• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lò Ngân Sủn và bản tình ca lều nương

Văn hoá 14/02/2019 09:08

(Tổ Quốc) - Nhà thơ Y Phương quả quyết "Tình ca lều nương" là bản tình ca hay nhất, độc đáo nhất, một biểu tượng văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc, lênh láng màu yêu…

Trong một cuộc đi thực tế sáng tác ở Quảng Ninh, khi nhắc đến nhà thơ Lò Ngân Sủn, mỗi nhà văn đưa ra những bài thơ ấn tượng theo đánh giá của mình. Người thì chọn "Người đẹp", người thì thích "Hoa hậu", có nhà văn thì ngâm ngợi ca khúc "Chiều biên giới" (nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc), lại có nhà thơ say với "Bất chấp", "Yêu"…thì nhà thơ Y Phương quả quyết "Tình ca lều nương" là bản tình ca hay nhất, độc đáo nhất, một biểu tượng văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc, lênh láng màu yêu…

Tình yêu là đề tài phổ biến trong văn chương nghệ thuật. Ít nhà thơ nào là không đề cập đến tình yêu đôi lứa. Ngoài "mẫu số chung", mỗi nhà thơ lại có cách tỏ bày tình yêu theo những cách khác nhau. Nhà thơ Lò Ngân Sủn cũng vậy. Thơ tình yêu đôi lứa chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông. Ngoài tập thơ "Bữa tiệc tình yêu" trọn vẹn màu yêu, nhiều tập thơ khác của ông: Chợ tình (1995), Lều nương (1996), Người đẹp (1999)… cũng lênh láng màu yêu như thế. Thơ tình yêu có cái si mê triền miên như chính nhà thơ Lò Ngân Sủn tự thú: "Ôi! Tôi say quá/ Vì tôi uống quá nhiều tình yêu"…

Lò Ngân Sủn và bản tình ca lều nương - Ảnh 1.

Bìa tập thơ "bữa tình yêu"

Các bạn văn đều ấn tượng với mảng thơ tình yêu của nhà thơ dân tộc Giáy Lò Ngân Sủn. Tác giả "Mùa hoa" Y Phương say "Tình ca lều nương" với nhận xét sâu sắc như lùa vào gan ruột: "Yêu nhau tự nhiên như chim bay như cá nhảy. Tự nhiên như lửa thì phải cháy, nước thì phải chảy. Đã là người thì người phải yêu nhau. Vậy thôi. Nơi nào ao tù nước đọng là nước chết. Nơi nào không có tình yêu, nơi đó chỉ tồn tại, chứ không thể gọi là sống. Không dễ để có "mối tình sét đánh". Nó là món quà thiêng liêng của tạo hóa ban tặng. Bởi tình yêu "sét đánh" là tình yêu định mệnh. Dẫu không mong chờ, không trông đợi, nhưng nó vẫn đến. Đến một cách ngẫu nhiên. Vì tình yêu đã được "lập trình" từ thuở hồng hoang. Câu "tình yêu sét đánh" không mới, nhưng nó được làm mới trong không gian lều nương. Tình yêu "đánh" trúng lều nương làm cho chủ nhân ngự trị trên "vương quốc" đó "Dẫu có tan thành đất, nát thành bùn, vụn thành cát" và có thể vẫn còn tan tiếp, nhưng "vẫn còn khát yêu nhau". Bài thơ như chỉ ra một cách sống đẹp. Ở đời, người ta không thể không lo cuộc sống vật chất. Song tất cả đều phải sau lo yêu".

Kể cả khi vĩnh biệt tác giả "Chiều biên giới em ơi", trong nỗi đau tột cùng, cũng là hiểu bạn thơ đến tận cùng, họa sĩ Đỗ Đức đã có nhận xét xác đáng "chưa bao giờ thấy Lò Ngân Sủn cao giọng trong thơ, lúc nào cũng thì thầm như chỉ đủ thì thào luồn trong kẽ lá. Anh cứ cầm bút là nghĩ đến tình yêu lứa đôi, một tình yêu anh tìm kiếm suốt đời. Chợt nghĩ đến một hình ảnh đứa bé loay hoay bên bờ nương góc ruộng mải mê đúc dế, những con dế tình yêu phập phồng trong một trái tim trẻ mãi không già". Có lẽ vì thế chăng Lò Ngân Sủn kẻ "tử vì tình" luôn "chắt chiu những bữa tình yêu" cho đủ những trạng thái, cung bậc, cảm xúc... Lò Ngân Sủn viết thơ tình yêu bằng cách tư duy người miền núi thẳng thật, độc đáo, đậm yếu tố phồn thực, cùng "ăn" những "Bữa tình yêu": "Ngồi bên nhau/ Nằm bên nhau/ Quấn lấy nhau/ Buộc chặt nhau... Vì thế, thơ tình yêu của ông thường có cái hoang sơ, trụi trần giữa thiên nhiên phóng khoáng, có sự thành thật đắm say đến tận cùng và có lời tự bạch chân thành: "Tôi đem cái trần trụi hoang sơ/ Trộn lẫn với sự hào hoa rực rỡ/ Tôi đem câu dân ca xứ sở/ Gieo lẫn vào câu thơ lục bát" (Bát ngát tôi).

