• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Loạn" danh xưng 'ca sĩ'!

Văn hoá 19/08/2009 15:26

(Toquoc)- Có lẽ không có nơi nào như Việt Nam, việc trở thành một 'ca sĩ' lại dễ dàng đến thế.

(Toquoc)- Có lẽ không có nơi nào như Việt Nam, việc trở thành một ca sĩ và được gọi là 'ca sĩ' lại dễ dàng đến thế.

Người mẫu ‘đổ xô’ đi làm ca sĩ!

Showbiz Việt hiện giờ nhan nhản những cái tên được gắn mác “ca sĩ” hay “ngôi sao ca nhạc” mà khán giả thậm chí chẳng rõ đó là ai. Có người chỉ hát một vài bài, chẳng cần đợi khán giả công nhận cũng tự xưng là ca sĩ. Việc lạm dụng này đang khiến cho danh hiệu “ca sĩ” mất dần giá trị.

Chưa có bất kì một thống kê cụ thể nào về số lượng ca sĩ hiện nay, nhưng nếu có thống kê thì chắc người thực hiện cũng phải lắc đầu ngao ngán bởi có quá nhiều người ‘tự xưng’ là ca sĩ. Không ít người chưa từng biểu diễn trên một sân khấu nào, cũng chưa từng được đào tạo về thanh nhạc…, chỉ biết rằng theo công nghệ lăng xê của các bầu show, họ cũng khoác lên mình cái mác “ca sĩ”. Và một cuộc dọn đường được bày ra, họ cũng hát (có khi là bài hát được đặt hàng sáng tác riêng cho họ với ước vọng sẽ tạo thành ‘hit’, hay ‘cover’ lại những bài ‘đinh’ của các ca sĩ nổi tiếng) và cũng nhảy những vũ đạo “phổ biến”. Chỉ có điều, giọng hát đó, vũ đạo đó không để lại chút ấn tượng nào khiến không ít khán giả khi trót nghe quảng cáo của bầu show mà mua vé đi xem chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán “thế cũng gọi là ca sĩ”.

Showbiz Việt hiện giờ nhan nhản những cái tên được gắn mác “ca sĩ” hay “ngôi sao ca nhạc” mà khán giả thậm chí chẳng rõ đó là ai (Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ)

Có lẽ không có nơi nào như Việt Nam, việc trở thành một ca sĩ và được gọi là ca sĩ lại dễ dàng đến thế. Không ít văn nghệ sĩ có tâm đã phải thốt lên trong “niềm vui” chứa đầy sự xót xa rằng: tôi viết một bài thơ, người ta gọi tôi là nhà thơ; tôi sáng tác một bài hát, người ta gọi tôi là nhạc sĩ,… và tôi hát một vài bài, nghiễm nhiên tôi thành ca sĩ.

Việc công nhận một cách dễ dàng này, trước tiên có sự tiếp tay của giới truyền thông và cũng không loại trừ khả năng giới truyền thông cũng chỉ là một “con tốt” trong ván bài lăng xê của các ông bầu. Không ít những cái tên như PTV, NTV, DK, LKN, TD, QAA… vốn rất nổi trong giới người mẫu, diễn viên đều bày tỏ ước muốn len chân vào giới ca sĩ, không chí ít cũng là muốn 'thử sức' ở lĩnh vực ca hát. Có những người chỉ sau khi hát một vài bài trong một đêm nhạc giao lưu thì ngay sau đó người ta thấy xuất hiện nhan nhản trên các báo những cái tên ấy nhưng danh xưng đi kèm không chỉ đơn thuần là người mẫu, mà đã chuyển sang “người mẫu- ca sĩ”, "diễn viên-ca sĩ" hoặc đơn giản là “ca sĩ”… Và điều đáng nói là sự nghiễm nhiên này quá nhiều trong xã hội hiện nay nhưng không phải ai cũng có được cái tâm với cái danh mà mình “trót” hay cố ý mang ấy.

NSƯT Thái Bảo, người đã có nhiều năm cống hiến cho làng nhạc Việt Nam với không ít ca khúc đã gắn liền với tên tuổi đã tỏ ra khá bức xúc: ‘Tôi thấy hiện nay các ca sĩ đều cào bằng như nhau, không ít người tự xưng mình là ca sĩ. Có nhiều người chưa hề được công nhận là NSƯT nhưng đã tự phong cho mình là NSƯT và tự in ‘card’. Thông thường, những sinh viên được đào tạo trong nhạc viện ra, khi chưa có được danh hiệu thì vẫn chỉ là ca sĩ đơn thuần, nhưng nếu sau một vài năm phấn đấu, được công chúng công nhận thì có thể gọi là nghệ sĩ như Trọng Tấn, Anh Thơ, cao hơn nữa sẽ là NSƯT, NSND. Nhưng hiện nay, khi “vua chưa biết mặt, chúa chưa biết tên” mà nhiều người đã tự khoác cho mình chiếc áo ca sĩ. Lắm khi đi hát, thấy MC giới thiệu ca sĩ nọ, ca sĩ kia nhưng quả thực tôi cũng chẳng biết đó là ai…’.

