Lịch sử Chùa Cầu: Từ thương cảng quốc tế sầm uất 400 năm trước trở thành linh hồn di sản Hội An, biểu tượng được in trên tiền Việt Nam
(Tổ Quốc) - Chùa Cầu là cây cầu cổ đặc biệt ở Hội An, nơi đây nắm giữ nhiều giá trị văn hóa lẫn lịch sử, cũng là biểu tượng du lịch nổi tiếng của vùng đất Quảng Nam.
Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng có rất nhiều cây cầu nối liền những vùng đất, thế nhưng chẳng có cây cầu nào đặc biệt và cất giữ nhiều ý nghĩa như Chùa Cầu. Án ngữ ở phố cổ Hội An đã hơn 400 năm, từ thuở nơi đây còn là bến cảng nhộn nhịp cho đến hiện tại, Chùa Cầu là điểm check - in "must-go" của mỗi du khách khi ghé thăm mảnh đất này.
@saori.kurosu
Thời gian qua đi phủ lên Chùa Cầu lớp rêu phong cổ kính, thế nhưng ít ai biết rằng, trong nhiều thế kỷ chịu đựng mưa lũ, cây cầu cổ oằn mình nối đôi bờ ấy cũng đã xuống cấp nhiều. Chính quyền đã lên các phương án bảo tồn, kế hoạch tu bổ và sau gần 20 tháng trùng tu, Chùa Cầu đã khoác màu áo mới. Dù mang nhiều nét mới lạ lẫm, nhưng Chùa Cầu vẫn là một chốn thiêng giàu ý nghĩa văn hóa và màu sắc lịch sử được du khách trong lẫn ngoài nước nhớ thương.
Chùa Cầu - "Lai Viễn Kiều" ghi dấu ấn lịch sử giao thương hơn 400 năm
Chùa Cầu có nhiều nét đặc biệt từ tên gọi. Chùa Cầu còn được gọi là chùa Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều. Gọi là cầu Nhật Bản có lẽ vì lịch sử cây cầu gắn liền mật thiết với việc người Nhật đến giao thương ở Hội An từ thế kỷ 16. Theo Đại Nam thực lục, khi ấy, ở Hội An chia làm 2 khu riêng biệt, một bên tập trung đông đúc người Hoa, bên còn lại là người Nhật. Cây cầu cổ này được người Nhật xây dựng khoảng năm 1593 để đôi bờ tiện bề thông thương.
Phố cổ Hội An khi xưa từng là một thương cảng sầm uất, đây là nơi giao thoa kinh tế của nhiều quốc gia, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Chính vì thế, kiến trúc Chùa Cầu mang nhiều nét độc đáo, hội tụ cả tinh hoa văn hóa của Việt Nam cùng một số nước phương Đông khác như Nhật Bản và Trung Quốc.
Cây cầu được làm bằng gỗ được nâng đỡ bằng trụ cầu đá, dài khoảng 18m, rộng khoảng 3m, có mái che theo kiến trúc "Thượng gia, hạ kiều" (tức là trên nhà, dưới cầu). Chùa Cầu được lợp ngói âm dương toàn bộ, mái cũng được khảm những đồ gốm men lam rất đặc sắc.. Cửa chính có treo tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là "Lai Viễn Kiều". Ba chữ này được chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban tặng cho cây cầu trong lần vào thăm Hội An với ý nghĩa là "cầu đón khách phương xa", trong Đại Nam nhất thống chí và Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục có ghi rõ như vậy. Việc chọn tên Lai Viễn Kiều cũng thể hiện mong muốn tích cực mở cửa giao thương, hội nhập với bên ngoài - điều này cũng thể hiện một thời kỳ phát triển phồn thịnh của thương cảng Hội An.
Cả chùa lẫn cầu đều được sơn son chạm trổ công phu. Mặt chùa quay về phía bờ sông, hai bên đầu cầu có hai tượng thú bằng gỗ đứng chầu canh giữ: Một tượng chó, một tượng khỉ. Nhiều người cũng tò mò tại sao không phải là tượng thú khác mà lại là chó và khỉ? Nguyên do đây là hai thần thú trấn giữ Namazu trong truyền thuyết dân gian của người Nhật.
@duc.rdb
Nói một chút về truyền thuyết dân gian này của người Nhật, Namazu là loài thủy quái gây tai ương xuất hiện ở ngoài đại dương xa xôi, có thể nhấn chìm mọi thứ bằng những sóng nước lớn. Người Việt mình gọi là con Cù, người Nhật gọi là Namazu còn người Hoa gọi là Câu Long. Trong truyền thuyết, con quái vật này mang hình dạng con cá trê khổng lồ, chuyên gây họa cho người dân. Người ta cũng kể rằng, con Cù hay Namazu ấy có phần đầu ở Ấn Độ (hoặc Nhật Bản), đuôi ở Nhật Bản (hoặc Ấn Độ), vắt qua Hội An đúng phần lưng vị trí Chùa Cầu hiện tại.
