(Tổ Quốc) - "Những nét vẽ nguệch ngoạc", "kinh hãi" là những nhận xét mà các nhà chuyên môn dành cho phần lớn các bức họa trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu"
Sáng 19/7 Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đã có buổi họp đánh giá lại hoàn toàn triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” xung quanh những nghi án tranh giả - tranh thật gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.
Thành phần tham dự cuộc họp gồm: ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Viện bảo tàng TPHCM; ông Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam; bà Phan Gia Hương, điêu khắc gia, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh; ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh; đại diện Sở VHTT TP Hồ Chí Minh...
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Với những bậc danh họa lớn của Việt Nam như Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái… chúng tôi có nhiều năm gần gũi và hiểu được sáng tác của họ (ảnh Lao động)
|
Ngoài ra, họa sĩ Thành Chương cũng có mặt trong sáng nay vì ông rất quan tâm đến “số phận” bức tranh của mình được đổi thành tên họa sĩ Tạ Tỵ có mặt trong triển lãm.
Trước khi bước vào cuộc họp, các họa sĩ và những nhà chuyên môn đã tham khảo một lần nữa những bức tranh đang có mặt tại triển lãm.
Họa sĩ Quách Phong cũng khẳng định những nét vẽ nguệch ngoạc như thế này chứng tỏ người chép tranh rất kém.
Còn về bức tranh được cho là của họa sĩ Tạ Tỵ, bà Phan Gia Hương, điêu khắc gia, Phó Chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận: Đó là bức Trìu tượng của họa sĩ Thành Chương.
Có mặt tại triển lãm, họa sĩ Thành Chương cũng công bố về hình ảnh bản gốc tác phẩm của mình bị mạo danh tại triển lãm.
Ông Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam, sau khi xem những bức tranh tại Triển lãm đã khẳng định, những bức tranh tại đây phần lớn là giả. “Có thông tin 15/17 tranh ở triển lãm là tranh giả; độ thật/giả 50/50 là hai bức, trong đó có “Trừu tượng, Tạ Tỵ, 1952”. Tuy nhiên, sau khi xem xét, toàn bộ tranh ở triển lãm là giả. Bức “Trừu tượng, Tạ Tỵ, 1952”, mấy ngày qua, họa sĩ Thành Chương đã làm sáng tỏ là tranh của mình. Còn bức “Cô gái”, chúng tôi khẳng định, đây là tranh giả. Nguyễn Sáng không thể vẽ thứ tranh “kinh hãi” như thế này”- họa sĩ Lương Xuân Đoàn khẳng định.
Họa sĩ Quách Phong: Những nét vẽ nguệch ngoạc như thế này chứng tỏ người chép tranh rất kém (ảnh Lao động)
|
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói thêm: "Với những bậc danh họa lớn của Việt Nam như Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái… chúng tôi có nhiều năm gần gũi và hiểu được sáng tác của họ. Những năm gần đây, khi tranh Việt hồi hương, điều rầu lòng nhất là chứng kiến những tác phẩm không phải là tác phẩm chân bản của họ. Đây là điều gây sốc lớn với mỹ thuật Việt Nam”.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cho biết: “Để có thể đi tới cùng sự việc, để giải quyết, phân tích được chắn chắn phải dùng tới khoa học hình sự".
Trước đó, trả lời báo điện tử Tổ Quốc, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng khẳng định, bằng cảm quan, người có chuyên môn có thể biết tranh thật, giả. Nếu người sưu tầm những bức tranh, ông Vũ Xuân Chung cũng vô tình bị mua phải tranh giả thì ông Chung hoàn toàn có thể kiện người đã bán những tranh giả này cho ông ta ra tòa. Khi mua tranh, ông Chung có hợp đồng, giấy xác nhận từ người bán - Jean Francois Hubert. Ông Hubert rất có thể không được nhập cảnh vào Việt Nam vì ông ta đã làm điều sai trái với Việt Nam. Ngược lại, nếu ông Vũ Xuân Chung là một người tòng phạm trong vụ này, nghĩa là ông ấy tiếp tay cho đường dây tranh giả từ nước ngoài về với quê hương, thì sẽ phải xử lý theo pháp luật./.
Hoàng Nguyên