• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Loạt di sản thế giới bị đe dọa bởi nước biển dâng

Du lịch 18/10/2018 10:57

(Tổ Quốc)- Thành phố Venice, tháp nghiêng Pisa hay đến thành phố thời trung cổ Rhodes đều đang bị đe dọa bởi nước biển dâng cao.

Từ thành phố Venice, tháp nghiêng Pisa hay đến thành phố thời trung cổ Rhodes, hàng chục di sản thế giới được UNESCO công nhận tại khu vực Địa Trung Hải đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nước biển dâng cao, các nhà nghiên cứu cảnh báo ngày 17/6.

Hầu như 49 di sản của nền văn minh nhân loại được UNESCO công nhận tại khu vực Biển Địa Trung Hải đang đối mặt với nguy cơ bị đe dọa khi mực nước dâng cao và xói mòn đất đai, trong khi hiện chưa có nhiều giải pháp để bảo vệ chúng, theo một bài nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí khoa học Nature Communications (tạm dịch: Kết nối với thiên nhiên).

Loạt di sản thế giới bị đe dọa bởi nước biển dâng - Ảnh 1.

Các di sản tại khu vực Biển Địa Trung Hải đang bị đe dọa khi nước biển tiếp tục dâng cao. (Nguồn: Shutter Stock)

Venice và vùng đầm phá xung quanh, Nhà thờ Patriarchal Aquileia, Thành phố thời Phục hưng Ferrera hay vùng đồng bằng sông Po, tất cả đều đang cận kề nguy cơ bị đe dọa, cũng theo nghiên cứu trên.

"Các di sản thế giới này nằm dọc theo rìa phía bắc Biển Adriatic, nơi mực nước biển đạt mốc cao nhất khi các cơn bão lớn đổ đến cùng với thời điểm thủy triều lên", các tác giả giải thích.

Các di sản có nguy cơ bị xói lở nghiêm trọng nhất là thành phố cổ Tyre ở Lebanon, quần thể khảo cổ học Tarraco ở Tây Ban Nha và thành phố cổ Ephesus ở Thổ Nhĩ Kỳ.

"Nhiều di sản đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức để thích nghi với tác động của mực nước biển dâng, vì vấn đề này thay đổi cả giá trị và "bản sắc" của từng địa điểm", đồng tác giả báo cáo Sally Brown, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Southampton cho biết.

Chỉ có một số di sản, như các công trình Kitô giáo thời kỳ đầu ở Ravenna, Nhà thờ Thánh James ở Sibenik là có thể được di dời, nhưng làm như vậy sẽ là không phù hợp với điều mà UNESCO gọi là "giá trị tổng thể nổi bật" của các di sản trong quần thể kiến trúc, cộng đồng chung.

Trong năm 2013, hội đồng khoa học khí hậu của Liên Hiệp Quốc ước tính rằng mực nước trên các đại dương toàn cầu có thể tăng tới 76 cm vào cuối thế kỷ này.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây - có tính đến việc các tầng băng đang tan ra- hiện đang là nguyên nhân hàng đầu khiến nước biển dâng cao – cho thấy các ước tính trước đó là quá khiêm tốn. Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) sẽ công bố các ước tính mới vào tháng 9 năm 2019.

Ngay cả trong các kịch bản lạc quan nhất về tác động của hiệu ứng khí nhà kính, mực nước biển sẽ tiếp tục tăng cao tới hoặc kéo dài trong suốt thế kỷ 22.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