(Cinet) - “Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội” liệu có thể sánh ngang tầm với “Liên hoan phim Cannes” sau nhiều năm nữa?
(Cinet) - “Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội” liệu có thể sánh ngang tầm với “Liên hoan phim Cannes” sau nhiều năm nữa?
Đó là câu hỏi gợi mở được Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đặt ra trong cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V, năm 2018 về hướng đi, hướng phát triển và định vị thương hiệu Liên hoan Phim uy tín này.
Poster Liên hoan Phim Hà Nội lần thứ V, năm 2018. |
Khẳng định thương hiệu uy tín của Liên hoan Phim Hà Nội
Năm 2018, Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội có chủ đề “Điện ảnh – Hội nhập và phát triển bền vững” do Cục Điện ảnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Hà Nội tổ chức từ ngày 27/10 – 31/10/2018.
Chia sẻ về tiêu chí của Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, bà Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện Ảnh, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V cho biết, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội nhằm vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, sáng tạo; khuyến khích những tài năng mới của điện ảnh. Liên hoan nhằm phát huy tinh thần nhân ái, hợp tác giữa các nhà làm phim, đại biểu, khách mời vì sự phát triển của điện ảnh; Đồng thời giới thiệu đến công chúng những tác phẩm điện ảnh đặc sắc của các nền điện ảnh trên thế giới.
Trong đó, Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội đề cao các tác phẩm điện ảnh mang dấu ấn sáng tạo, giàu giá trị nhân văn, phát hiện và vinh danh những tài năng mới của điện ảnh; Thu hút sự quan tâm của công chúng đối với điện ảnh, tạo sức sống mới và động lực để xây dựng và phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Đồng thời, tạo cơ hội mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam với thế giới. Bên cạnh đó, Liên hoan còn góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách thông qua hình ảnh Thủ đô Hà Nội – thành phố vì hòa bình và có bề dày ngàn năm văn hiến.
Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Gia Linh |
Một trong các điểm mới của Liên hoan phim năm nay so với các liên hoan trước đây, bà Ngô Phương Lan chia sẻ, các phim dự thi được công chiếu lần đầu trong khoảng thời gian từ 01/11/2016 – 01/7/2018 và đặc biệt chưa dự thi Liên hoan Phim quốc tế trong khu vực Châu Á (trước đây được giới hạn trong khu vực Đông Nam Á). Điều này phần nào thể hiện sự phát triển của Liên hoan phim theo từng năm, đồng thời thể hiện mong muốn của Ban Tổ chức trong việc tìm kiếm những tác phẩm điện ảnh mới, có chất lượng.
Bên cạnh đó, các chương trình khác của Liên hoan phim bao gồm “Trại sáng tác HANIFF và Chợ Dự án làm phim”, triển lãm “Bối cảnh quay phim đặc sắc tại Việt Nam”, cùng các tọa đàm “Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan” và “Kinh nghiệm thành công quốc tế của Điện ảnh Iran” sẽ mang đến cho những nhà làm phim trẻ, những công chúng yêu mến điện ảnh cơ hội được giao lưu, chia sẻ với những đạo diễn, nhà làm phim gạo cội của điện ảnh quốc tế, với những gương mặt đã giành giải thưởng Oscar và Cành cọ vàng danh giá. Đây là nỗ lực của Ban Tổ chức liên hoan năm nay nhằm kéo gần hơn khoảng cách giữa điện ảnh Viêt và điện ảnh Quốc tế.
Công tác chuẩn bị đang dần hoàn tất
Năm 2018 cũng là năm đặc biệt đánh dấu mốc 5 năm tổ chức liên hoan và là năm có sự phối hợp đông đảo các sở, ban, ngành liên quan của TP Hà Nội với Cục Điện ảnh để chuẩn bị cho Liên hoan Phim.
