(Tổ Quốc) - Đà Nẵng đăng cai tổ chức Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Phú Yên đẩy mạnh tuyên truyền phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Kết quả thực hiện Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, truyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020 tỉnh Quảng Ngãi là những điểm tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh/thành Đà Nẵng, Phú Yên và Quảng Ngãi.
Đà Nẵng đăng cai tổ chức Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
Thông tin trên Báo Đà Nẵng cho biết, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố vừa có buổi làm việc với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam để bàn công tác phối hợp tổ chức Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 25 năm 2020.
Liên hoan lần này tiếp tục chọn chủ đề "Đất nước - Con người Nam Trung Bộ và Tây Nguyên" với các thể loại nhiếp ảnh tiêu biểu như: phong cảnh, chân dung, sinh hoạt đời thường, tĩnh vật...; các tác phẩm ảnh nghệ thuật phản ánh vẻ đẹp thiên nhiên, những thành tựu kinh tế-xã hội của đất nước, nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong khu vực; khuyến khích chủ đề xây dựng nông thôn mới và bảo vệ chủ quyền biên giới - biển đảo quốc gia.
Liên hoan có sự tham dự của 10 tỉnh/thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, gồm: Bình Định, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Khánh Hòa, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ban tổ chức nhận ảnh dự liên hoan là ảnh đơn dưới dạng kỹ thuật số tại địa chỉ www.lienhoananhkhuvuc.vn đến hết ngày 31/7/2020. Lễ trao giải và tổ chức triển lãm dự kiến diễn ra vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh 2/9, tại thành phố Đà Nẵng.
Phú Yên đẩy mạnh tuyên truyền phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Thông tin trên báo Phú Yên điện tử cho biết, trong năm 2020, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phong trào.
Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ triển khai đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; Tiếp nhận, áp dụng các hình thức tuyên truyền mới; Tăng thời lượng tin, bài và các nội dung liên quan đến phong trào trên các kênh thông tin đại chúng…, nhằm đưa phong trào phát triển sâu rộng trong quần chúng nhân dân.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền thực hiện 5 nội dung chủ yếu của phong trào, đó là: Xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại thôn, buôn, khu phố, xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỉ lệ gia đình văn hóa, thôn, buôn, khu phố văn hóa đạt thấp, chưa bền vững; Định kỳ tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, kịp thời bổ sung, sửa đổi các nội dung, giải pháp thực hiện phong trào phù hợp thực tiễn các địa phương. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa, tác phong lao động công nghiệp cho công nhân các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả ghi nhận trong công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020 tại Quảng Ngãi
Sở VHTTDL Quảng Ngãi đã có báo cáo trình Bộ VHTTDL về kết quả thực hiện Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc Việt Nam, giai đoạn 2017 – 2020.
Báo cáo nêu rõ, những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vùng dân tộc thiểu số sinh sống nên việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án bước đầu đạt hiệu quả các nhiệm vụ đề ra; việc nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân lực trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện, qua đó, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa; việc kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số được thực hiện tốt nhằm nhận diện, xác định giá trị các loại hình di sản văn hóa về tên gọi, chủ thể, địa điểm, thời gian, không gian, sức sống, giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học để lập phiếu kiểm kê, bổ sung, lưu giữ, bảo quản, trưng bày tốt các tài liệu, hiện vật quý phục vụ nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá các di sản văn hóa phong phú, độc đáo và đa sắc màu của các dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Ngãi, thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của công chúng trong và ngoài tỉnh./.