Lê Tú Chinh chính thức dự SEA Games 32: Từ cô gái chân trần đến "nữ hoàng tốc độ" và tấm gương vượt lên nghịch cảnh
(Tổ Quốc) - Quyết định chính thức của Tổng cục TDTT về việc Tú Chinh tham dự SEA Games 32 đã khiến người hâm mộ thở phào. Bởi từ lâu, tầm vóc của Tú Chinh đã vượt xa khuôn khổ của một chân chạy vì chỉ tiêu, "nữ hoàng tốc độ" còn là cảm hứng đến hàng triệu người.
Ngày 11/4 Tổng cục TDTT đã có câu trả lời chính thức về việc tham dự SEA Games 32 của "nữ hoàng tốc độ" - Tú Chinh. Theo đó, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã khẳng định Tú Chinh là thành viên chính thức tham dự SEA Games 32 của bộ môn Điền kinh.
Những ngày qua, thông tin về việc cắt giảm VĐV dự SEA Games 32 vì... thiếu kinh phí và Tú Chinh nằm trong danh sách này khiến dư luận không khỏi xôn xao. Tú Chinh hiện là một trong những "nữ hoàng tốc độ" có thành tích tốt nhất của Điền kinh Việt Nam. Sự có mặt của Tú Chinh không chỉ là điểm tựa tinh thần cho Điền kinh mà Tú Chinh còn là đại diện cho tinh thần thể thao Việt Nam.
Từ cô học sinh chạy chân trần đến "nữ hoàng tốc độ"
Ngày 8/12/2019 có lẽ là ngày đáng nhớ nhất của thể thao Việt Nam tại SEA Games 30. Trên đường chạy 100m Lê Tú Chinh đã xuất sắc hạ gục Kristina Knott VĐV nước chủ nhà Philipines để về đích đầu tiên qua đó giành tấm HCV cực kỳ quan trọng cho Điền kinh Việt Nam.
Mới chỉ một ngày trước đó thôi, cô đã để thua Knott trên đường chạy 200m nữ. Vận động viên nước chủ nhà không chỉ về đích đầu tiên mà còn phá kỷ lục SEA Games 18 năm. Gần như tất cả đều nghĩ Tú Chinh khó có cửa thắng Knott trên đường chạy 100m. Nhưng với bản lĩnh kiên cường, vượt qua nghịch cảnh của mình, Tú Chinh đã tạo nên một trong những khoảnh khắc đẹp nhất mà thể thao Việt Nam từng có tại các kỳ SEA Games. Cô không chỉ đánh bại một VĐV được tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp tại Mỹ, mà còn chiến thắng một cách thuyết phục nhất khi vượt qua đối phương với cách biệt rất nhỏ, chỉ đúng 1 phần trăm giây.
Chiến thắng này của Tú Chinh không chỉ giúp đội tuyển điền kinh Việt Nam thở phào nhẹ nhõm với chỉ tiêu huy chương mà còn là động lực to lớn cho các đồng nghiệp thi đấu bùng nổ chặng còn lại của giải đấu. Kết thúc SEA Games 30, điền kinh Việt Nam giành 16 HCV, đứng vị trí nhất toàn đoàn, vượt qua Thái Lan và chủ nhà Philippines.
Để giành được tấm HCV quan trọng ấy, Tú Chinh đã chịu áp lực, trong đó lớn nhất chính là mục tiêu bảo vệ thành công cả 2 tấm HCV SEA Games của kỳ Đại hội trước đó. Và với chiến thắng 1% giây ấy, Tú Chinh hoàn toàn xứng đáng trở thành người kế thừa ngôi vị "nữ hoàng tốc độ" của đàn chị Vũ Thị Hương.
Hơn 10 năm - đó là khoảng thời gian để khẳng định tài năng của mình. Cuộc gặp gỡ HLV Nguyễn Thị Thanh Hương khi đi tìm kiếm nhân tố triển vọng cho điền kinh TP.HCM năm 2008 đã thay đổi cuộc đời cô gái sinh năm 1997 này.
Vào thời điểm đó, cô bé lớp 5 Trường tiểu học Tuy Lý Vương Lý Tú Chinh (quận 8) với đôi chân trần chạy thoăn thoắt đã gây ấn tượng sâu sắc với HLV Nguyễn Thị Thanh Hương và cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã thay đổi cuộc đời Tú Chinh.
