• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu

Thực hiện: Đức Hoàng | 27/04/2023

(Tổ Quốc) - “Liên hoan Văn hóa - Thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu năm 2023” nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu, đồng thời quảng bá vẻ đẹp và sự độc đáo của văn hóa cộng đồng người Cơ Tu hướng tới phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 1.

Ngày 27/4, tại thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, UBND huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) tổ chức chương trình “Liên hoan Văn hóa – Thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu năm 2023”.

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, đây là chương trình tôn vinh tinh thần đoàn kết các dân tộc, đồng thời tôn vinh bản sắc văn hóa người Cơ Tu vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mà trong đó chính cộng đồng Cơ Tu đóng vai trò là chủ thể trong hoạt động bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình gắn với phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 3.

Chương trình cũng nhằm mở rộng giao lưu cộng đồng người Cơ Tu để làm giàu vốn văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện Hòa Vang và thắt chặt mối quan hệ giữa các địa phương; đồng thời nhằm kỷ niệm "Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam" (19/4), kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023) và Quốc tế lao động 1/5. Ngoài ra, sự kiện cũng là cơ hội quảng bá vẻ đẹp và sự độc đáo của văn hóa cộng đồng người Cơ Tu hướng tới phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 4.

Đến với lễ hội, người dân và du khách được thưởng thức những điệu múa sống động đầy âm hưởng của núi rừng qua phần trình diễn cồng chiêng; được xem biểu diễn văn nghệ truyền thống hay nghe những điệu hát lý, nói lý mang đậm bản sắc của người Cơ Tu...

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 5.

Cùng với đó, đồng bào thể hiện nghi thức kết nghĩa rất đỗi nhân văn nhưng cũng rất độc đáo. Từ đó, giúp đồng bào củng cố hơn nữa mối quan hệ đoàn kết và tự hào về truyền thống của cộng đồng mình…

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 6.

Điệu múa Tung tung da dá được trình diễn tại chương trình. Người Cơ Tu bao đời nay múa Tung tung da dá như một cách để kết nối giữa thế giới thực tại với vũ trụ, tổ tiên, ông bà. Điệu múa này gắn bó với cộng đồng, xuất hiện nhiều trong sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội lớn của người Cơ Tu như lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng nhà Gươl...

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 7.

Người Cơ Tu mặc định với nhau rằng, "tung tung" là điệu múa của đàn ông, con trai, còn "da dá" là điệu múa của đàn bà, con gái. Trong những lần sinh hoạt dân ca dân vũ, tất cả cùng múa và nhịp bước trong cùng một vòng tròn, ngược theo kim đồng hồ, sôi động, rộn ràng trên nền tiếng trống, cồng chiêng vang vọng núi rừng bao la hùng vĩ. Bên cạnh đó, "tâng tung" còn được hiểu là vươn lên cao, sôi động hơn, mạnh mẽ hơn và vững chãi hơn. Nó thể hiện khát vọng chinh phục vũ trụ, muốn vươn lên tầm cao mới, mong cuộc sống tốt đẹp hơn của mỗi con người.

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 8.

Còn "da dá", theo tiếng Cơ Tu có nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều, mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là nhớ ơn đất trời, trung thành với người, kính trên nhường dưới. Trong điệu "da dá", động tác múa phải uyển chuyển, toát lên sự đằm thắm, chung thủy và không bị khuất phục. Vì thế, điệu múa này chỉ dành riêng cho "phái đẹp". Bởi người Cơ Tu quan niệm rằng phụ nữ vốn thùy mị, thương chồng, yêu con, biết hy sinh vì sự sinh tồn, phát triển của dòng tộc.

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 9.

Để thể hiện điệu múa Tung tung một cách sinh động giữa bao la của đại ngàn, đàn ông Cơ Tu mặc khố, choàng một áo dệt bằng thổ cẩm, chân đi trần, tay nắm chắc cây khiên, cây giáo hoặc nắm chắc tay bạn bên cạnh tung đôi tay lên vừa bước vừa hú một cách tự tin và hùng dũng, thể hiện sức mạnh của trai làng...

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 10.

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 11.

Còn nữ giới khi múa thì mặc váy thổ cẩm nhiều màu sắc, hoa văn, vai trần, cổ đeo vòng cườm. Khi múa đôi mắt của người phụ nữ nhìn thẳng, miệng luôn tủm tỉm cười, chân đi đất nhón gót xoay tròn ngược chiều kim đồng hồ.

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 12.

Cả nam giới và phụ nữ khi múa di chuyển theo vòng tròn, chậm và ngược kim đồng hồ, theo nhịp điệu cồng chiêng và tiếng trống thập thình, nhịp nhàng trên đôi chân và nhẹ nhàng quay thân mình theo chiều thuận kim đồng hồ.

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 13.

Tung tung da dá là vũ điệu uyển chuyển như cây lau trước gió, như dòng suối mượt mà uốn quanh. Sự hòa hợp của điệu múa này giữa người nam và người nữ đã tạo nên một tổng thể sinh động giữa bao la đại ngàn. Vòng tròn nam nữ thanh niên di chuyển nhịp nhàng sinh động hòa cùng âm thanh cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống khác luôn ngân dài tan vào vũ trụ như một lời nguyện cầu của người Cơ Tu muốn gửi gắm đến đấng thần linh và tổ tiên.

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 14.

Múa tung tung da dá là tuyệt tác, là tâm hồn và là biểu tượng của văn hoá truyền thống Cơ Tu. Người Cơ Tu có niềm tin rằng, thần đất, thần sông cho họ cái ăn và Giàng nghĩa là trời cho họ cái nghĩ, cái tin vào sức mạnh để vượt qua, sống mạnh mẽ với nắng gió và núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, do vậy, Tung tung da dá sẽ luôn sống mãi trong văn hóa cộng đồng của họ.

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 15.

Tại sự kiện, bà con còn trình diễn ẩm thực truyền thống của người Cơ Tu...

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 16.

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 17.

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 18.

Người dân và du khách cùng thưởng thức ẩm thực truyền thống của người Cơ Tu...

Ảnh: Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh 19.

Được biết, cộng đồng người Cơ Tu ở Hòa Vang hiện nay có khoảng 1.450 người, sống ở ba thôn Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc và thôn Phú Túc của xã Hòa Phú. Trên mảnh đất Hòa Vang, đồng bào Cơ Tu đã không ngừng sáng tạo, bảo tồn và phát triển những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc trong đời sống sinh hoạt của dân tộc mình.

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