Người Nhật cho rằng thần Kashima chế ngự Namazu bằng cách ngồi lên lưng nó, ngày đêm kìm hãm con thủy quái để đảm bảo an toàn cho loài người. Nhưng cũng như họ, đôi khi thần Kashima cũng lơ đãng, và đó là lúc tai ương ập đến, chính là khi động đất, sóng thần gieo rắc tai ương đến với đất nước mặt trời mọc. Ở Hội An cũng vậy, đôi khi "Cù dậy", và thế là lũ lụt kéo về, nhà cửa bị nhấn chìm.
Khi sang cảng thị Hội An làm ăn, người Nhật và người Hoa - vốn là những người rất xem trọng phong thủy. Với niềm tin về một nơi đất lành để an cư lạc nghiệp, họ quyết định vị trí xây dựng chùa phải nằm trên phần lưng của cá trê khổng lồ kia, chính là chỗ Chùa Cầu bây giờ.
Chùa nhưng... không thờ Phật
Chùa Cầu kéo dài 7 gian, phần gian chính giữa (gọi là chùa) không thờ Phật mà thờ tượng gỗ Bắc Đế Trấn Vũ - vị thần được cho là có khả năng bảo hộ vùng đất, ban phát niềm vui, sự an lành cũng như những điều tốt đẹp đến cho con người.
Trong truyền thuyết dân gian, vì trong khi người Nhật xây dựng Chùa Cầu cũng nhiều lần bị nước xoáy cuốn trôi, bởi vậy không chỉ đổ chì, bạc xuống móng, dùng cột đá trấn giữ. Đến khi người Hoa tiếp quản chăm sóc thì để thêm miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ - như tên gọi là một vị thần chuyên trị lũ lụt theo quan niệm của người Hoa. Đầu cầu phía Tây đặt 2 tượng khỉ đá, phía Đông đặt 2 tượng chó đá một đực, một cái quay mặt vào nhau.
Mặc dù những truyền thuyết này xuất phát từ dân gian, cũng không có sử sách nào ghi lại rõ ràng, nhưng thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán đã viết trong Hải Ngoại kỷ sự rằng: "Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của thương khách các nước, thẳng bờ sông một con đường dài 3, 4 dặm, gọi là Đại Đường cái, hai bên đường hàng phố liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phúc Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh). Phần đông phụ nữ coi việc mua bán, những khách trú ở đây hay cưới vợ bản xứ cho tiện việc thương mại, cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phố, các bờ bên kia tức Trà Nhiêu, nơi đình bạc của các tàu ngoại quốc,...". Ghi nhận của Thích Đại Sán là tư liệu văn bản đầu tiên xác định chủ nhân Nhật Bản của cây cầu, qua đó làm cho truyền thuyết "cù Dậy" ở Hội An không chỉ mang tính huyền thoại mà còn có nguồn gốc thực tế.
Trong văn bia trùng tu Chùa Cầu năm 1817 gắn ở phía Đông Bắc cầu có tiêu đề Trùng tu Lai Viễn Kiều ký, Đốc học Quảng Nam Đinh Phiên một lần nữa xác định: "Minh Hương Hội An phố giới ư Cẩm Phô hữu khê hữu kiều cổ dã, tương truyền Nhật Bản quốc nhân sở tác" (làng Minh Hương ở phố Hội An, giáp giới Cẩm Phô có một khe nước, khe có cầu đã lâu, tương truyền do người nước Nhật Bản làm nên)" - trích Di sản Hán Nôm Hội An, tập 1, Văn bia.
Xuất hiện trên tờ tiền 20.000 đồng
Chùa Cầu đã trải qua nhiều lần trùng tu, trước kia Chùa Cầu được xây dựng bởi người Nhật, nhưng trong giai đoạn 1634-1635, người Nhật ở Hội An thưa thớt dần do lệnh tỏa quốc (cấm xuất ngoại) của Nhật. Đó cũng là lúc người Hoa phát triển mạnh giao thương ở thương cảng và cũng tiếp tục gìn giữ cây cầu cổ "trấn yểm" vùng đất thiêng này.
Khi đó, nhiều nét kiến trúc Nhật Bản ban đầu đã dần biến mất nhưng kiến trúc đặc sắc của Chùa Cầu vẫn là sự giao thoa văn hóa ý nghĩa. Kể từ đó, Chùa Cầu được coi là biểu tượng đặc trưng của khu phố cổ. Với nét đẹp thời gian về văn hóa như vậy, Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Đây cũng là địa điểm check-in không thể không ghé khi đến thăm phố cố Hội An.
Thêm một điều rất thú vị có lẽ nhiều người không để ý, đó là hình ảnh của Chùa Cầu được in trên tờ tiền polymer 20.000 đồng của Việt Nam. Điều đó cũng thể hiện rằng, giá trị của Chùa Cầu không chỉ quan trọng về mặt du lịch, lịch sử mà còn để lại dấu ấn về mặt văn hóa tâm linh.
Thời gian vẫn cứ trôi, có người đến, người đi và người ở lại với Hội An, nhưng bao năm qua, Chùa Cầu vẫn ở đó, chứng kiến cuộc sống của người dân vùng đất linh thiêng này. Dù quá khứ, hiện tại hay tương lai, việc tôn tạo, trùng tu Chùa Cầu để gìn giữ vẻ đẹp xưa, để chốn thiêng này vẫn luôn đồng hành cùng người dân Hội An bước qua những ngày tháng mới - những ngày tươi đẹp, hạnh phúc hơn.