(Tổ Quốc)- Theo quan niệm của người Ê Đê (Đắk Lắk), trong mỗi chiếc ché đều có một linh hồn. Ché không đơn thuần chỉ là hiện vật mà còn mang tính linh thiêng. Đây còn là vật dụng thể hiện sức mạnh của dòng tộc, tham gia vào dịp lễ giúp gắn kết cộng đồng, dòng họ. Do đó, người Ê Đê luôn làm lễ cúng báo với thần linh mỗi khi mua ché về hoặc khi có sự thay đổi liên quan đến ché.
- 25.06.2018 Độc đáo Lễ Kết nghĩa anh em dân tộc Ê Đê
- 17.06.2018 Tái hiện Lễ cúng sức khỏe của đồng bào dân tộc Ê đê
- 18.04.2016 Độc đáo lễ cúng trưởng thành của dân tộc Ê Đê
Về tham gia các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), ngày 16/4, Đoàn nghệ nhân dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk đã tái hiện trích đoạn Lễ cúng ché, góp phần giới thiệu tới cộng đồng các dân tộc và du khách tham quan nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình.
Theo quan niệm của người Ê Đê, trong mỗi chiếc ché đều có một linh hồn. Ché không đơn thuần chỉ là hiện vật mà còn mang tính linh thiêng. Đây còn là vật dụng thể hiện sức mạnh của dòng tộc, tham gia vào dịp lễ giúp gắn kết cộng đồng, dòng họ. Người Ê Đê không sản xuất ra ché, mà phải mua hoặc trao đổi từ người Lào hoặc người Kur. Do đó, người Ê Đê luôn làm lễ cúng báo với thần linh mỗi khi mua ché về hoặc khi có sự thay đổi liên quan đến ché.
Lễ cúng mang ý nghĩa gia chủ muốn thông báo cho họ hàng, bà con trong buôn làng được biết và đến chia vui cùng gia đình đã mua được một chiếc ché quý, với mong muốn nhập gia cho ché, để từ đây ché chính thức được coi như một thành viên, được quan tâm, đối xử như con người và chung sống lâu dài, mạnh khỏe, vui vẻ, đầm ấm, hòa thuận với gia đình. Khi không còn sử dụng mà bán hay cho ché đi, họ làm lễ cúng chia tay, tiễn biệt, khi không may làm bể ché thì phải cúng tạ lỗi với thần linh và chủ ché.
Lễ vật chuẩn bị cho Lễ cúng ché gồm: 1 con heo, 1 con gà trống, 3 ché rượu lớn, 20 vòng đồng, 3 chuỗi hạt, 3 chén đồng, 3 tô đồng, 1 mâm đồng, 1 cây xoan, 1 bó mía tươi, 1 cây chuối tươi…Thành phần tham gia: chủ lễ là già làng uy tín; gia đình người cúng ché, bà con, họ hàng; đội nghệ nhân đánh chiêng.
Để bắt đầu lễ cúng, đội nghệ nhân hòa tấu chiêng K’nah “Drông tuê’’ (đón khách) và chiêng “Pah kngan Drông yang” (đổ nước vào ché mời khách), đây là những bài chiêng báo cho các vị thần và linh hồn ông bà - những người đã khuất về chứng giám, phù hộ cho gia đình, đồng thời, thông báo và mời gọi họ hàng của hai gia đình cùng về dự, chứng kiến, chung vui cùng buổi lễ cúng ché của gia đình.
Lúc này thấy cúng ngồi trước ché thứ nhất, tại đây đặt một con gà còn sống, mâm cúng đã bày sẵn, chủ nhà là vợ chồng ngồi đối diện thấy cúng, còn lại anh em dòng họ ngồi bên bếp lửa, nữ một bên, nam một bên.Thầy cúng thực hiện bài cúng lần thứ nhất, thầy cúng cầm con gà lên miệng ché rồi khấn mời gọi tổ tiên, ông bà đến dự nghi lễ cúng ché. Cúng xong, thấy cúng cầm cần hút một ít rót vào chén, mời chủ nhà cầm cần, vợ trước, chồng sau, rồi đến lần lượt anh em trong nhà, tiếp đến là dòng họ, khách gần xa, trình tự nữ trước, nam sau.
