(Tổ Quốc) - Ba năm trở lại đây, doanh số của Colusa - Miliket, chủ sở hữu nhãn hiệu mì tôm nổi tiếng Miliket tăng trưởng đều đặn hai con số, bất chấp sự cạnh tranh của nhiều nhãn hiệu mì trong ngoài nước.
(Nguồn: 24h.com)
CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket (HoSE: CMN) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, dự kiến ngày 26/4 tới đây với nội dung chính là kế hoạch phân phối lợi nhuận, phương án kinh doanh năm 2019.
Trong năm vừa qua, Miliket đã bán ra 18.605 tấn sản phẩm, tăng trưởng 5%. Doanh thu theo đó thu về 608 tỷ, tăng 9% và lợi nhuận trước thuế đạt 32,6 tỷ đồng, cao hơn 13% so với năm 2017.
Năm 2019, Miliket đặt kế hoạch sản lượng là 20.500 tấn. Doanh thu tăng gần 14% lên 691 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế kế hoạch chỉ tăng nhẹ lên 33 tỷ đồng.
Hiện tại, dù chưa có một con số chính xác thống kê về thị phần mỳ ăn liền của Việt Nam. Acecook (sở hữu thương hiệu mì Hảo Hảo), chiếm khoảng 50% thị phần với sản lượng 2,5 tỷ gói mì/năm. Trong khi đó, Masan là "ông lớn" đứng 2 trong thị trường mỳ ăn liền, chỉ sau Acecook. Tiếp đến Cty CP Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) với nhãn hàng mì Gấu đỏ, Trứng vàng đang chiếm hơn 10% thị phần mì gói trong nước...
Dù phải "len lỏi" giữa thị trường mì gói khắc nghiệt song mì Miliket vẫn được biết đến như một món ăn "tri kỷ". Nhiều gia đình vẫn "chuộng" loại mì này bởi hương vị rất riêng, gắn với ký ức một thời.
Có mặt trên thị trường từ trước năm 1975, mì tôm Colusa - Miliket khi đó được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích và gần như độc chiếm thị trường vào năm 1970-1980. Nói đến mì gói vào thời điểm đó, nhiều người vẫn nhớ đến gói mì với đặc trưng bao bì bằng giấy kraft và hình ảnh hai con tôm.
Sau hàng chục năm xuất hiện trên thị trường, với chiến lược tập trung vào phân khúc giá rẻ, bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, Miliket vẫn ghi nhận những kết quả kinh doanh khả quan. Từ nhiều năm nay, công ty cũng quyết tâm giữ nguyên mẫu mã, bao bì để tạo dấu ấn riêng.
Miliket từng chấp nhận thua cuộc trước nhiều ông lớn. Để có thể tồn tại được, Miliket không kỳ vọng đốt phá về doanh thu mà chọn cách thắt lưng buộc bụng. Năm 2015 là năm công ty đạt tăng trưởng rất tốt về lợi nhuận. Nhưng để có được mức tăng trưởng này, Colusa – Miliket phải mạnh tay cắt giảm các chi phí để bù đắp cho những khoản doanh thu sụt giảm nhẹ.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế 2015 của Colusa – Miliket đạt 31,14 tỷ đồng, tăng 10,42 tỷ đồng, tương ứng 50,23% so với năm 2014. Lợi nhuận tăng đột biến dù doanh thu giảm nhẹ. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty chỉ đạt 478,07 tỷ đồng, giảm 9,51 tỷ đồng, tương ứng 2% so với 2014.
Trong năm 2016, Colusa – Miliket cắt giảm mạnh chi phí. Chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 15,69 tỷ đồng, giảm 980 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty chỉ dành ngân sách 73,68 tỷ đồng cho bán hàng. Như vậy, chi phí này giảm 14,11 tỷ đồng, tương ứng 16% so với 2014.
Bên cạnh đó, công ty duy trì chính sách lương bèo bọt trong nhiều năm qua. Colusa – Miliket có một lợi thế chính là không phải chịu áp lực nợ vay.
Có thể thấy, cắt giảm chi phí bán hàng mới là bí quyết thành công của Colusa – Miliket. Chỉ tiêu này giảm mạnh nhưng chỉ khiến doanh thu giảm rất nhẹ va đủ sức giúp lợi nhuận tăng vọt.
3 năm trở lại đây, doanh số của Colusa - Miliket, chủ sở hữu nhãn hiệu mì tôm nổi tiếng Miliket tăng trưởng đều đặn hai con số, bất chấp sự cạnh tranh của nhiều nhãn hiệu mì trong ngoài nước.
Hiện Colusa - Miliket có mạng lưới phân phối tại cả ba miền với hơn 200 điểm bán. Tại các siêu thị lớn trong nước đều có sự xuất hiện của sản phẩm này, gồm cả siêu thị Vinmart... Bên cạnh đó, sản phẩm của công ty cũng được xuất khẩu đi các nước trên thế giới như Pháp, Úc, Mỹ, Đức, Nga, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Lào, Campuchia, Samoa…