(Tổ Quốc) - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị, Liên hiệp các Hội VHNT phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa TP.HCM và các cơ quan chức năng để tham mưu ban hành những chính sách, cơ chế thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù lĩnh vực VHNT mà Nghị quyết 98 Quốc hội cho phép TP.HCM được huy động nguồn lực đầu tư phát triển…
Tại lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh (1963-2023) tổ chức sáng 17/12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM cần phải đổi mới sâu sắc toàn diện hơn nữa về lề lối, tổ chức hoạt động, nghiên cứu để tìm tòi sáng tạo; cần phải huy động kết nạp người tài, phát hiện ra những nhân tố tài năng trên lĩnh vực Văn học Nghệ thuật, hỗ trợ khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ hiện đang ở bên ngoài hội. Đồng thời, Liên hiệp phải nâng cao vai trò tham mưu để Văn hóa, Văn học Nghệ thuật ngày càng phát triển xứng tầm với yêu cầu hiện nay của Thành phố.
Bên cạnh đó, chính quyền Thành phố phải không ngừng hoàn thiện chính sách, bổ sung những chính sách mới để thể chế, tập trung nâng cao chất lượng của bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa từ Thành phố đến cơ sở, tạo lập môi trường, khích lệ nhiều hơn về tinh thần, tự do sáng tạo khai phóng năng lượng đối với chủ thể sáng tạo trước hết là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM quan tâm đến bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ nói riêng và người làm văn hóa nghệ thuật nói chung luôn có những quan điểm, đường lối, chính sách đúng đắn, giúp cho văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn cuộc sống bồi đắp tư tưởng, tình cảm, tạo điều kiện để phát huy tư duy cảm xúc, đem tâm huyết, cống hiến cho văn học nghệ thuật đi đôi với đầu tư trọng tâm, trọng điểm trên từng lĩnh vực; xây dựng hệ thống giải thưởng nhằm vinh danh xứng đáng tác giả có đóng góp lớn cho cho văn hóa, văn học nghệ thuật, đi liền với đó là chính sách đãi ngộ chăm lo đội ngũ văn nghệ sĩ, để họ sống tốt với nghề, có phúc lợi khi già yếu, nhất là nghệ sĩ ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn.
Bí thư Thành ủy cho rằng, Thành phố đã và đang xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, do vậy, Liên hiệp cần tiếp tục triển khai để tăng cường sáng tác biểu diễn những tác phẩm khắc họa tư tưởng đạo đức phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh với những giá trị nhân văn của Bác, nhất là tinh thần yêu nước, thương nòi, biết hy sinh, gương sáng về cần kiệm liêm chính chí công vô tư, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", lấy cái tích cực đầy lùi tiêu cực, đặc biệt trên không gian mạng hiện nay.
Đảng, Đoàn Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM cần tiếp tục học tập quán triệt sâu sắc phát biểu của Tổng Bí thư nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam để nhìn thấy mình trong đó, cụ thể hóa đi vào cuộc sống.
Liên hiệp các Hội VHNT phải phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa Thành phố, cơ quan chức năng để tham mưu cho Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố ban hành những chính sách, cơ chế thí điểm một số cơ chế chính sắc đặc thù lĩnh vực VHNT mà Nghị quyết 98 Quốc hội cho phép TP.HCM được huy động nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là chính sách đãi ngộ vật chất tinh thần phù hợp với tình hình mới…
Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM tiền thân là Hội Văn nghệ Giải phóng Đặc khu Sài Gòn - Gia Định ra đời vào tháng 12/1963, tập hợp văn nghệ sĩ yêu nước, tiến bộ chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xứng đáng vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau Đại hội lần thứ III vào ngày 10/01/1985, Hội được đổi tên thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.HCM. Từ Đại hội lần thứ V năm 2001 đến nay, Hội được đổi tên là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM. Hiện nay, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM có hơn 5.400 hội viên, sinh hoạt trong 9 Hội thành viên là: Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu, Hội Mỹ thuật, Hội Điện ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Nhiếp ảnh, Hội Múa và Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số.
Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, Liên hiệp các Văn học Nghệ thuật TP.HCM phát triển ngày càng vững mạnh, đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng Thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình, góp phần với cả nước xây dựng nền văn hóa, văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đến nay, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM có 24 văn nghệ sĩ đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, 90 văn nghệ sĩ đạt Giải thưởng Nhà nước. Đặc biệt, có 4 văn nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: nhạc sĩ Hoàng Việt, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ Lê Anh Xuân; 1 văn nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động (đạo diễn Phạm Khắc) và 1 văn nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (họa sĩ Đặng Ái Việt).
Nhân dịp này, UBND Thành phố đã trao tặng cờ Truyền thống cho Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM và tặng bằng khen của UBND TP.HCM cho 2 tập thể, 1 cá nhân Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM. 60 văn nghệ sĩ "Đã có nhiều cống hiến trong xây dựng và phát triển Văn học Nghệ thuật Thành phố 60 năm qua" cũng vinh dự được nhận Bằng Cống hiến của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM.