(Tổ Quốc) - Thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) tại họp kỳ 41 nêu rõ, Ủy ban này đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Triệu Tài Vinh.
Theo đó, kỳ họp đã xem xét, thi hành kỷ luật ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Cụ thể, UBKT cho rằng, ông Triệu Tài Vinh chịu trách nhiệm người đứng đầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Sơn chịu trách nhiệm người đứng đầu UBND tỉnh Hà Giang về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.
Các ông Triệu Tài Vinh và Nguyễn Văn Sơn có người thân nhờ nâng điểm trái quy định cho thí sinh trong Kỳ thi nêu trên, vi phạm quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Sơn và đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Triệu Tài Vinh.
Tại Sở GDĐT tỉnh Hà Giang, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 có 4 thí sinh là con em của 4 lãnh đạo đương nhiệm. Cả 4 thí sinh đều nhận điểm số chấm thẩm định thấp hơn lần 1.
Con của một vị Phó giám đốc sở, điểm thi công bố lần 1 là hơn 28 điểm, nhưng điểm thi lần 2 chỉ là 16 điểm - thấp hơn 12 điểm. Tuy nhiên, với điểm số này, thí sinh trên vẫn đạt nguyện vọng để vào học một trường ĐH ngành tài chính, ngân hàng.
Tại Trường THPT Chuyên Hà Giang có 3 thí sinh khác là con và cháu của một lãnh đạo cấp tỉnh, cũng thuộc diện bị hạ điểm sau khi chấm thẩm định.
Ngày 25/10/2019, TAND tỉnh Hà Giang đã tuyên án 5 bị cáo trong vụ gian lận thi cử ở tỉnh này.
Theo đó, hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Thanh Hoài (nguyên trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GDĐT) 8 năm tù; Vũ Trọng Lương (nguyên phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GDĐT) 7 năm tù; Triệu Thị Chính (nguyên phó giám đốc Sở GDĐT) 2 năm tù. Cả ba bị cáo bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý trong ngành giáo dục 1 năm.
Bị cáo Lê Thị Dung (nguyên phó đội trưởng đội giáo dục Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh) bị tuyên phạt 2 năm tù và Phạm Văn Khuông (nguyên phó giám đốc Sở GDĐT) bị phạt 1 năm tù cho hưởng án treo.
Ngoài ra, TAND tỉnh Hà Giang cũng kiến nghị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ có hay không việc đưa, nhận hối lộ trong vụ gian lận thi cử này để đảm bảo yếu tố khách quan, công bằng./.