(Toquoc)- Cơ sở hạ tầng cho du lịch như lưu trú, giao thông… phát triển tốt và các liên kết vùng đang phát huy hiệu quả cho du lịch Việt Nam.
(Toquoc)- Cơ sở hạ tầng cho du lịch như lưu trú, giao thông… phát triển tốt và các liên kết vùng đang phát huy hiệu quả cho du lịch Việt Nam.
Cơ sở lưu trú du lịch cao cấp phát triển mạnh mẽ
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cơ sở hạ tầng cho du lịch đã đạt một bước đột phá sau 5 năm.
Năm 2015 đánh dấu một năm cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cao cấp phát triển mạnh mẽ, tạo đà cho việc đón khách du lịch nghỉ dưỡng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày từ các thị trường trọng điểm. Đến nay, cả nước đã có 18.850 cơ sở lưu trú với 360.000 buồng, trong đó có 94 khách sạn 5 sao với gần 25.000 buồng và 220 khách sạn 4 sao với hơn 28.300 buồng… Nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp tại miền Trung, đảo Phú Quốc, Quảng Ninh… đã đi vào hoạt động.
Đặc biệt, các tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới như Accord, IHG, Mariot, Movenpick, Park Hyatt, Hilton… đã hiện diện tại Việt Nam. Trong nước, nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn của các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch như Tập đoàn VinGroup, SunGroup, FLC, Tuần Châu, Mường Thanh… được đưa vào hoạt động góp phần hình thành cơ sở hệ thống vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại và cao cấp tại nhiều địa phương như chuỗi khách sạn Vinpearl (4.500 phòng), hệ thống cáp treo và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp tại Đà Nẵng, cảng du lịch quốc tế Tuần Châu, hệ thống 35 khách sạn Mường Thanh tại 23 tỉnh thành trên cả nước…
"Sự hình thành các khu du lịch lớn như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang đã tạo động lực cho sự phát triển du lịch của một số địa phương, của một vùng nói riêng và góp phần tăng trưởng số lượng lớn khách quốc tế tới Việt Nam" - ông Tuấn cho hay.
Một trong những hạ tầng không thể nói tới đó là làn sóng đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng trải dài khắp các bờ biển đẹp của Việt Nam trong năm qua.
Theo bà Trần Ngọc Chi, Quản lý Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Cushman & Wakefield Việt Nam, dự kiến trong 5 năm tới, du lịch trong nước được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh chóng và khách du lịch sẽ phải trả đến 80 USD/ngày cho chi phí lưu trú. Vì vậy, họ đang lựa chọn các khách sạn 4-5 sao thay vì 2- 3 sao như trước kia. Vì vậy, bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ phát triển sôi động trong thời gian tới cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp không khói.
Các chuyên gia cũng dự báo, thu nhập của người dân Việt Nam đang tăng cao, do vậy nhu cầu nghỉ dưỡng cũng ngày một gia tăng. Vì thế, năm 2015 bất động nghỉ dưỡng nổi lên như một hiện tượng và sẽ còn phát triển ở Việt Nam.
Một khu nghỉ dưỡng ở Quy Nhơn, Bình Định sắp đi vào hoạt động
Liên kết vùng tốt
Cũng theo ông Tuấn, một điểm nhấn của năm 2015 của ngành du lịch đó là việc liên kết, phát triển sản phẩm du lịch theo chuyên đề và vùng lãnh thổ được chú trọng. Các vùng liên kết được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả.
Theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch, cùng với Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng đang cùng góp phần hình thành cụm du lịch miền Trung với liên kết hiệu quả, tạo nên sự thu hút lớn với du khách và đây có thể được coi là mô hình điểm để các liên kết vùng thực hiện.
Không riêng gì liên kết này, liên kết vùng Tây Bắc mở rộng; Cần thơ - Kiên Giang - An Giang; Lâm Đồng - TP HCM - Bình Thuận; Hà Nội - Quảng Ninh - Ninh Bình… đều đang là những liên kết hay, vừa phát triển cơ sở hạ tầng lưu trú, vừa thu hút khách du lịch mạnh mẽ.
Một số điểm đến nổi bật đã xác lập được thương hiệu đối với thị trường quốc tế như Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Nẵng, Sa Pa, Hà Nội, TP HCM. Các điểm đến mới nổi khác ngày càng được biết đến nhiều hơn như Quần thể danh thắng Tràng An, ĐBSCL, Hà Giang, Phú Quốc…
Ngoài ra, các nhóm sản phẩm du lịch chuyên đề đã hình thành như du lịch golf, du lịch đám cưới và tuần trăng mật, du lịch khám phá, mạo hiểm, du lịch đường sông, tàu biển, du lịch hội nghị, hội thảo…
Để đạt được những kết quả này, ông Tuấn cho hay, một trong những nguyên nhân lớn là sự hỗ trợ đặc biệt hiệu quả của ngành giao thông, ngoại giao với ngành du lịch.
"Các công trình như Nhà ga T2, sân bay Quốc tế Nội Bài; cao tốc Long Thành - Dầu Giây; cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Cảng Tuần Châu… đã tác động rất lớn tới việc kết nối các vùng du lịch của Việt Nam" - ông Tuấn nhận định./.
Bài&ảnh:Thái Tùng