7 năm sau cô bé với đôi chân trần chạy trong tiết thể dục ngày nào đã làm được điều khiến tất cả phải ngỡ ngàng khi giành HCV 200m nữ ở giải điền kinh trẻ châu Á 2015 ngay lần đầu tham dự. Kể từ đó, cái tên Lê Tú Chinh từ vô danh đã thành danh và nhận được nhiều kỳ vọng sẽ thay thế nhiều đàn chị ở đường đua tốc độ. Lúc ấy Tú Chinh tròn 18 - độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời một VĐV.
Những ngày tháng tập luyện không biết mệt mỏi cùng những khắc nghiệt của nghề nghiệp... đã càng khiến Tú Chinh mạnh mẽ hơn. Cô gái chân trần ấy làm nhiều hơn nói, luôn lắng nghe những lời động viên từ mọi người và xem đó như động lực để tiếp sức mạnh cho bản thân.
Để rồi 4 năm liên tiếp sau đó sau, Tú Chinh đã cho thấy cô là người kế thừa xứng đáng danh hiệu "nữ hoàng tốc độ" của đàn chị Võ Thị Hương.
Tại SEA Games 29 ở Malaysia, Tú Chinh giành cú đúp HCV ở nội dung 100m và 200m nữ, sau đó cùng đồng đội giành luôn HCV 4x100m nữ đồng thời phá kỷ lục SEA Games. Đến SEA Games 30 ở Philippines, Tú Chinh đánh bại VĐV nhập tịch của chủ nhà Kristiana Marie Knott để giành HCV 100m nữ với chiến thắng đầy kịch tính 1% giây mà đến giờ phút này, đây có lẽ vẫn mãi là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất của thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games.
Có lẽ Tú Chinh sẽ tiếp tục viết nên nhiều hơn nữa bảng thành tích đáng nể của mình nếu như không gặp chấn thương ngay trước kỳ Đại hội 31 vừa qua. Đây có lẽ cũng là niềm tiếc nuối lớn nhất trong sự nghiệp thi đấu của Tú Chinh. Ngay trên sân nhà nhưng cô chỉ có thể theo dõi đồng nghiệp qua màn hình, chứng kiến đồng đội thất bại, Tú Chinh mong mình có thể ở đó, cùng sát cánh...
Dù rất buồn, nhưng đó chính là động lực để Tú Chinh nỗ lực để trở lại, nỗ lực để có thể tiếp tục cuộc đua còn dang dở.
Vượt qua nghịch cảnh để trở nên mạnh mẽ
Bùng nổ trên đường pitch với những cú nước rút ngoạn mục là thế, nhưng ít ai biết rằng, Tú Chinh đã trải qua tuổi thơ không mấy trọn vẹn như nhiều người.
Sinh ra trong gia đình khó khăn, ở một xóm nghèo quận 8, TPHCM. Vừa 6 tuổi, Tú Chinh mất đi người mẹ thân yêu, cô lớn lên bằng tình yêu thương, chăm sóc của cha và hai chị gái. Những ngày đầu đến với điền kinh, thương cô học trò nhỏ, HLV Nguyễn Thị Thanh Hương đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Tú Chinh, những tình cảm ấm áp của vòng tay mẹ mà bấy lâu nay Tú Chinh thiếu thốn, HLV Nguyễn Thị Thanh Hương luôn cố gắng mang đến cho Chinh nhiều nhất có thể.
Cảm nhận được tình cảm từ "mẹ Hương", cô gái sinh năm 1997 Tú Chinh ngày càng nỗ lực để tập luyện không quản gian khó. Có điểm tựa tinh thần vững chắc cộng với nỗ lực không ngừng nghỉ của cô, Tú Chinh đã liên tiếp tạo nên nhiều thành tích danh giá trong cuộc đời vận động viên của mình.
Nhớ lại thời điểm vẫn còn là một VĐV non trẻ, dù bị ngã nứt xương tay trong tập luyện, Tú Chinh với cánh tay bó bột vẫn nén đau luyện tập để duy trì thể lực đồng thời kịp bình phục để dự Hội khỏe phù đổng 2012. Ấy vậy mà Tú Chinh vẫn xuất sắc giành được 3 Huy chương vàng ở các nội dung 100m, 200m và 4x100m tiếp sức. Chính những nỗ lực không ngừng nghỉ đó cùng bản lĩnh kiên cường, vượt khó của một VĐV đã giúp Tú Chinh chinh phục những đỉnh cao trong những năm thi đấu chuyên nghiệp về sau.
