• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lợi ích lớn từ việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ

Văn hoá 09/10/2023 13:56

(Tổ Quốc) - Giáo dục con cái luôn là nhiệm vụ thường trực của bất cứ gia đình nào. Bên cạnh vấn đề giao tiếp ứng xử hay tìm hiểu thế giới xung quanh, phụ huynh cần xây dựng cho con đức tính chăm học và ham mê đọc sách từ nhỏ. Trong đó, làm sao đọc sách trở thành một nét văn hóa đẹp giúp trẻ hoàn thiện tư duy, trí tuệ.

Theo con số thống kê của Tổ chức NOP World Culture Score, mỗi tuần người Ấn Độ đọc sách 10,7 giờ; Thái Lan 9,4 giờ; Trung Quốc 8 giờ; Nga 7,1 giờ; Australia 6,3 giờ; Mỹ 5,7 giờ; Anh 5,3 giờ; Nhật Bản 4,1 giờ; Hàn Quốc 3,1 giờ, còn người Việt Nam đọc trung bình mỗi năm 0,8 quyển sách.

Tầm quan trọng của việc đọc sách đối với trẻ

Tiến sĩ Molly Ness - chuyên gia về giáo dục trẻ em tại trường Đại học Fordham (Mỹ) cho rằng, việc đọc sách giúp nâng cao trí tuệ, cảm xúc và thậm chí còn kéo dài tuổi thọ. Đọc sách còn mang lại cảm giác thư thái, hạnh phúc và cải thiện sức khỏe tâm thần đối với người đọc.

Lựa chọn cho trẻ những cuốn sách về kỹ năng sống sẽ rất cần thiết khi trẻ lớn lên. Sách cũng giúp trẻ nâng cao vốn từ vựng và nhận thức về thế giới xung quanh.

Lợi ích lớn từ việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ - Ảnh 1.

Chuyên gia chỉ ra việc đọc sách càng sớm càng có lợi cho trẻ em (ảnh minh họa H.Hà)

Đối với trẻ em, các nhà giáo dục chỉ ra việc đọc sách càng sớm càng tốt. Một số các lợi ích của việc đọc sách đối với trẻ em, theo các nhà giáo dục cho rằng: Đọc sách giúp đa dạng hóa vốn từ vựng cho con

Con sẽ xây dựng được một vốn từ vựng phong phú thông qua những câu chuyện mà con được nghe. Vì vốn từ vựng là điều kiện tiên quyết giúp con phát triển tốt khả năng ngôn ngữ. Con sẽ học được cách diễn đạt suy nghĩ, mong muốn hay ý kiến một cách tốt hơn, rõ ràng hơn. Đồng thời, trong quá trình tương tác với sách, con sẽ dần trở nên quen thuộc cách các chữ cái được sắp xếp như thế nào, các con chữ trông ra làm sao hay cách đọc từ trái qua phải, từ trên xuống dưới cứ. Những điều này được lặp lại hàng ngày sẽ giúp cho cách con học đọc, học viết sau này dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể giáo dục con cái thông qua những câu chuyện: Thay vì ra lệnh, khiển trách con cái, ba mẹ chỉ cần nhẹ nhàng “Con có nhớ bạn Tùng trong câu chuyện mình đọc tối qua không? Bạn vừa không biết xếp hàng chờ tới lượt, vừa chen lấn, xô đẩy người khác và kết quả thế nào ấy nhỉ? Mình nên thực hiện hành vi văn minh là xếp hàng con nhỉ!”

Rèn luyện khả năng tập trung và giúp con phát triển thói quen đưa ra ý kiến: Sự tập trung trong giai đoạn mầm non cũng là tiền đề cho sự tập trung học tập sau này của con ở các cấp học khác. Do đó, bằng cách kể những câu chuyện hấp dẫn cho các bé, giúp con hứng thú và theo sát diễn biến trong câu chuyện là cách tốt nhất mà cha mẹ giúp con rèn luyện khả năng tập trung. Bên cạnh đó, khi mở từng trang sách, hãy đặt ra những câu hỏi gợi mở để giúp con chủ động, tích cực tham gia. Nó vừa giúp con thích thú với thời gian nghe kể chuyện, khơi gợi được sự tò mò, vừa giúp con xây dựng thói quen nói lên suy nghĩ trong mình, là nền tảng cho việc học chủ động và khả năng sáng tạo trong tương lai

Xây dựng thói quen tích cực: Thói quen tốt thì cần được xây dựng càng sớm càng tốt và phải thực hiện một cách đều đặn vậy nên khi bạn cùng con xây dựng được thói quen này từ lứa tuổi mẫu giáo thì con bạn sẽ mang nó bền vững đến khi trưởng thành. Và hãy hình dung, mỗi trang sách được mở ra là cả một chân trời tri thức mới mẻ được hiện ra và mỗi ngày con sẽ học được một bài học mới, vậy thì tương lai thú vị như thế nào đang chờ con?!

