(Cinet)- Theo tinh thần của Thông tư 15/2015 mà Bộ VHTTDL đã ban hành về việc không tái diễn những tập tục mang tính bạo lực, man rợ trong lễ hội, bắt đầu từ năm 2017, lãnh đạo huyện ủy Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã thống nhất không tái diễn tục lệ treo cổ trâu trong ngày hội đền Đông Cuông.
Nghi thức lễ hội tại cửa đền Đông Cuông năm 2015. Nguồn ảnh: TTXVN |
Nghi lễ treo cổ con trâu trắng lên cây mít trước cửa đền trước khi mổ trâu để tế thần linh diễn ra vào lúc 0 giờ của ngày Mão (từ 12 giờ đêm 8/2, tức ngày 12 tháng Giêng). Đây là nghi lễ gắn liền với những hoạt động văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa tâm linh của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Tuy nhiên, việc treo cổ trâu cho đến khi trâu bất tỉnh mới đưa xuống để mổ trở nên man rợ, phản cảm. Chính vì vậy, lãnh đạo Sở VHTTDL Yên Bái cho biết sẽ có văn bản chỉ đạo để điều chỉnh nghi lễ này: “Sẽ không có cảnh treo trâu nữa, cũng không để du khách tham quan việc mổ trâu”.
Đền Đông Cuông là ngôi đền linh thiêng cách thành phố Yên Bái khoảng 50 km, thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông. Đền thờ Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và những anh hùng người dân tộc thiểu số như Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng - người góp sức cùng nhân dân cả nước thời Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Hàng năm thu hút đông đảo nhân dân cả nước đến dâng hương, vãn cảnh và cầu nguyện một năm gặp nhiều may mắn…
Lễ hội đền Đông Cuông mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu, vừa để báo ơn, vừa cầu khẩn mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Cùng với phần lễ, các hoạt động của phần hội cũng diễn ra sôi nổi như: biểu diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc, phiên chợ quê, thi đấu bóng chuyền, kéo co, đua thuyền...
T.T (Tổng hợp: vietnamnet, dantri.com)
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!