Thế nhưng sự nghiệt ngã vẫn chưa dừng lại với Tú Chinh. Tháng 4/2022, thông tin Lê Tú Chinh dính chấn thương phải rút lui khỏi SEA Games 31 trên sân nhà khiến người hâm mộ thể thao bàng hoàng. Đối với Tú Chinh đây là một cú sốc quá lớn, tất cả như sụp đổ với cô gái 25 tuổi đang thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp. Nằm trên giường bệnh theo dõi đồng đội không đạt thành tích như mong muốn, Tú Chinh lòng đầy nặng trĩu. Những lúc như thế, Tú Chinh chỉ ước gì mình có mặt ở nơi đó, biết đâu kết quả sẽ khác.
"Dù rất buồn, nhưng điều đó khiến tôi biết mình phải nỗ lực để trở lại, nỗ lực để có thể tiếp tục cuộc đua còn dang dở".
Nhưng bỏ lại tất cả sự tiếc nuối, hoài nghi, Tú Chinh phải nỗ lực để trở lại...
Với quyết tâm đó, cô dặn lòng không được từ bỏ dù có nhiều thông tin cho rằng nữ hoàng tốc độ phải rời bỏ đường đua vì chấn thương của cô khó có thể trở lại đỉnh cao dù đã phẫu thuật. Bỏ tất cả những thông tin tiêu cực ngoài tai, Tú Chinh nỗ lực tập luyện, hồi phục với hy vọng trở lại đội tuyển quốc gia. Để rồi đến tháng 4 vừa qua, Tú Chinh bất ngờ xuất hiện trên đường đua Cúp tốc độ Thống Nhất khiến người hâm mộ vỡ oà.
Dù chỉ là thi đấu để kiểm tra thành tích, nhưng sự trở lại của Tú Chinh khiến tất cả bất ngờ bởi tốc độ hồi phục "thần kỳ" của cô. Tuy nhiên, sự trở lại lần này của Tú Chinh vẫn còn để lại nhiều nghi ngại về thể trạng cũng như thành tích của cô trong lần chạy đó cũng không quá ấn tượng.
Thế nhưng, nhìn về quá khứ, Tú Chinh luôn có những thời khắc bùng nổ mỗi khi đứng trước ngã rẽ định mệnh của cuộc đời. Từ một cô bé mất mẹ từ nhỏ, gia đình không mấy khá giả, Tú Chinh đã dần vươn lên trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất của điền kinh Việt Nam.
Tại SEA Games 32 lần này, theo đánh giá của giới chuyên môn, Tú Chinh chưa thể lấy lại được thành tích tốt nhất, khó có thể cạnh tranh huy chương ở cự ly ngắn cá nhân vì thế nhiều khả năng chân chạy TPHCM sẽ được bố trí thi tiếp sức. Và dù được bố trí ở nội dung nào đây cũng là hình ảnh nói lên nghị lực đáng nể để các VĐV trẻ noi gương. Bởi mỗi bước chân của Tú Chinh trên đường chạy luôn là sự thể hiện của khát vọng tuổi trẻ, niềm tự hào của dân tộc với cờ đỏ sao vàng trên ngực áo, là nhiệt huyết, nỗ lực hết mình để đem lại vinh quang cho thể thao nước nhà.
Chúc cho Tú Chinh và các VĐV Điền kinh tham dự SEA Games 32 vững bước chân trên đường pitch để mang về vinh quang cho thể thao nước nhà.
Điền kinh Việt Nam với áp lực giữ vị trí số 1 tại SEA Games 32
Trong nhiều năm qua, Điền kinh Việt Nam giữ vững vị trí số 1 trong khu vực Đông Nam Á với nhiều nội dung thế mạnh luôn được duy trì. Ở SEA Games 31, điền kinh Việt Nam đặt chỉ tiêu từ 15-17 HCV, nhưng với sự chuẩn bị tốt và điểm rơi phong độ cao, các VĐV đã giành 22 HCV để đứng nhất toàn đoàn. Với những đóng góp không nhỏ vào thành tích chung, điền kinh Việt Nam được xem như “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam.
Tuy nhiên, áp lực để giữ vững vị trí số 1 ở kỳ SEA Games 32 sắp tới là không nhỏ khi điền kinh Việt Nam vắng mặt nhiều ngôi sao đã thiết lập được thành tích cao cũng như tên tuổi vì những lý do khác nhau.