(Tổ Quốc) - Chiều 17/10, tại cuộc họp báo của cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình cùng Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà (Viwasupco), đại diện Công an tỉnh Hòa Bình đã cho biết như vậy liên quan tới sự cố đổ trộm dầu thải vào khu vực đầu nguồn nước cho nhà máy nước Sông Đà.
- 17.10.2019 Hòa Bình: Khởi tố vụ án ô nhiễm nước sạch sông Đà
- 17.10.2019 Nước sạch Sông Đà "giúp" hàng loạt nhà nghỉ tăng giá
- 17.10.2019 Cổ phiếu nước sạch Sông Đà bị "cuốn trôi" 127,5 tỷ đồng
- 17.10.2019 Vụ nước sạch Sông Đà chứa styren: "Dân đầy đủ cơ sở để khởi kiện"
- 15.10.2019 Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà đã cố tình giấu sự việc nước bị ô nhiễm dầu, đến lúc họp báo vẫn cố tình bao biện
Nước sạch Sông Đà sai phạm tới đâu, xử lý tới đó
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề, hiện Hòa Bình đã khởi tố vụ án gây ô nhiễm nước sạch Sông Đà thì có truy trách nhiệm với lãnh đạo Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà hay không?
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho hay, Công an tỉnh trong quá trình điều tra trên cơ sở căn cứ hành vi của các đối tượng liên quan sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. "Chúng tôi sẽ làm rõ các hành vi vi phạm tới đâu xử lý tới đó"- ông Nguyễn Hữu Đức cho biết.
Với câu hỏi liệu có thể áp dụng hành vi lừa dối khách hàng với Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà hay không, ông Nguyễn Hữu Đức cho hay, việc này thuộc về quy trình vận hành, xử lý nước của các cơ quan chức năng như Sở Tài nguyên môi trường, Sở Xây dựng, Sở Khoa học, Công nghệ… Còn Công an tỉnh Hòa Bình khẳng định lại, sẽ xem xét sai phạm tới đâu xử lý tới đó theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hữu Đức. Ảnh: VnExpress
Cũng tại buổi họp báo, phóng viên đặt lại thông tin về phát biểu của ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc công ty Cổ phần nước sạch sông Đà tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội 15/10, cho rằng, ngay sau khi nắm bắt sự việc vào ngày 9/10, công ty có báo cáo đến cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình nhưng đến ngày hôm sau, đơn vị mới có mặt tại hiện trường.
Ông Nguyễn Hữu Đức cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Kỳ Sơn xuống hiện trường, tổ chức xác minh sự việc và tiến hành truy xét, truy tìm đối tượng đổ chất thải.
Phó Giám đốc Công an tỉnh này cũng cho biết thêm, công an tỉnh đang tổ chức điều tra, truy xét đối tượng đổ trộm dầu, kết quả sẽ thông báo sau tới cơ quan báo chí.
Phó Giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà: "Chúng tôi là nạn nhân thiệt hại nhất"
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà cho biết, đến thời điểm hiện tại công ty đã áp dụng các biện pháp thuê công ty ứng phó môi trường Việt Nam để nạo vét.
Ông Khoa cho biết thêm, chiều 16/10, Viwasupco đã họp với TP Hà Nội và quyết định cấp nước trở lại để người dân sử dụng trong tắm giặt, trước mắt tiếp tục thực hiện theo khuyến cáo là "không sử dụng để nấu ăn, uống".
Về việc Viwasupco có đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi nước sạch bị ô nhiễm hay không, ông Khoa nói "chúng tôi là nạn nhân lớn nhất, nên rất mong trong thời gian tới công an sớm tìm ra thủ phạm".
Ngoài ra, liên quan tới nguồn nước mặt Sông Đà, Giám đốc Sở Thông tin, truyền thông Nguyễn Hoàng Thư cho biết, hiện tại, nguồn nước mặt sông Đà chưa có dấu hiệu ô nhiễm nên vẫn được dùng để cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt, cụ thể là nhà máy nước sạch công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà và một số nhà máy xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Việc đổ trộm dầu thải tại xã Phúc Tiến chỉ gây ảnh hưởng các dòng suối tự nhiên đổ về hồ Đầm Bài (đây là sự cố do con người gây ra), chưa gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà.
Cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu Công ty xử lý triệt để ô nhiễm để bảo vệ chất lượng nguồn nước cấp cho nhà máy; khoanh vùng ngay khu vực ô nhiễm, thu gom dầu thải, bùn đất, cây cỏ nhiễm dầu; khẩn trương đem toàn bộ chất thải nhiễm dầu đang để trong khuôn viên nhà máy chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định. Bởi việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải là không đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại./.