• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Liệu SGK Công nghệ giáo dục còn "hữu ích" sau khi Bộ GDĐT công bố SGK sử dụng trong năm học tới?

Giáo dục 25/11/2019 09:02

(Tổ Quốc) - Trong 32 SGK lớp 1 được Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định phê duyệt sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2020-2021 không có SGK Công nghệ giáo dục, nhiều ý kiến vẫn cho rằng cần phải xem xét thấu đáo về việc này bởi trong hàng chục năm qua, bộ sách đã thực sự phát huy tác dụng.

Sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GDĐT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhóm tác giả, ý kiến, chuyên gia, dư luận về Chương trình thực nghiệm.

Cùng đó, Bộ GDĐT sẽ phải rà soát, thẩm định lại sách giáo khoa nói chung, đánh giá lại Chương trình thực nghiệm và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng và đúng pháp luật.

Tại buổi họp báo chiều 22/11, công bố 32 SGK lớp 1 được sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2020-2021, Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GDĐT) Thái Văn Tài đã làm rõ các nội dung trong văn bản của Văn phòng Chính phủ về SGK công nghệ giáo dục và Chương trình thực nghiệm.

Số phận bộ SGK Công nghệ giáo dục sẽ ra sao sau khi Bộ GDĐT công bố SGK sử dụng trong năm học tới? - Ảnh 1.

Bộ SGK Công nghệ giáo dục gồm 3 cuốn sách: Toán, Tiếng Việt và Đạo đức bị Hội đồng thẩm định SGK quốc gia đánh giá "Không đạt" (ảnh minh họa)

Sau khi PGS.TS Nguyễn Kế Hào thay mặt cho Trung tâm Công nghệ giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam) có tâm thư về băn khoăn, mong muốn của bộ SGK do GS.TS Hồ Ngọc Đại chủ biên gửi đến Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GDĐT. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đã có công văn trả lời và có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ để nói rõ về việc SGK của GS. Hồ Ngọc Đại tại sao lại bị đánh giá "không đạt" và cũng trả lời cho PGS.TS Nguyễn Kế Hào.

Theo ông Thái Văn Tài, Bộ GDĐT đã có báo cáo nói rõ tại sao bộ SGK của GS.TS Hồ Ngọc Đại không đạt thẩm định. Ông Tài cho rằng, trong quá trình thẩm định, Hội đồng thẩm định đã có 2 lần đối thoại với tác giả. Lần đầu khi tác giả lên trình bày bản thảo nội dung sách, trong lần này Hội đồng đã có những trao đổi về quan điểm, nội dung và đã phân tích những yếu tố về nội dung bản thảo. Trong lần kết luận cuối cùng cũng đã mời tác giả lên để thông báo kết quả ấy và hỏi tác giả có ý kiến gì không. Tuy nhiên trong lần 'đối thoại' này, GS.TS Hồ Ngọc Đại không có ý kiến gì.

Tới thời điểm này Bộ GDĐT cũng chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào từ chính GS.TS Hồ Ngọc Đại theo quyết định và quyền lợi của tác giả theo quy định, đại diện Bộ GDĐT cho biết. Bộ cũng sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với những người liên quan, nếu có nhu cầu tiếp tục đối thoại, ông Tài khẳng định.

Cũng liên quan đến chỉ đạo rà soát lại quy trình thẩm định SGK nói chung, từ 15/10 tới thời điểm công bố các bản SGK đạt thẩm định (hôm 22/11) chính là Bộ đã thực hiện bước rà soát quy trình, các bản SGK đạt thẩm định đúng quy trình.

Bộ cho rằng, trong năm 2017, Bộ trưởng đã cho đánh giá lại các nội dung liên quan đến chương trình (SGK tiếng Việt Công nghệ giáo dục) tại thời điểm đó, Hội đồng quốc gia đã có kết luận: đối với SGK tiếng Việt lớp 1 chỉ phù hợp với chương trình hiện hành điều chỉnh, cho đến khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong kết luận đã nói rất rõ nội dung này, phía Bộ sẽ tiếp tục báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để sự việc được rõ ràng.

Sau khi biết được những thông tin này từ phía Bộ GDĐT, PGS.TS Nguyễn Kế Hào mong muốn sớm được làm việc với Bộ trưởng Bộ GDĐT. "Chúng tôi muốn bộ SGK Công nghệ giáo dục được sử dụng khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới vì có lợi cho dân. Không chỉ thế, SGK lớp 1 Tiếng Việt Công nghệ giáo dục có lợi hơn hẳn những SGK khác đã và đang được thực hiện", PGS.TS Nguyễn Kế Hào trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị.

PGS.TS Nguyễn Kế Hào nêu quan điểm, "nếu Hội đồng thẩm định quốc gia yêu cầu điều chỉnh, chúng tôi sẽ không thực hiện. Vì SGK không phải là pháp lệnh. Sách có mục tiêu và chuẩn đầu ra đáp ứng là được. Sách cũng không vi phạm về chính trị, khoa học". Nếu Bộ trưởng Bộ GDĐT cần chứng minh thì căn cứ vào các Hội đồng thẩm định từ trước đến nay, đánh giá của các địa phương và mời một số chuyên gia xem xét thêm.

Được biết, chương trình Công nghệ giáo dục đã có bề dày lịch sử hơn 40 năm, gần đây bộ SGK sử dụng cho chương trình giáo dục này (SGK Công nghệ giáo dục) gồm 3 cuốn: Toán, Tiếng Việt và Đạo đức, đã bị Hội đồng thẩm định quốc gia về SGK cho chương trình giáo dục phổ thông mới đánh giá "không đạt". Quyết định này đồng nghĩa với việc Chương trình thực nghiệm sẽ không còn được giảng dạy trong các trường học tại Việt Nam.

Trước đó, trong năm học 2018-2019 đã có gần 1 triệu học sinh lớp 1 của 48 tỉnh, thành sử dụng SGK Công nghệ giáo dục. Đây là một bộ sách đã phát huy tác dụng trong thực tế, đáng chú ý là học sinh sau khi học hết SGK CNGD lớp 1 có thể tiếp tục học lên lớp 2 sử dụng SGK theo chương trình chung mà không gặp trở ngại.

Phương Anh

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