Bên cạnh các chương trình tại liên hoan phim, năm nay lần đầu tiên chương trình Chiếu phim ngoài trời và giao lưu, biểu diễn thời trang sẽ được tổ chức tại Hà Nội liên tiếp trong các ngày từ 28/10 – 30/10 (dự kiến tại Tượng đài Vườn hoa Lý Thái Tổ” để phục vụ công chúng yêu mến điện ảnh.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Gia Linh |
Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết, các kỳ Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội những năm trước đây đã được tổ chức rất thành công và mang lại hiệu ứng tốt, qua đó góp phần giới thiệu hình ảnh Hà Nội, đồng thời tăng cường tình hữu nghị giữa các nhà làm phim, giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Năm 2018, Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL để tổ chức thành công Liên hoan Phim.
Riêng về điểm chiếu phim phục vụ ngoài trời tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, ông Tiến cho rằng nên tổ chức vào ngày cuối tuần để thu hút đông đảo công chúng Thủ đô tham dự. Bên cạnh đó, ông Tiến đề nghị Cục Điện ảnh sớm hoàn thiện kịch bản chi tiết các hoạt động, số lượng khách, đặc biệt là khách quốc tế để cung cấp cho phía các Sở, ban, ngành liên quan của thành phố Hà Nội chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động của liên hoan.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên nhận định, đây là lần thứ 5 tổ chức Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội. Sau mỗi lần tổ chức, Ban tổ chức đã rút ra nhiều kinh nghiệm để lần sau tổ chức tốt hơn lần trước. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý Ban tổ chức Liên hoan phim Hà Nội cần tập trung hoàn thành sớm công tác chuẩn bị, quảng bá.
Thứ trưởng cho rằng cần tập trung chú trọng ở truyền thông quốc tế và truyền thông trong nước. “Đây là liên hoan phim quốc tế, nên làm thế nào để thông tin của liên hoan phải ra được quốc tế, thông tin phải được cập nhật trên trang web của liên hoan. Đã là Liên hoan Phim quốc tế thì càng nhiều tác phẩm điện ảnh tham dự thì càng thành công. Tôi tin thương hiệu Liên hoan Phim Hà Nội sẽ lớn dần lên và ngày càng chuyên nghiệp” – thứ trưởng cho biết.
Chia sẻ với trách nhiệm nặng nề của thành phố Hà Nội trong việc phối hợp tổ chức liên hoan, Thứ trưởng cũng cho rằng: “Tôi đi dự nhiều liên hoan nghệ thuật quốc tế cho thấy có thành phố nhỏ nhưng liên hoan lớn (như liên hoan phim Cannes), tất cả thành phố tập trung cho liên hoan, thậm chí tôi đi vào các cửa hàng đều có logo của sự kiện. Chúng ta có thành phố lớn nhưng liên hoan nhỏ, bởi liên hoan phim bị phân tán bởi nhiều hoạt động. Do đó, cần phải làm thế nào để khách đến Hà Nội phải có ấn tượng”.
“Chúng ta đã có bộ nhận diện thương hiệu, logo của liên hoan rất nhẹ nhàng và rất “Hà Nội”, các đồng chí phải cho nó xuất hiện nhiều hơn. Tôi cũng đề nghị các đồng chí ở Cục trình sớm ý tưởng kịch bản khai mạc, bế mạc, cố gắng làm khác những lần trước để làm mới liên hoan. Nhưng cái phải luôn luôn giữ là ấn tượng Hà Nội. Đó là cái riêng của Hà Nội” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Sự phát triển, các hoạt động hưởng ứng của Liên hoan Phim Cannes, cùng nhiều liên hoan phim trên thế giới là hình mẫu để ta học tập những điểm hay, điểm tốt trong việc quảng bá thương hiệu liên hoan phim. “Tôi nghĩ các đồng chí ở Sở Du Lịch và Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội phải nghĩ ra được các sản phẩm “ăn theo” của Liên hoan phim. Các chương trình giới thiệu về Hà Nội, các chương trình thăm quan hưởng ứng theo liên hoan phim để từng bước tạo những ấn tượng riêng về liên hoan nói riêng, của Hà Nội nói chung” – Thứ trưởng gợi ý./.
Gia Linh