Tình yêu trong thơ Lò Ngân Sủn mãnh liệt, dào dạt, chân thành đến tận cùng không giấu giữ. Kết cấu cứ "em là... anh quyết…" vây ráp như cuộc đuổi bắt trong tình yêu không có hồi kết: "Anh cứ theo đuổi em như hình bóng/ Vụ chiêm đã qua/ Vụ mùa đã tới/ Tình anh giáp hạt lắm em ơi"(Giáp hạt). Có lẽ ít nhà thơ nào có thể ví von độc đáo hơn, lạ hơn "tình anh giáp hạt" như Lò Ngân Sủn. Từ "đói giáp hạt" thường chỉ thấy trong đời sống, Lò Ngân Sủn đưa thêm khái niệm mới tình yêu giáp hạt có "cái đói khát tình yêu".

Thơ Lò Ngân Sủn luôn hài hòa giữa nội dung và hình thức thể hiện rõ trong sự mạch lạc trong tư duy của nhà thơ. Ý tưởng và tứ thơ sức giản dị đã được diễn đạt bằng hệ thống ngôn ngữ và hình ảnh dễ hiểu, gần gũi, chân thật chắt lọc từ lời ăn tiếng nói của dân tộc. Bài thơ "Ngồi" có kết cấu sóng đôi mới: "em bảo nhà em…" thế nào thì anh vẫn…" theo phép lặp tu từ. Mới thấy "em" có chối tránh thế nào thì "anh" vẫn kiên trì, đeo đuổi mục đích của mình tới cùng:

"Em bảo nhà em ở mường trong/ Thì anh làm cơn gió đến thăm/ Em bảo nhà em ở mường ngoài/ Thì anh làm ánh trăng đến ngắm/ Em bảo nhà em không có ghế Không có ghế, anh ngồi xuống phản/ Em bảo nhà em không có phản Không có phản, anh ngồi xuống sạp/ Em bảo nhà em không có sạp Không có sạp, anh ngồi xuống đất".

Cuộc truy đuổi dai dẳng của "anh" đến tận cùng khiến "em" phải chấp nhận "thua cuộc", phải "đầu hàng": Và nếu như không có đất/ Anh sẽ ngồi vào lòng em yêu".

So sánh được nhà thơ sử dụng nhiều trong thơ theo công thức "A như (là) B". Công thức này cụ thể đến tận cùng tình yêu. "Em là – Anh quyết để có được kết quả như mong đợi:

Em là vàng trong cát

Anh quyết đào đãi bằng được

Em là bạc trong hang

Anh quyết đào lấy bằng xong

Em là củ mài trong đất

Anh quyết đào lên

Em là sao trên trời

Anh quyết hái xuống

Lò Ngân Sủn thường sử dụng phép so sánh giàu hình tượng:

Thân hình em trông như một bó củi chắc nịch Da thịt em hừng hực như lửa Vai em khỏe như vai con trâu

Bụng em khỏe như lưng con ngựa

Để em thồ tình yêu, chở hạnh phúc

Để em vui những cuộc chợ phiên

(Con gái bản Tông)

-Trong tim anh chỉ có em

Trong đầu anh chỉ có em

Trong hồn anh chỉ có em

Anh như cây đàn Abel quấn quýt bên điệu Chazóch

(Cô gái Cơ Tu)