Giúp con cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ: Khi đọc sách cho con cũng là khoảng thời gian giúp cha mẹ gần gũi, gắn kết sợi dây tình cảm với con hơn. Cuộc sống thường nhật bận rộn khiến cha mẹ nhiều lúc không có đủ thời gian để trò chuyện, chơi đùa cùng con. Vậy thì hãy dành ra mỗi ngày chỉ 15 phút thôi trước khi đi ngủ, để con nằm/ ngồi trong lòng ba mẹ và kể cho con nghe những mẫu chuyện nhẹ nhàng. đây sẽ là khoảng thời gian nhỏ bình yên cho cả người lớn lẫn các bé: cha mẹ sẽ quên đi những ưu tư cuộc sống mà nhẹ nhàng cùng con bước vào từng câu chuyện, còn con sẽ cảm nhận được tình thương yêu, sự quan tâm từ cha mẹ trong thời gian ngắn ngủi mà chất lượng này. Phút giây thư giãn giúp cả nhà đi vào giấc ngủ được ngon hơn, tiếp thêm năng lượng cho ngày mai.

Ngoài ra, đọc sách giúp con dời xa các thiết bị smartphone, ipad, TV…

Hình thành thói quen đọc sách

Để hình thành thói quen đọc sách là việc làm không khó nhưng cũng không dễ. Thói quen này nếu hình thành ngay từ bé sẽ quyết định đến khả năng đọc sách trong suốt thời gian dài của cuộc sống.

Người Do Thái có mẹo nhỏ giúp trẻ đến với sách một cách rất đơn giản, họ bôi ít mật ngọt vào đầu quyển sách, trẻ sẽ lân la chơi với sách say sưa. Việc còn lại của phụ huynh là chọn mua những quyển sách được in chất liệu tốt, nhà xuất bản uy tín.

Mỗi ngày trước khi đi ngủ, bố mẹ nên cùng bé đọc 1, 2 trang sách. Sau khi ăn cơm xong, bố mẹ cũng nên cùng con thảo luận một chủ đề trong sách. Thói quen mỗi ngày này dù chỉ kéo dài 10 - 20 phút (tương tự như chơi điện thoại, máy tính bảng) nhưng sẽ dần hình thành trong bé sự hứng thú, thói quen cũng như không nản lòng khi khám phá nội dung sách.

Cha mẹ cũng nên chú ý tăng dần thời gian đọc theo độ tuổi để bé có thể tìm hiểu những nội dung thú vị, sâu sắc hơn từ sách và tăng độ chú ý khi tìm hiểu kiến thức.

Nếu con thích cá voi, bố mẹ nên tìm mua những quyển sách có sự hiện diện của cá voi (trong câu chuyện hoặc hình ảnh minh họa). Mặt khác, trẻ em nhận diện và ghi nhớ rất lâu những hình ảnh đem lại cảm xúc tốt đẹp. Vì vậy, bạn đừng bắt bé đọc những chủ đề có ích nhưng khô khan, bé sẽ sớm lảng tránh và mất dần tình yêu với sách.

Những chủ đề sách gắn bó với nhân vật, hình ảnh, câu chuyện trẻ yêu thích sẽ giữ chân các em lại với thói quen đọc. Mỗi khi nhắc đến sách, bé sẽ nhớ về cá voi, công chúa váy hồng, siêu nhân... và không bị cảm giác căng thẳng khi tương tác với sách.

Bên cạnh đó, hãy bắt đầu bằng việc tìm mua những quyển sách theo chủ đề mà con thích.

Cuối cùng, nếu bố mẹ có thói quen đọc sách, trẻ sẽ xem bố mẹ là tấm gương và bắt chước theo những hình ảnh chúng thấy hàng ngày. Trẻ sẽ tự tìm hiểu xem cha mẹ đang làm gì mà rất say sưa, chăm chú. Khi đó, bạn có thể giải thích rằng bạn đang chơi một trò chơi thú vị và hỏi con có muốn chơi cùng không. Tiếp theo, bạn hãy cùng con đọc sách và bạn đọc sách cho con nghe.

Tuy nhiên trong giai đoạn này, bạn chỉ nên đọc ít một để trẻ hình thành thói quen. Một món ăn mà hơi ít thì chúng cảm thấy thiếu thiếu và muốn ăn thêm mỗi ngày là bạn đã thành công./.


H.Hà

*Vụ Gia đình- Bộ VHTTDL thực hiện

H.Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