(Tổ Quốc) - Ngoài là một món ăn ngon, đậu phụ còn có thể làm thuốc hỗ trợ cho việc phòng và trị bệnh rất hiệu quả.
Có giá chỉ vài ngàn đồng, nhưng ít ai biết đậu phụ là một món ăn rất tốt cho sức khỏe. Thậm chí, sách cổ Trung Hoa còn ghi chép về độ bổ dưỡng của đậu phụ sánh ngang với thịt dê. Món này là "thuốc quý" giúp cho tiêu hóa khỏe mạnh, thải độc nhanh.
Một số nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm từ các nhà khoa học người Ý đã cho thấy genistein và isoflavone chứa nhiều trong đậu phụ có chức năng chống oxy hóa. Điều này có thể ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư.
Đậu phụ có tính mát, có tác dụng giữ độ đàn hồi của da, làm căng cơ mặt và ngăn ngừa quá trình lão hoá. Phụ nữ ăn nhiều đậu phụ không chỉ có làn da sáng mịn mà còn trẻ trung, ít nếp nhăn hơn.
Bàn về món đậu phụ, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, theo quan niệm của y học cổ truyền, đậu phụ vị ngọt, tính mát, vào 3 kinh tỳ, vị và đại tràng, có công dụng ích khí khoan trung, kiện tỳ lợi thấp, sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt giải độc và kháng nham.
Ngoài là một món ăn ngon, đậu phụ còn có thể làm thuốc hỗ trợ cho việc phòng và trị bệnh rất hiệu quả.
3 bài thuốc/món ăn ngừa bệnh tật từ đậu phụ
1. Bài thuốc chống loãng xương, thiếu sắt từ đậu phụ
Chuẩn bị: Đậu phụ 2 miếng, dưa cải 150g.
Cách làm: Dưa cải rửa sạch ngâm nước lạnh vớt ra vắt khô nước cắt nhỏ. Đậu phụ cắt nhỏ mỏng (dài 3cm, rộng 1,5cm, dày 1cm) nhúng nước sôi vớt ra để ráo nước. Cho dầu vào nồi cho sôi rồi cho hành, gừng đảo qua, cho dưa vào xào đều, cho đậu phụ. Đổ nước không ngập đậu phụ. Đun lửa to cho sôi rồi rút lửa nhỏ cho chín đậu nêm gia vị.
Tác dụng: Phụ nữ ăn món này được bổ sung canxi chống loãng xương và sắt chống thiếu máu. Món canh dưa này nếu có thêm đầu cá sẽ tăng thêm vị ngon và bổ.
2. Bồi bổ cho bà bầu tháng cuối
Chuẩn bị: Đậu phụ khô 2 miếng. Rau chân vịt 500g, dầu lạc hoặc dầu vừng 40g, gia vị.
Cách làm: Đậu phụ khô rửa sạch, cắt miếng nhỏ hoặc đậu phụ tươi thái mỏng rán (lướt ván). Xào qua đậu phụ trước rồi mới cho rau chân vịt (đã thái nhỏ) vào xào cho đến khi rau có màu xanh thẫm thì nêm gia vị đảo đều nhấc ra.
Tác dụng: Rau chân vịt cung cấp thêm canxi, sắt và vitamin C nên rất có lợi cho sức khỏe sản phụ mang thai thời kỳ cuối.
3. Thanh nhiệt, tiêu đàm, chỉ khát
Chuẩn bị: Đậu phụ khô 2 miếng, đường phèn 150g, gạo tẻ 100g.
Cách làm: Đậu phụ thái nhỏ, nấu cháo nhừ rồi cho đậu, đường vào nấu chín đậu. Ăn nóng.
Tác dụng: Cháo có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng vị, tiêu đàm, chỉ khát. Dùng thích hợp cho phụ nữ mang thai ho, sốt, ra mồ hôi.
Lưu ý quan trọng khi tiêu thụ đậu phụ
Đậu phụ rất giàu protein, nếu ăn quá nhiều đậu phụ một lúc sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ và tiêu hóa sắt của cơ thể, đồng thời dễ dẫn đến tiêu chảy, chướng bụng.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng khuyến cáo đàn ông nên hạn chế ăn đậu phụ bởi có thể làm thay đổi lượng testosterone, giảm ham muốn "yêu", số lượng và chất lượng tinh trùng.
Đậu phụ đại kỵ hành lá: Hành lá không nên kết hợp với đậu phụ bởi trong hành có chứa axit oxalic khi kết hợp cùng với canxi trong đậu phụ sẽ tạo thành canxi oxalat, dễ tạo sỏi. Tốt nhất mọi người nên hạn chế ăn hành lá cùng đậu phụ, nếu có thể thì không nên ăn.
Những người mắc bệnh gút không nên ăn nhiều đậu phụ, vì sẽ khiến tình trạng bệnh gút tiến triển nhanh hơn, chẳng hạn như khớp dễ bị viêm, đau đớn dẫn đến biến dạng, cứng khớp. Nhiều trường hợp có thể nguy hiểm đến tính mạng.