• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Loạt khung cảnh Việt Nam ấn tượng trong phim "A Tourist's Guide to Love"

Du lịch 24/04/2023 14:32

(Tổ Quốc) - Bộ phim mới chiếu của Netflix đã đưa người xem đến với nhiều khung cảnh Việt Nam thơ mộng và hoang sơ.

Bộ phim mới A Tourist's Guide to Love đã chính thức ra mắt Netflix ngày 21/4. Bộ phim theo chân giám đốc điều hành du lịch Amanda (do Rachael Leigh Cook thủ vai), người bí mật đến Việt Nam để tìm hiểu về ngành du lịch và để bình ổn lại tâm lý sau khi chia tay.

Tại đây, cô gặp hướng dẫn viên du lịch tên Sinh (do Scott Ly đảm nhận). Họ tìm thấy sự phiêu lưu và lãng mạn ở những khu chợ, đường phố, đền thờ và những ngôi làng cổ kính tại khắp Việt Nam. Nhà thiết kế sản xuất phim tại Thành phố Hồ Chí Minh Đỗ An đã chia sẻ với trang House Beautiful về những địa điểm quay phim tuyệt vời này.

Loạt khung cảnh Việt Nam ấn tượng trong phim "A Tourist's Guide to Love" - Ảnh 1.

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất Việt Nam và cũng là nơi Amanda bắt đầu chuyến đi của mình. Cùng với nhóm khách du lịch tại Saigon Silver Star, Amanda được đi dạo qua Chợ Bến Thành, một trong nhiều khu chợ sôi động của thành phố. Tại đây, du khách có thể mua bất cứ thứ gì từ sản phẩm tươi sống đến hàng may mặc và đồ thủ công. Ảnh: Netflix.

Loạt khung cảnh Việt Nam ấn tượng trong phim "A Tourist's Guide to Love" - Ảnh 2.

Tiếp đến là Hội An, một đô thị cổ ven biển miền Trung Việt Nam. Đoàn khách du lịch trong phim đã được đi khám phá nhiều điểm đến nổi tiếng, trong đó có Miếu Quan Công. Đây cũng là nơi quay phim yêu thích của Đỗ An. "Cá tính của khu phố rất độc đáo. Nhóm của tôi đã thiết kế và tạo ra tổng cộng bốn bối cảnh quay chính ở Hội An." Ảnh: Netflix.

Về cảnh quay tại một hiệu may trang phục, đội ngũ thiết kế đã bày trí lại khoảnh sân để giới thiệu bộ sưu tập mới nhất của cửa hiệu Yaly. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp hoài cổ, nhẹ nhàng và thanh lịch.

Đặc biệt, con đường đèn lồng thơ mộng mà Amanda và Sinh đi dạo qua là một công trình sáng tạo của đoàn phim. Trong khi Hội An được biết đến với những chiếc đèn lồng thì nơi đây trên thực tế không có nơi nào công phu như trong phim. Vì vậy, nhóm thiết kế sản xuất đã đặt hàng hơn một nghìn chiếc đèn lồng với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Đỗ An chia sẻ: "Chúng tôi rất vinh dự khi Ủy ban Nhân dân Hội An và Sở Văn hóa đề nghị nhà sản xuất giữ nguyên bối cảnh này để du khách tương lai thưởng thức".

Khi Amanda và Sinh tham gia lễ hội thả đèn trên sông, cảnh quay diễn ra bên bờ sông Thu Bồn. Trải nghiệm đó "là một điều thú vị đối với ngay cả một người Việt Nam vì lễ hội thực tế chỉ diễn ra mỗi năm một lần và rất hiếm khi du khách có thể thuận tiện đến Hội An trong thời gian đó," Đỗ An giải thích.

Loạt khung cảnh Việt Nam ấn tượng trong phim "A Tourist's Guide to Love" - Ảnh 3.

Đặc biệt, cách Đà Nẵng và Hội An khoảng một giờ đi xe, bộ phim cũng đưa du khách đến với thánh địa Mỹ Sơn. Di sản Thế giới được Unesco công nhận này còn lưu giữ nhiều tàn tích của các ngôi đền tháp và "là thủ phủ tôn giáo và chính trị của Vương quốc Champa cổ". Được bao quanh bởi những ngọn núi, khu vực này nằm trong một lưu vực địa chất tuyệt đẹp. Ảnh: Netflix.

Loạt khung cảnh Việt Nam ấn tượng trong phim "A Tourist's Guide to Love" - Ảnh 4.

Trong bộ phim, quê hương của Sinh nằm ở Hà Giang, bên bờ sông Lô ở vùng đông bắc Việt Nam. "Hà Giang, và đặc biệt là thành phố Hà Giang, là điểm đến tuyệt vời để thể hiện cội nguồn và di sản văn hóa dân tộc của Việt Nam," Đỗ An chia sẻ. Các diễn viên và đoàn làm phim phải mất sáu giờ từ Hà Nội di chuyển đến đây. "Vẻ đẹp thôn quê, mộc mạc với những cánh đồng và ruộng bậc thang thực sự đã mang lại giá trị khác lạ cho bộ phim", Đỗ An nói. Nhà thiết kế sản xuất này cũng bày tỏ: "Đây rất có thể là lần cuối cùng ngôi làng cổ đó được quay vì Hà Giang đang phát triển với tốc độ chóng mặt". Ảnh: Netflix.

Loạt khung cảnh Việt Nam ấn tượng trong phim "A Tourist's Guide to Love" - Ảnh 5.

Thủ đô Hà Nội của Việt Nam là bối cảnh cho những cảnh cuối cùng của bộ phim. Ảnh: Netflix.

Các cảnh phim xem chương trình múa rối nước đều được quay tại Nhà hát Múa rối Thăng Long, nằm ở trung tâm thành phố và gần một trong những hồ nước nổi tiếng nhất của Việt Nam là Hồ Hoàn Kiếm. Đỗ An nói: "Nghệ thuật biểu diễn múa rối nước truyền thống có từ thế kỷ 11. Đối với chúng tôi, đưa loại hình nghệ thuật này vào phim là một sứ mệnh."

Khoảnh khắc ấm áp giữa Amanda và Sinh ở cuối phim được quay tại bùng binh mang tính biểu tượng trước Nhà hát Lớn Hà Nội – công trình được lấy cảm hứng từ kiến trúc Hy Lạp cổ điển và nhà hát opera của Paris. Tại Hà Nội, việc quay phim cũng diễn ra tại khách sạn Tirant. Tọa lạc trên Phố Gia Ngư, khách sạn đi vào hoạt động từ năm 2011. Được bao quanh bởi các nhà hàng nổi tiếng và các địa điểm giải trí, đây là nơi lý tưởng cho cả khách doanh nhân và khách đi nghỉ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