• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Lên đèo Hải Vân”, bài thơ hay của văn học miền Nam TK XIX

11/11/2008 21:12

(Toquoc)- Trên đường thiên lý vào Nam ra Bắc, theo trục Quốc lộ Một, du khách có dịp ngắm đèo Hải Vân, một bên sừng sững núi cao mây trắng, một bên biển thẳm sóng xao giữa trập trùng miền Trung đất nước.

(Toquoc)- Trên đường thiên lý vào Nam ra Bắc, theo trục Quốc lộ Một, du khách có dịp ngắm đèo Hải Vân, một bên sừng sững núi cao mây trắng, một bên biển thẳm sóng xao giữa trập trùng miền Trung đất nước.


Đèo Hải Vân (ảnh Thiếu Huyền)

Đã qua bao nhiêu thế kỷ, khi chưa có hầm đường bộ xuyên núi, đường vượt đèo Hải Vân là con đường độc đạo vòng vèo lên xuống với bao nhiêu cung bậc gian nan, vừa chạm đỉnh trời chênh vênh mây núi, thoắt kề vực biển lởm chởm đá xô sóng đánh đầu ghềnh. Câu ca dao thuở nào còn vương vấn nỗi e ngại dọc đường: Đi bộ thì khiếp Hải Vân / Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơi. Lại có người đa cảm, khi nghe câu Lý Hoài Nam đỉnh đèo ai đó hát lên "Chim kêu (tình) kêu chi rứa?", tiếng vọng của ngàn xanh: "Uấy... "oá", tiếng đáp: "Ức"... "ức" của con vượn trèo"... thì ngồi đứng không yên. Phải chăng, điệu lý qua đèo này là "tâm thức" Hải Vân phổ vào hồn vía con người có trí, nhân, cất bước lên đường, tay dắt bạn, mắt dõi về Nam, thấy đường đời gập ghềnh còn xa lăng lắc mà bắc lên câu hát? Trong hành trình khai sơn phá thạch suốt chiều dài đất nước, bao nhiêu người gồng gánh, dắt díu nhau leo đèo, vượt núi vào Nam khai hoang, lập ấp. Họ trở thành các bậc "tiền hiền" khai cơ mở cõi cho con cháu đời sau dựng nghiệp.

Vào năm Minh Mệnh nguyên niên (năm Canh Thìn, 1820), nhà vua cho tôn tạo cửa ải Hải Vân thành Đệ Nhất Hùng Quan. Gần hai thế kỷ qua, hàng đại tự trên vòm cổng trời vẫn còn nguyên nét bút. Công trình "Đệ Nhất Hùng Quan" đất nước vẫn đứng vững trước bao nhiêu biến động long trời lở đất. Lên đèo mây, dừng bước trước Hải Vân Quan, chúng ta không thể không nhắc đến những thi nhân từng một thuở làm người "hành dịch", trên đường công vụ vẫn đeo dây thao "túi thơ, bầu rượu", trao lại cho hậu thế những bài thơ đặc sắc. Ở đây, xin được nói đến bài thơ Đường luật của nhà thơ- nhà khoa bảng thế kỷ XIX: Cử nhân Huỳnh Mẫn Đạt.


LÊN ĐÈO HẢI VÂN


Đồi liễu ngàn mai cảnh quạnh hiu,

Chia hai Thuận, Quảng một con đèo.

Lá dòm mặt nước, cây mong lội,

Biển bọc chân non, sóng muốn trèo.

Mặt đất day ngang đường khuất khúc,

Sườn non dựng ngược đá cheo leo.

Vén mây muốn bước lên trên tót,

Đoái lại vầng trăng lẽo đẽo theo.

(Hợp tuyển Thơ Văn Việt Nam, 1958- NXB Văn học, Hà Nội)


Huỳnh Mẫn Đạt sinh năm 1807, mất năm 1883. Ông người làng Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định (có sách chép ông là người tỉnh Rạch Giá). Huỳnh Mẫn Đạt thi hương đậu Cử nhân năm 1831, làm quan triều vua Tự Đức, đến chức Tuần phủ An Giang (Châu Đốc). Khi thực dân Pháp chiếm đóng Nam Kỳ, tuy mới năm mươi tuổi, ông lui về ở ẩn, kiên quyết không hợp tác với địch. Học rộng, thơ hay, ông là bạn xướng hoạ với Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, giúp Bùi Hữu Nghĩa trong việc soạn bản tuồng Kim Thạch kỳ duyên. Huỳnh Mẫn Đạt dùng ngòi bút vạch mặt bọn tay sai thực dân, ca tụng những chiến công của nghĩa quân chống Pháp. Ông là tác giả những lời thơ hùng tráng khen ngợi Nguyễn Trung Trực nhân việc đốt "tàu đồng" của Pháp ở Nhật Tảo (trận đánh ngày 10-12-1861, đốt cháy và đánh chìm pháo hạm Etpêrăngxơ, tiêu diệt 37 địch) và đánh Pháp ở Kiên Giang:

Hoả hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần

Tác phẩm của Huỳnh Mẫn Đạt còn lại một số bài thơ: Thơ vịnh con chó già, Cây dừa, Qua chơi ghềnh Môm, Mưa đêm, Chiêu Quân xuất tái, Kỹ nữ quy y, Tả cảnh trời chiều, Lên đèo Hải Vân... (Theo Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập I- Trần Văn Giáp chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971).

Lên đèo Hải Vân là bài thơ được sáng tác khi đất nước còn yên ổn, tác giả là vị đường quan đương nhiệm. Câu phá đề mở ra cái nhìn tổng quan: Đồi liễu ngàn mai cảnh quạnh hiu, cho thấy tiết trời (thời gian) có vẻ như đang mùa khô, cây lá suốt dải rừng đèo chưa khởi sắc. Về "địa giới hành chính" (không gian), câu thừa đề miêu tả vị trí tự nhiên đèo Hải Vân ở nơi phân giới hai tỉnh Thuận Hoá, Quảng Nam ngày ấy: Chia hai Thuận, Quảng một con đèo. Thơ tôn vinh quyền uy ngự trị của Hải Vân Đèo bằng hai từ "chia hai", cứ như "con đèo" được thay quyền tạo hoá mà phân định cương vực vậy. Tiếp theo, ngọn bút Huỳnh Mẫn Đạt đẩy lên đến độ thần tình trong hai câu thực:

Lá dòm mặt nước, cây mong lội

Biển bọc chân non, sóng muốn trèo...

Cảnh vật thật hồn nhiên đáng yêu. Đối tượng được phản ánh sinh động hẳn lên. Các "nhân vật trong thiên nhiên" khi được nhà thơ "nhân hoá" đều mang cá tính, đều có có tâm hồn. chen nhau để được dòm mặt nước duềnh biển xanh màu ngọc bích. Cây mong lội xuống gành đá quầng, đá tảng nơi biển cả thời gian mài giũa, sáng ngời sắc điệu trùng dương. Biển dặt dìu bọc lấy chân non để sóng dạt dào theo nhau từng lớp, sóng muốn trèo lên! Một Hải Vân hùng vĩ, nơi gặp gỡ, chốn giao tình của núi với biển, cây với nước, sóng với đèo... dưới trời mây bát ngát. Con đường sườn non được thi nhân đặc tả:

Mặt đất day ngang đường khuất khúc

Sườn non dựng ngược đá cheo leo

Đây là hai câu luận gân guốc, chắc thiệt: "Day ngang" đối với "dựng ngược", "khuất khúc" đối cùng "cheo leo"- những chữ như bện vào đất, như tạc vào đá, khắc hoạ sự hiểm trở trên mỗi chặng đường đèo. Ở hai câu kết bài thơ, thi nhân sảng khoái đứng ở tầm cao Hải Vân nhìn bao quát "non nước hữu tình" bên làn mây mỏng buông xuống đỉnh đèo. Phía sau, một vầng trăng lẽo đẽo theo lên:

Vén mây muốn bước lên trên tót,

Đoái lại vầng trăng lẽo đẽo theo.

Một bài thơ viết bằng chữ Nôm thuần Việt, không mượn điển cố, không dùng một từ Hán nào. Ngôn ngữ trong sáng, thuần hậu, dùng chữ thật cao tay. Tác giả làm tươi lại những từ mang "hương vị" nguyên sơ: dòm (nhòm), day (xoay trở), đoái (tưởng đến, ngoảnh lại trông), tót (trên cao...). Lên đèo Hải Vân, một bài thơ tuyệt bút của Huỳnh Mẫn Đạt, một thi phẩm toàn bích của Văn học miền Nam thế kỷ XIX.

Thành phố Nam Định, tháng 9/2008

Phạm Trọng Thanh

NỔI BẬT TRANG CHỦ