• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lênh đênh sông Hương thả hồn cùng ca Huế

20/05/2015 15:36

(Cinet)- Có người nói rằng nếu chưa nghe ca Huế trên sông Hương thì xem như chưa một lần đến Huế. Còn gì thú vị bằng buông thuyền trên dòng sông Hương thơ mộng để thả hồn vào những điệu hò mênh mông, những câu hát nam ai, nam bình sâu lắng…

Lênh đênh sông Hương thả hồn cùng ca Huế.

(Cinet)- Có người nói rằng nếu chưa nghe ca Huế trên sông Hương thì xem như chưa một lần đến Huế. Còn gì thú vị bằng buông thuyền trên dòng sông Hương thơ mộng để thả hồn vào những điệu hò mênh mông, những câu hát nam ai, nam bình sâu lắng…

Ca Huế trên sông Hương là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người dân Cố đô, được lưu giữ và phát triển qua hàng trăm năm nay. Vì thế du khách đến Huế, ngoài nhu cầu thăm thú thưởng ngoạn những đền đài lăng tẩm Huế, ai cũng mong được một lần tựa mạn thuyền rồng để nghe những làn điệu ca Huế ngọt ngào sâu thẳm cất lên trên bồng bềnh sông nước Hương giang. Đặc biệt là những người yêu Huế, muốn thẩm thấu trọn vẹn cái hồn, cái tình của Huế ẩn sâu trong thú chơi nghệ thuật tinh tế đặc sắc này.

Chẳng thế mà gần 70 năm trước chàng thi sĩ trẻ tài hoa Văn Cao, đã như lạc vào chốn “Thiên Thai” chỉ vì một lần tựa mạn thuyền rồng trên sông Hương:

 “ ... Em cạn lời cho anh dứt nhạc

 Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh

 Một đêm đàn lạnh trên sông Huế

Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh...” .

Khi thành phố bắt đầu lên đèn, cầu Trường Tiền lấp lánh trong đêm với đủ các màu sắc thì những chiếc thuyền rồng lần lượt rời bến, chầm chậm ngược dòng sông Hương, đêm ca Huế bắt đầu. Thuyền rồng hững hờ trôi trong màn sương, khán giả trên thuyền, kẻ háo hức ngắm thành phố Huế thơ mộng từ sông Hương, người thì chăm chú xem các đờn ca chuẩn bị biểu diễn.

Thuyền rồng đưa du khách đi nghe ca Huế.

Ban nhạc trên thuyền tuy không đông nhưng phải đủ bầu, nhị, nguyệt, còn phách thì do chính ca nhi kiêm giữ. Ca Huế được chia thành hai điệu chính, điệu khách (hay còn gọi là điệu Bắc) và điệu Nam. Điệu Bắc thì trang trọng vui tươi, âm sắc trong sáng rộn rã như cổ bản, long ngâm, hành vân, long điệp... Điệu Nam thì trữ tình sâu lắng xen lẫn cái da diết bi thương thổn thức như nam ai, nam bình, tương tư khúc...

Ngoài hai điệu chính, ca Huế còn có nhiều hơi nhạc như thương, ai, xuân, thiền... để diễn tả những cung bậc sắc thái tình cảm khác nhau khi thể hiện. Chính hơi nhạc đã làm cho các danh ca, danh cầm Huế không còn là người diễn xướng đơn thuần những làn điệu có sẵn, mà là đất để họ tạo nên sự khác biệt trong khổ luyện tài hoa.

Ca Huế trên sông Hương được người dân Cố đô trân trọng giữ gìn và phát triển qua hàng trăm năm nay.

Bốn bản nhạc lễ cung đình Huế “Lưu Thủy”, “Kim Tiền”, “Xuân Phong”, “Lang hô”… đưa người xem ngược dòng thời gian, về với những cung đình, những nét đẹp của một quá khứ vàng son đã khép lại. Ca sĩ và nhạc công say mê biểu diễn, du khách lặng lẽ, chìm đắm thưởng thức và chiêm nghiệm. Dường như mọi khoảng cách bị xóa nhòa, chỉ còn lại những tri âm, tri kỷ cùng đồng điệu với nhau trong những câu ca, tiếng đàn. Ca Huế với âm sắc ngọt ngào của giọng nói xứ Huế, hoà trong không gian tĩnh mịch của đêm tối, dưới sắc nước lung linh ánh đèn sẽ làm cho bất cứ ai cũng có được một cảm giác lắng đọng tuyệt vời. Một lần được trải nghiệm là một lần nhớ mãi, là hơn một lần muốn quay trở lại...

Chính vì thế, ca Huế trên sông Hương được người dân Cố đô trân trọng giữ gìn và phát triển qua hàng trăm năm nay trước bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử như một tài sản văn hóa vô giá của mảnh đất thần kinh này.

T.H

(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