(Tổ Quốc) -Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2018 có nhiều điểm mới trong quy chế và cách tổ chức. Trong đó, đặc biệt, Bộ VHTTDL quy định, các đơn vị tham gia không được thuê, mượn diễn viên, nhạc công.
Nhiều điểm mới
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2018 là hoạt động do Bộ VHTTDL tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn thuộc các đơn vị Ca, Múa, Nhạc trong và ngoài công lập được giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật; tăng cường tính chuyên nghiệp, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng hướng đi phù hợp với cuộc sống đương đại đồng thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.
Năm nay, thay vì tổ chức trên cả nước, BTC chia thành 3 khu vực theo 3 đợt. Trong đó, đợt 1 của Liên hoan sẽ diễn ra tại tỉnh Cao Bằng từ ngày 29/6 đến 07/7/2018 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng.
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2018 có nhiều điểm mới (ảnh Cục NTBD) |
“Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2018” (đợt 1) có 12 đơn vị nghệ thuật tham gia: Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La; Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang; Đoàn Nghệ thuật Ca Múa Nhạc tỉnh Vĩnh Phúc; Đoàn Ca Múa Hải Phòng; Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên; Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên; Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc; Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn Thanh Hóa; Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái; Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn.
Theo NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục NTBD cho biết, theo quy định của Ban Tổ chức các đơn vị tham gia không được thuê, mượn diễn viên, nhạc công chỉ để phục vụ việc xây dựng chương trình tham gia Liên hoan. Các tiết mục đã đoạt giải trong các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an tổ chức không được tham gia liên hoan. Các tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc, phần nhạc đệm cho hát, đệm cho độc tấu nhạc cụ phải được nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp, riêng âm nhạc của các tác phẩm múa được thu thanh trước.
Bên cạnh đó, NSND Nguyễn Quang Vinh cũng cho biết thêm, khác với các đợt tổ chức trước, chương trình khai mạc “Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2018” (đợt 1) năm nay có một số nét mới. Trong đó, sau phần nghi thức khai mạc, thay phần dự thi của các đơn vị thì năm nay chương trình khai mạc sẽ là một đêm ga la nghệ thuật, quy tụ nhiều nghệ sĩ có tên tuổi của ba miền đất nước về Cao Bằng cùng biểu diễn và giao lưu với nghệ sĩ các đoàn tham gia liên hoan như: NSƯT Vân Khánh; NSƯT Thanh Thúy (đến từ Thành phố Hồ Chí Minh); NSƯT Phạm Phương Thảo; các ca sĩ: Anh Thơ; Thụy Miên; Lương Nguyệt Anh; Vũ Thắng Lợi; Đăng Thuật; Lê Anh Dũng; Minh Đức; Quang Hào (đến từ Đà Nẵng); nhóm Pha Lê; nhóm Phương Bắc; nhóm Thăng Long…cùng các nghệ sĩ múa đến từ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ trên mọi miền đất nước sẽ tạo nên một đêm nghệ thuật nhiều sắc màu và thu hút khán giả đến với Liên hoan.
Đa dạng giải thưởng
Theo quy định của BTC, các chương trình, tiết mục tham gia Liên hoan cần có chủ đề và nội dung rõ ràng. Khuyến khích các đơn vị xây dựng chương trình, tác phẩm mang bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng miền của mình và thể hiện được sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trao Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho chương trình gắn với các thành phần sáng tạo chương trình (chỉ đạo nghệ thuật; tổng đạo diễn; chỉ huy dàn nhạc; nhạc sĩ; biên đạo; họa sĩ; thiết kế phục trang; đạo cụ). Giải chương trình chỉ trao cho các đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan với đầy đủ 03 bộ môn Ca, Múa, Nhạc. Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho tiết mục gắn với nhóm nghệ sĩ hoặc cá nhân nghệ sĩ biểu diễn.
Ngoài các giải thưởng trên, theo đề nghị của Hội đồng nghệ thuật, Ban Tổ chức sẽ trao giải thưởng xuất sắc cho chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn chương trình, chỉ huy dàn nhạc, nhạc sĩ, biên đạo, họa sĩ, thiết kế phục trang, mỗi thành phần sáng tạo chỉ trao 01 giải (nếu có).