(Tổ Quốc) - Tháng Tư về ! Một tháng Tư thật đặc biệt với mỗi con người và cả đất nước . Một tháng Tư nhiều cảm xúc với 45 năm ngày thống nhất tổ quốc. Một tháng Tư cả xã hội đang gồng mình chống cơn đại dịch của thế kỷ.
Tháng Tư về ngọn gió chia đôi
Thao thiết ngày xưa một miền xanh thẳm...
Những năm gần đây, tháng Tư nào tôi và những người lính xe tăng 846 cũng gặp nhau. Khi thì ở Hà Nội - Hà Đông, nơi các gia đình: trưởng xe Nguyễn Quang Hòa và pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ sinh sống, khi ở trang trại ở Ba Sao - Hà Nam của pháo thủ Trần Bình Yên; khi về Hải Phòng, quê hương pháo thủ số 1 Nguyễn Ngọc Quý... 45 năm đã qua kể từ khi tôi ghi lại hình ảnh chiếc xe tăng 846 của các anh trong đội hình mũi đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 đang qua cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Bức ảnh sau này đã trở thành một biểu tượng cho ngày chiến thắng của dân tộc. Một hình ảnh rất đẹp. Nắng trưa rực rỡ. Xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập trên mặt đất, lá cờ nửa đỏ nửa xanh trên tháp pháo tung bay. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh của sư đoàn bộ binh 304 cùng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo.
Cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi diễn ra bốn mươi năm sau ngày chiến thắng, sau khi may mắn tìm thấy nhau. Các phóng viên trong tổ mũi nhọn của TTXVN - Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, Trần Mai Hưởng và Mạnh Hùng (báo QĐND) sau hàng chục năm có dịp gặp lại các chiến sĩ xe tăng 846. Một buổi gặp mặt rất thân mật, ấm cúng trong ngôi nhà của anh Nguyễn Quang Hòa, đại đội phó kiêm trưởng xe 846 giữa những người làm báo và những người chiến sĩ may mắn có mặt tại Dinh Độc Lập trong vào thời khắc lịch sử .
Tôi không bao giờ quên không khí đầm ấm, xúc động của cuộc gặp đầu tiên ấy và những lần gặp sau này. Những câu chuyện giữa chúng tôi luôn gợi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong mùa xuân 1975 mà trong tâm trí mỗi người đều sâu đậm những kỷ niệm.
Anh Nguyễn Quang Hòa người La Khê, Hà Đông, trước khi lên đường nhập ngũ là sinh viên đại học lâm nghiệp. Sau chiến tranh, anh công tác ở Bộ tư lệnh binh chủng thiết giáp một thời gian, rồi ra quân. Anh về lo công việc đồng áng với vợ, nuôi dạy bốn cô con gái nay đều đã trưởng thành. Các anh Trần Bình Yên, lái xe; Nguyễn Ngọc Quý, pháo thủ số 1 và Nguyễn Bá Tứ, pháo thủ số 2 khi rời quân ngũ, như hàng triệu người lính, cũng trở về với đời thường, sống cuộc sống của những người lao động. Anh Yên quê ở Hà Nam ,anh Quý ở ngọai thành Hải Phòng, lại trở về với đồng ruộng. Anh Tứ người Hà Nội làm nghề lái xe khách nhưng sau đó nghỉ việc do sức khỏe yếu.
Trưởng xe Nguyễn Quang Hòa thường ôn lại những ngày cuối cùng của chiến tranh khi cùng anh em trong Lữ đoàn 203 đánh những trận cuối cùng ở Long Thành - Nước Trong - Đồng Nai. Đại đội của các anh đã diệt nhiều xe tăng và thiết giáp của quân Sài Gòn. Các anh cũng bị bắn cháy 3 xe. Bản thân anh cũng bị thương ở tay… Khi tiến vào Sài Gòn, các anh vừa đánh vừa hành tiến, có đoạn phải hạ nòng pháo bắn thẳng xuống tàu địch đang rút chạy trên sông Sài Gòn; có lúc hết dầu phải đi kiếm từng can để theo kịp đội hình.
Anh cho biết, xe 846 nằm trong đội hình mũi đột kích thọc sâu tiến vào Dinh Độc Lập ngay trưa 30/4/1975. Khoảnh khắc xe 846 vào ngang cửa Dinh đã được chúng tôi - các phóng viên TTXVN ghi lại: Sau khi vào Dinh, xe 846 được giao nhiệm vụ bảo vệ phía sườn bên trái trong khi các xe khác án ngữ phía trước mặt. Ngay chiều hôm 30/4/75, xe 846 được lệnh cùng một số xe khác trong đơn vị rút khỏi Dinh Đôc Lập đi nhận nhiệm vụ khác, không quay lại và không tham gia bất kỳ một hoạt động nào ở khu vực Dinh sau đó nữa .
