• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Loại trái cây đang gây ‘sốt’ với món gỏi gà, giúp Việt Nam kiếm được trăm triệu USD

Kinh tế 11/05/2023 15:06

(Tổ Quốc) - Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 4 nghị định thư về việc xuất khẩu sang Trung Quốc với quả măng cụt, sầu riêng, chanh leo và chuối.

Vào hè nắng nóng, món gỏi măng cụt được ưa chuộng mạnh. Giá thành của măng cụt sống để làm món "gỏi vua" này lên đến 550.000 đồng/kg. Hiện tại, giá măng cụt sống gọt sẵn là 55.000 đồng/100g, tức 550.000 đồng/kg. Còn loại măng cụt sống chưa gọt vỏ giá 80.000 đồng/kg.

Năm ngoái, măng cụt xanh chưa gọt vỏ giá khoảng 75.000 đồng/kg; loại đã gọt vỏ, quả to có giá 350.000 - 400.000 đồng/kg. Lúc cao điểm, lượng măng cụt xanh không có nhiều, giá mỗi cân lên tới gần nửa triệu đồng.

Gỏi gà măng cụt là món ăn quen thuộc của người dân miền Nam, nhất là khu vực miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, trong giai đoạn nắng nóng hiện nay, món ăn này trở thành khoái khẩu của nhiều người dân cả nước.

Hồi tháng 7/2019, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết thanh long vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với tỷ trọng chiếm trên 40% tổng trị giá xuất khẩu trái cây của Việt Nam, đạt giá trị 554 triệu USD. Trong khi đó, sầu riêng đứng thứ 2 với 143 triệu USD.

Loại trái cây được vua ban tên đang gây ‘sốt’ với món gỏi gà, giúp Việt Nam kiếm được trăm triệu USD - Ảnh 1.

Gỏi gà măng cụt là món ăn đang gây "sốt" trong thời gian gần đây, đẩy giá măng cụt sống tăng.

Xuất khẩu măng cụt đạt trên 140 triệu USD, tăng 146% so với cùng kỳ năm 2018. Măng cụt trở thành mặt hàng xuất khẩu mang về giá trị lớn thứ hai trong nhóm trái cây. Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu chính đạt tốc độ tăng trưởng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2019.

Khi đó, sự tăng trưởng của xuất khẩu măng cụt nhờ vào việc Trung Quốc đã cấp phép nhập khẩu măng cụt của Việt Nam. Tại thời điểm đó, đây là loại trái cây thứ 9 được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc (sau thanh long, vải, dưa hấu, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm).

Đến nay, có 11 loại quả của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng. Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 4 nghị định thư về việc xuất khẩu sang Trung Quốc với quả măng cụt, sầu riêng, chanh leo và chuối.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, nhập khẩu quả xoài, ổi, măng cụt của EU tăng dần qua các năm trong giai đoạn năm 2016 - 2020, trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân về lượng là 8,4%/năm, về trị giá là 7,7%/năm.

EU nhập khẩu quả xoài, ổi, măng cụt nhiều nhất từ thị trường Peru, Hà Lan và Brazil trong 5 tháng đầu năm 2021, lượng nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm 73,5% tổng lượng nhập khẩu mã HS 080450 của EU.

Việt Nam là thị trường cung cấp quả xoài, ổi, măng cụt lớn thứ 31 cho EU. Thị phần quả xoài, ổi, măng cụt của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU tăng. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,4% tổng lượng nhập khẩu của EU.

Loại trái cây được vua ban tên đang gây ‘sốt’ với món gỏi gà, giúp Việt Nam kiếm được trăm triệu USD - Ảnh 2.

Món gỏi này ngon phụ thuộc rất lớn vào trái măng cụt có giòn, độ chua vừa phải... hay không.

Măng cụt từng được vua ban tên

Theo Sổ tay Hướng dẫn xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc của Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương, tổng diện tích trồng măng cụt ở Việt Nam khoảng 7.600 ha, được trồng phổ biến ở hai vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ với diện tích lần lượt là 3.800 ha và 2.900 ha, cho sản lượng thu hoạch khoảng 26 nghìn tấn và hơn 11 nghìn tấn. Các tỉnh trồng nhiều măng cụt như: Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bình Dương và Đồng Nai.

Còn theo Phòng Văn hóa - Thông tin TP Thuận An (tỉnh Bình Dương), cây măng cụt có nguồn gốc từ Malaysia và Indonesia, được các giáo sĩ phương Tây du nhập vào Nam Bộ. Sau khi vào Nam, Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương) được chọn để nhân giống thử nghiệm đầu tiên, bởi đây là vùng đất có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với loại cây này.

Từ đó, măng cụt Lái Thiêu đã trở thành một loại trái cây nổi tiếng và đặc trưng khi nói đến trái cây đặc sản ở Bình Dương. Măng cụt Lái Thiêu từ lâu nổi tiếng bởi hương vị ngọt ngào, thơm ngon đặc biệt khác hẳn măng cụt trồng ở các nơi khác. Có lẽ vì thế mà xưa vua Minh Mạng đã đặt cho loại quả này một cái tên rất mỹ miều là “giáng châu tử” (giống như hạt ngọc trời).

Loại trái cây được vua ban tên đang gây ‘sốt’ với món gỏi gà, giúp Việt Nam kiếm được trăm triệu USD - Ảnh 3.

Trái măng cụt Lái Thiêu là đặc sản của tỉnh Bình Dương.

Sổ tay Hướng dẫn xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc của Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương cho biết măng cụt là loại trái cây nhiệt đới, không phải bản địa ở Trung Quốc. Hầu hết người dân ở đây đều không biết nhiều về cây măng cụt. Ở Trung Quốc chỉ trồng được măng cụt ở một số vùng như Đài Loan, Quảng Đông, Vân Nam, Phúc Kiến. Chất lượng măng cụt trồng ở các vùng khác sẽ bị ảnh hưởng.

Do thổ nhưỡng không phải phù hợp nhất để phát triển và thời gian phát triển chậm, mười năm mới bắt đầu kết trái nên sản lượng măng cụt nội địa được trồng trong nước của Trung Quốc khá thấp, chủ yếu dựa vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.

Măng cụt có vị chua chua ngọt ngọt, giá trị dinh dưỡng cao, giúp thanh nhiệt cơ thể, bổ sung vitamin rất được người dân ưa chuộng, thường được sử dụng trực tiếp như các loại trái cây khác sau bữa ăn hoặc có thể sử dụng để chế biến ra nhiều món ăn, thức uống khác.

"Tuy nhiên, nhìn chung giá măng cụt khá đắt so với các loại trái cây khác, khiến người dùng còn e ngại khi mua", tài liệu về xuất khẩu của Bộ Công Thương nêu.

Dy Khoa

NỔI BẬT TRANG CHỦ