. Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
Lễ cúng vào nhà mới có ý nghĩa quan trọng cả về tâm linh và đời sống, là mối quan hệ truyền thống, trách nhiệm của các thành viên trong cộng đồng ràng buộc theo một quy tắc nhất định của đồng bào Pa Cô. Đây cũng là dịp hoàn ân các vị thần đã che chở đời sống con người, báo công những người đã giúp đỡ mình hoàn thành làm nhà mới và là dịp sinh hoạt giao lưu hoạt động văn hoá văn nghệ dân gian.
Gia Huệ