Nguyễn Bá Tứ, pháo thủ số hai chính là người ở trên tháp pháo trong bức ảnh của tôi và nhà báo Vũ Tạo cùng chụp khi xe đang qua cổng Dinh. Sau chiến tranh, anh về làm nghề lái xe khách ở Hà Nội và đối mặt với bao khó khăn của đời thường. Con gái đầu lòng bị chất độc da cam. Vợ anh làm nghề bán xôi để kiếm sống và chăm con. Bản thân anh mới đây mất sức lao động, bị cắt thanh quản vì bệnh ung thư, nói không ra tiếng, phải kết hợp cả cử chỉ và chữ viết để diễn đạt mọi điều.
Trần Bình Yên, lái xe, có dáng người cao lớn. Chúng tôi đã mấy lần về thăm trang trại vùng Ba Sao, Hà Nam. Vợ chồng anh đã đổ nhiều mồ hôi công sức xây dựng trang trại trồng na kết hợp chăn nuôi gia súc ở chân núi. Sau bao khó khăn, cuộc sống đã ổn định. Nhiều năm sống với ruộng đồng nhưng những ký ức đẹp đẽ về một thời tuổi trẻ vẫn sâu nặng trong Trần Bình Yên qua mỗi câu chuyện kể.
Nguyễn Ngọc Quý, pháo thủ số 1, không kịp dự cuộc gặp đầu tiên. Sau đó, theo lời mời, chúng tôi đã về tận quê anh ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Một cuộc gặp ấm áp nghĩa tình đồng đội và tình làng nghĩa xóm quê hương. Anh chị làm kinh tế vườn, ao, chuồng có thu hoạch khá, các con đều trưởng thành, có cuộc sống riêng hạnh phúc.
Tháng Tư năm nay, chúng tôi không gặp được nhau trong điều kiện cách ly xã hội. Qua điện thoại, trưởng xe Nguyễn Quang Hòa cho biết, anh bị tai biến lại mấy tháng trước, nay đã có phần bình phục nhưng vẫn còn yếu. Anh rất nhớ mọi người, hẹn sớm gặp nhau .
Nói chuyện với Nguyễn Bá Tứ, như thường lệ, anh chỉ nghe mà không nói được. Chị Mùi, vợ anh cho biết, anh chị và các cháu vẫn bình thường. Vì đang cách ly xã hội nên cả tháng nay, anh chị không ra bán xôi trên đường Hoàng Hoa Thám, ở nhà chờ hết dịch. Tôi không nghe chị phàn nàn gì, chỉ thấy tiếng cười lạc quan của người phụ nữ xốc vác, quen bươn chải và vượt qua mọi khó khăn.
Từ Hà Nam, lái xe Trần Bình Yên cho biết năm nay, vừa có đại dịch, vừa vì vườn na gặp sâu bệnh nên thu nhập giảm hơn năm trước. Nhưng anh tin là khó khăn rồi cũng sẽ qua. Từ Hải Phòng, pháo thủ số 1 Nguyễn Ngọc Quý cho biết, năm nay mắt anh kém hơn, nhưng cuộc sống vẫn tạm ổn. Hai ông bà chăm nhau, vì các con đều sống xa nhà.
Qua câu chuyện với các anh, tôi cảm nhận được sự chân thành, thương quý của những người lính dành cho nhau và dành cho chúng tôi, những người làm báo có duyên với những chiến sĩ xe 846. Chúng tôi hẹn nhau gặp mặt ngay sau khi hết dịch bệnh. Một điều đáng nói nữa là lâu nay, tôi cùng các anh có chung mong mỏi là tìm gặp hai chiến sĩ bộ binh trong bức ảnh, những người cùng hành tiến cùng xe 846. Tháng Tư năm nay, chúng tôi có thêm niềm hy vọng : Đại tá Đặng Xuân Trường, Sư đoàn phó sư đoàn 304, người từng là chiến sĩ lái xe 844 cùng có mặt ở Dinh Độc Lập, do những quan hệ của anh, hứa sẽ tìm giúp hai chiến sĩ bộ binh ấy. Một cuộc gặp đủ các chiến sĩ xe tăng và bộ binh trên xe là mong mỏi của mọi người.
“Nước sông công lính”. Như muôn vàn người lính khác trở về sau chiến tranh, các chiến sĩ xe tăng 846 vẫn đang tiếp tục chia sẻ, động viên nhau vượt qua mọi khó khăn, tìm niềm vui trong cuộc sống bình thường sau khi cống hiến những năm tháng thanh xuân tươi đẹp nhất cho sự nghiệp vì độc lập tự do cho Tổ quốc.