• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2018: Giữ lửa đam mê văn hóa dân tộc

04/07/2018 10:31

Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2018 (đợt 1) do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng thực hiện đã quy tụ được 12 đơn vị nghệ thuật các tỉnh phía Bắc tham gia.

Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2018 (đợt 1) do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng thực hiện đã quy tụ được 12 đơn vị nghệ thuật các tỉnh phía Bắc tham gia.

Một tiết mục tham gia trong liên hoan. Ảnh: B.T.C

Chuyển mình để sống còn

Các đoàn nghệ thuật đang đứng trước những thách thức sống còn và đòi hỏi sự đổi mới toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết T.Ư 6 đang tác động trực tiếp đến cuộc sống, nghề nghiệp, tâm tư, tình cảm của các nghệ sĩ.



Phát biểu tại khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên nhấn mạnh: “Đây là sự chuyển mình cần thiết để bắt kịp với sự phát triển của xã hội trong thời kỳ đổi mới, thời đại 4.0. Chúng ta đang thay đổi và cần chủ động thay đổi”.

Hơn 700 ghế của Trung tâm hội nghị tỉnh Cao Bằng không còn chỗ trống chứng tỏ sự quan tâm đối với Liên hoan lần này và nghệ thuật truyền thống chưa hẳn đã mất đi vị thế trong bối cảnh hiện nay. Bởi thế, quan điểm ở liên hoan là dồn thời gian và chất xám vào nghệ thuật, trao đổi, sẻ chia và học tập lẫn nhau để cùng nhau phát triển mà không đặt nặng thắng thua. Hưởng ứng tinh thần đổi mới, vượt qua nhiều khó khăn, các đơn vị nghệ thuật đã mang đến những tiết mục hấp dẫn.

“Phải nhận thức rõ những thách thức và có nhiều giải pháp trong khả năng, điều kiện thực tế có thể làm được như đổi mới phương pháp, thủ pháp nghệ thuật, hình thức thể hiện… để gần hơn với khán giả trẻ” - nhạc sĩ Phạm Hồng Thu - Giám đốc nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La - chia sẻ.

Thiếu diễn viên trẻ đẹp tài năng

Trẻ hóa đội ngũ diễn viên đang là một bài toán khó với hầu hết các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Thị hiếu của khán giả ngày càng cao, cộng với sự cạnh tranh gay gắt đòi hỏi các đoàn phải bắt kịp với nhu cầu của cuộc sống và yếu tố làm nên bước tiến mới chính là đội ngũ diễn viên trẻ đẹp, tài năng.

Chính sách tuổi nghỉ hưu được áp dụng bao gồm đối với cả nhân lực trong ngành nghệ thuật, tuổi 40 chưa đủ về hưu nhưng hiệu quả biểu diễn của diễn viên không cao, điều này dẫn đến tình trạng có người được đi biểu diễn thường xuyên, có người lại chơi dài nhưng vẫn hưởng lương theo biên chế.

Theo Bà Đỗ Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm VHNT tỉnh Yên Bái - thì “tỉnh không cho ký hợp đồng với các diễn viên trẻ trong đó lại giảm biên chế. Việc thu hút các diễn viên có chuyên môn tốt rất khó vì các em không muốn về địa phương, học xong chỉ muốn ở lại các thành phố lớn, có nhiều địa điểm biểu diễn. Do vậy diễn viên lớn tuổi vẫn chiếm số đông, có diễn viên múa trên 40 tuổi vẫn ra sân khấu.

Số lượng biên chế còn hạn định đòi hỏi diễn viên mới vào thì phải có người ra. Nếu nhận theo hợp đồng để giải quyết khó khăn trước mắt thì các đoàn phải tự bỏ ra kinh phí trong vòng 2 - 3 năm, khiến diễn viên trẻ chưa yên tâm làm việc, dẫn tới chất lượng biểu diễn không cao. Và nhạc sĩ Phạm Hồng Thu cho rằng, “cơ cấu nhân lực, biên chế của khối viên chức chuyên môn nghệ thuật rất hạn chế, nhiều vị trí không được bố trí. Thiếu giọng ca và diễn viên múa, đạo diễn âm thanh, đạo diễn ánh sáng, thiết kế mỹ thuật, biên tập viên…”.

Bài toán về kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất thiếu thốn cũng không phải “nỗi riêng mang” của bất cứ đoàn ca múa nhạc nào. Ông Chu Tâm Huy - Trưởng đoàn ca múa nhạc Hải Phòng đánh giá, “khó khăn hiện nay là thiếu kinh phí dàn dựng chương trình. Muốn hay, đạt chất lượng tốt thì phải mời các đạo diễn giỏi về dàn dựng nhưng không đủ kinh phí nên phải tự thân vận động”.

Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc kết thúc đợt 1 (vào ngày 7.7), đợt 2 dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra vào cuối tháng 8 tại TP. Đà Nẵng.

Theo laodong.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