Thơ tình yêu Lò Ngân Sủn được thể hiện với nhiều cung bậc. Trong đó, tình yêu là bạn đồng hành của nỗi nhớ. Tác giả miêu tả nỗi nhớ người yêu cồn cào ví "Như nồi cơm đang sôi/ Lăn lóc trong trăn trở/ Quay cuồng trong nỗi nhớ" khiến tâm trạng bời bời chập choạng hư thực khiến nhà thơ lạc vào "mê cung tình ái" đến "Không biết lối ra" (Mối tình đầu của tôi). Vượt khỏi trạng thái chếnh choáng men tình, trong nhiều bài thơ tình yêu, Lò Ngân Sủn thể hiện sự tỉnh táo của lý trí khi làm phép so sánh: "Tình yêu vợ chồng là tình yêu bếp lửa", còn "Tình yêu không vợ chồng là tình yêu mây gió". Bình tĩnh để thấy có những mối tình "ngoài chồng, ngoài vợ", nhưng chính trái tim đa cảm, nhân hậu của ông cũng từng khắc khoải, xa xót, cảm thông cho những lứa đôi bị "se nhầm" duyên: "Có những người yêu nhau/ Nào có thành vợ chồng được đâu". Vì thế, thơ ông có không ít nỗi xót đau, nghịch cảnh. Bài thơ "Anh không thể yêu em được nữa" là tiếng lòng rất thật, có sự nuối tiếc, có nỗi khát khao hoang dã, có nỗi niềm không thể khác, không dễ tỏ bày: "Như mặt trời sắp lặn/ Như ngọn lửa sắp tắt/ Như vầng trăng sắp khuyết/ Anh không thể yêu em được nữa"…

Lò Ngân Sủn và bản tình ca lều nương - Ảnh 3.

Nhà thơ Lò Ngân Sủn

Lò Ngân Sủn nhìn cuộc sống bằng con mắt lãng mạn và đậm chất phồn thực. "Gã si tình" đòi "giải phóng" năng lượng người đàn ông (chữ dùng của Y Phương) bằng cách giới thiệu rất tự nhiên, mộc mạc, thật thà của người miền núi sống giữa núi non trùng điệp, quanh co mà cái bụng ưa thẳng thật. "Vương quốc tình yêu" ở đó chỉ thiên nhiên và tình yêu ngự trị:

Hai ta yêu nhau giữa lều nương

Lều nương không phên vách

Ta cởi áo làm phên vách

Hai ta yêu nhau giữa lều ruộng Lều ruộng không chăn chiếu

Ta cởi áo làm chăn chiếu

Lời đề từ bài thơ "Tình ca lều nương" có nguồn gốc từ bài dân ca Dáy như lý giải cho tình yêu: "Người ta có thể no đủ vật chất/ Nhưng lại luôn đói khát tình yêu". Bài thơ gắn với cuộc sống của người dân vùng cao. Do nhà ở xa nơi sản xuất, người dân thường dựng một ngôi nhà nhỏ cạnh những khu ruộng nương để ở. Lều nương thường dựng ở đầu khu ruộng nơi nguồn nước dẫn vào vừa để thuận tiện cho vận chuyển, thu hoạch sản phẩm và bảo vệ thú rừng không quấy phá. Vì phải chờ thu hái xong, thời gian người dân sống ở lều nương nhiều khi dài hơn thời gian ở ngôi nhà chính. Trong những đêm đông giá lạnh hay mùa hè nóng, ở trong lều nương, người lớn thường kể chuyện, đọc thơ ca, hát dân ca...; truyền lại kinh nghiệm làm ăn, săn bắt thú rừng cho con cháu. Lều nương nguyên bản là vậy. Nhưng Lò Ngân Sủn mượn chuyện lều nương để gửi gắm thông điệp tình yêu của người vùng cao. "Lều nương" đã vượt khỏi ý nghĩa thông thường.

Nhà thơ Y Phương cho rằng lều nương là "đặc sản" của người miền núi với chức năng duy nhất là trông coi ngô lúa bắt đầu thóp thép chín". Từ việc môi trường lều nương gắn với nguồn sống nuôi dưỡng con người, Lò Ngân Sủn đã khéo léo, tài tình mượn nó để nói tới không gian yêu giữa thiên nhiên phóng khoáng. Quả là "không có nơi nào đẹp hơn", "không có nơi nào tình hơn", "không có nơi nào lãng mạn hơn", "không có nơi nào giàu hương tình hơn"… Giữa thiên nhiên phóng khoáng ngập tràn mùi lúa, lênh láng hương yêu là A Đam, E Va - hai kẻ "tử vì yêu", "khát vì tình" – hai chủ nhân sở hữu cả không gian thiên nhiên đượm màu yêu ấy thật liều lĩnh, liều lĩnh tới từng hành động:

-Cởi áo làm phên vách

-Cởi áo làm chăn chiếu

-Và…

Tấm "Phên vách" mỏng manh, hờ lững, trễ nải, biếng lười che làm sao cơn gió rừng phú phí thổi. Không gian tràn trề mang mang hương lúa chín ấy phỉ phả lên "tòa thiên nhiên". Ở đây "nhân thiên hợp nhất". Con người là thiên nhiên. Thiên nhiên cũng là con người. Thiên nhiên trong thiên nhiên. Một thiên nhiên được chắt lọc thành tinh hoa. Tinh hoa của tinh hoa trong thiên nhiên bất tận. Tình yêu hòa trong bức tranh thiên nhiên phóng khoáng, không cần gì phải đậy điệm, giấu giữ. Kẻ liều lĩnh nối tiếp những hành động:

Ngày hai lần cơm chan nước suối 

Ngày hai bữa cơm chan nước mạch

Vui thời hoa nở 

Chơi thời hoa thắm

…Trao cho nhau mối tình sét đánh 

Dẫu có tan thành đất, nát thành bùn, vụn thành cát 

Vẫn còn khát yêu nhau

Nhờ khai thác tối đa phép lặp cú pháp, tình yêu trong "Tình ca lều nương" đã nhấn mạnh sự độc đáo:

-Hai ta yêu nhau giữa lều nương

-Hai ta yêu nhau giữa lều ruộng 

-Ngày hai lần cơm chan nước suối

Ngày hai bữa cơm chan nước mạch

Là tác giả của nhiều bài thơ tình mê hồn, say đắm, Lò Ngân Sủn còn có "con mắt xanh" thẩm thơ tình yêu một cách tinh tường. Khâm phục "nhà yêu học" Y Phương, Lò Ngân Sủn thường chọn bài thơ "Em – cơn mưa rào – ngọn lửa" cho các tuyển tập thơ dân tộc thiểu số: "Núi mọc trong mặt gương" (1998), "Thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số" (2001)... Lò Ngân Sủn thích cách Y Phương đưa từ "em" vào bài thơ: "Ngày ra suối nhớ em/ Gặp bông hoa nhớ em/ Nói chuyện với người con gái cũng nhớ em/ Em hiền lành/ Em chậm chạp/ Em đội chum rượu đến với anh…". Em là "cơn mưa rào - ngọn lửa". Em bất chấp e ngại. Em dũng cảm đến với anh. Điều quan trọng em làm đổi thay cuộc đời anh: "Có em rồi đời mất dần thói xấu/ Biết ăn năn trước mỗi bình minh..Em là mực trong ngòi là cơm trong nồi là gà gáy nhưng cũng là quả ớt"…

Thơ Lò Ngân Sủn mang cảm xúc nồng nàn, đằm thắm và có cả nỗi si mê, nhưng vẫn đầy chất lý trí. Lý trí giúp ông tỉnh táo để thức nhận những hiện tượng, sự vật có trong cuộc sống. Lý trí giúp ông nhìn mọi vấn đề đúng bản chất một cách biện chứng để thấy cái có lý, phi lý. Lò Ngân Sủn dựa trên vốn văn hóa nền để lý giải, phân định theo cái nhìn nhân văn. Nói như nhà thơ Vũ Quần Phương, Lò Ngân Sủn bộc lộ một tài năng tư duy hình tượng kết tinh từ cách nghĩ cụ thể của người vùng cao hồn nhiên gần thực nhiên hơn văn minh chữ nghĩa trừu tượng…" .

Trong dòng chảy của văn học thiểu số, cùng với ngôn ngữ các cây bút dân tộc thiểu số thành danh như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Viết Toại, Vi Hồng, Y Phương, Cao Duy Sơn, Pờ Sảo Mìn,… Lò Ngân Sủn tạo được dấu ấn phong cách thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc Dáy. Bám vào vùng văn hóa dân tộc, thơ ông mang hương vị "Thắng cố" đặc trưng "Thắng cố đặt trên bếp lửa tình yêu", "Như cái chảo thắng cố/ Nóng lên bao mối tình dang dở" (Khau Vai).

Sự nghiệp văn chương của Lò Ngân Sủn dù thể hiện bằng hình thức nào dân tộc hay hiện đại thì thơ tình yêu vẫn là một mảng quan trọng thể hiện tâm hồn, cốt cách, bản sắc dân tộc của người miền núi cùng độ say men yêu: "Vì tôi uống quá nhiều tình yêu".

Tuyển tập Lò Ngân Sủn, Nxb Văn học, 2012, tr 436

Trần Thị Việt Trung (Chủ biên) "Bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại", 2010, Nxb Đại học Thái Nguyên, tr. 398

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng

NỔI BẬT TRANG CHỦ