Làm ca sĩ có thật dễ?

Ai cũng hiểu rằng, cái đích đầu tiên và cũng là cuối cùng của người làm ca sĩ là chinh phục được khán giả. Nếu không có khán giả thì danh xưng ca sĩ cũng chỉ là hữu danh vô thực mà thôi.

NSƯT Thái Bảo khẳng định rằng: “Dù anh có là gì đi chăng nữa, dù anh không được học hành tử tế trong các trường dạy thanh nhạc thì muốn làm ca sĩ, anh cũng phải khẳng định được mình, phải có được những bài hát gắn liền với tên tuổi của mình và được công chúng công nhận”.

NSND Quang Thọ cũng cho rằng: “Đã là ca sĩ thì phải có trải nghiệm biểu diễn trước công chúng, có được công chúng thì sẽ có vị trí xứng đáng trên sân khấu với một lượng khán giả nhất định”.

Thời buổi hiện nay, không ít người đẹp, người mẫu ‘ôm mộng’ ca hát. Và chuyện thuê người làm fan hâm mộ hò reo trong các buổi biểu diễn của ca sĩ cũng không còn là chuyện hiếm. Lắm chương trình ca nhạc, nhiều khán giả ngạc nhiên tự hỏi sao trên sân khấu ca sĩ hát chán như vậy mà dưới vẫn có người hò reo cổ vũ. Mọi chuyện chỉ vỡ lẽ khi đám reo hò đó đổi băng rôn từ tên ca sĩ nọ sang ca sĩ kia mỗi khi hết phần biểu diễn…

Tình trạng lạm dụng danh xưng ca sĩ như hiện nay đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị cũng như chất lượng của thương hiệu “ca sĩ”. Tuy vậy, khán giả bây giờ cũng không còn quá ngây thơ khi tin rằng “đã là ca sĩ thì hát phải hay” mà sự lựa chọn của họ bây giờ là những tên tuổi đã được khẳng định theo thời gian. Quả thực, giữa thời buổi của rất nhiều thứ công nghệ, để có cái mác “ca sĩ” không khó, nhưng để là ca sĩ trong lòng đông đảo khán giả thì không dễ chút nào. Nói gì thì nói, đã muốn trở thành ca sĩ, trước tiên anh phải có giọng hát thực sự. Công nghệ kĩ thuật hiện đại chỉ có thể trau chuốt thêm chứ không thể biến cái ‘không’ thành ‘có’. Có giọng hát rồi nhưng cũng phải rất khổ luyện mới thành tài.

Theo NSƯT Thái Bảo, để có thể trở thành một ca sĩ thực thụ là hết sức khó khăn. “Hãy lao vào con đường này khi anh thực sự có năng khiếu, và kèm theo đó là sự khổ luyện, sự kiên nhẫn… Anh phải phấn đấu bằng thực sự, bằng sự nỗ lực của bản thân và phải khẳng định được một con đường riêng, phong cách riêng và vững vàng trên con đường mình đã chọn. Tất cả những người đã thành đạt, đang giảng dạy trong các học viện, họ đều là những người có thâm niên với những kinh nghiệm xương máu, và không dễ dàng gì để họ tự xưng mình là ca sĩ nổi tiếng. Bởi vậy cần rất tỉnh táo trong chuyện này”.

Còn theo NSND Quang Thọ, ‘ca sĩ dù được đào tạo bài bản ở một trung tâm, trường đào tạo về thanh nhạc như Nhạc viện, các trường văn hóa nghệ thuật… hay là tự học thì cũng phải nghiêm túc. Làm ca sĩ trước tiên phải có giọng hát trời cho. Đây là thuận lợi để tiến sâu trong nghề nghiệp cộng với sự học tập kinh nghiệm từ người đi trước, trau dồi kiến thức… thì tự khắc sẽ trưởng thành. Còn những ca sĩ nổi lên nhờ công nghệ lăng xê, nếu là ảo thì chỉ được một thời nhất định, là thật thì sẽ sống mãi’.

Để trở thành một ca sĩ thực thụ thì đồng nghĩa với sự công nhận của khán giả, nhưng với trào lưu nghe nhạc không có sự chọn lọc hiện nay của một bộ phận lớn khán giả trẻ thì còn rất cần có sự vào cuộc của các nhà quản lý. Theo ý kiến của nhiều ca sĩ gạo cội thì cấp thẻ hành nghề biểu diễn cho các ca sĩ là việc làm cấp thiết để hạn chế tình trạng ‘loạn’ danh xưng ca sĩ hiện nay./.

Phương Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