Khi mọi người đã cầm cần uống xong, thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng lần thứ hai là nhập hồn vào ché. Thầy cúng vào vị trí ở ché thứ hai, ngồi ngăn nắp, chắp hai tay nhìn thẳng vào ché, tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên và khấn: "Nay hồn ngươi đã về nhà, ngươi đã có nhà, ngươi đã có chủ như chim đã có tổ, trong nhà đã thêm năm người, con cháu đã có bảy người…Nay máu đã bôi, rượu đã rót vào chén, muốn ăn cơm hãy nhìn vào nồi Bung, muốn uống nước hãy nhìn vào nồi Ba, đói phải kêu, khát phải gọi…".
Cúng xong, thầy cúng cầm cần ché thứ hai, hút rót vào chén, bốc miếng thịt và trao vòng cho hai vợ chồng để chúc mừng, rồi trao cầm cần rượu, lần này cầm cần hút xong rồi bốc miếng thịt ăn, cứ thế lần lượt nữ trước nam sau.
Trong lúc mọi người đang cầm cần và ăn thịt, thầy cúng lấy chén rượu pha tiết đi một vòng đến chỗ ché cúng, bôi xung quanh miệng ché, thân ché, lần lượt, lấy tay xoa ché biểu trưng cho đối thoại, vui mừng, trao vòng, trao hạt cườm…
Khi mọi người đã cầm cần uống xong, tiếng chiêng, tiếng trống đã ngắt, thầy cúng vào vị trí ché thứ 3 và tiến hành cúng lần thứ ba, cúng cho chủ nhà, gia đình và hòng họ. Tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên, thầy cúng bắt đầu khấn: "Từ nay về sau gia đình sẽ coi ché như con cái trong nhà, chúng tôi đã trồng chuối mong ché phải thơm ngon, chúng tôi đã trồng mía mong ché phải ngọt...,mong ché hãy chung sống vui vẻ, sống lâu dài, hòa thuận, đầm ấm và giúp đỡ các thành viên trong gia đình. Ché đã được thầy cúng đeo vòng đồng, chuỗi hạt vào cổ và tai với mục đích làm đẹp, được đối xử như con người".
Cúng xong, thấy cúng cầm cần mời chủ nhà cầm cần, vợ trước, chồng sau, rồi lần lượt anh em trong nhà, tiếp đến là dòng họ, khách gần xa, trình tự nữ trước, nam sau.
Khi mọi người đã xong, tiếng chiêng, tiếng trống cũng ngắt và nghi thức cúng ché cũng kết thúc.
Buổi lễ tái hiện diễn ra tại không gian nhà dài Ê Đê đã thu hút đông đảo du khách đến theo dõi, là dịp tìm hiểu thêm về văn hóa của dân tộc Ê Đê trên cao nguyên Đắk Lắk, cũng như tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Ê Đê nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Với các dân tộc Tây Nguyên, ché rượu cần là một loại tài sản quý. Ché cổ, ché quý đồng thời là ché thiêng. Cũng có thể ché được cho là có siêu nhiên nào đó ẩn tàng nên hóa thiêng. Ché rượu không thể thiếu trong mọi nghi lễ, từ mừng lúa mới, cầu sức khỏe, cầu mùa, đón một sinh linh gia nhập cộng đồng cho đến khi kết thúc một kiếp người. Ché còn là một trong những đồ vật đầu tiên dâng lên cúng Yang. Nếu như cồng chiêng được coi như là vật linh thiêng nhất, có giá trị nhất của mỗi gia đình và cộng đồng, thì ché thể hiện sự sung túc, sức mạnh của dòng tộc…