(Tổ Quốc) - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh: “Tham nhũng, sân sau, lợi ích nhóm, công ty gia đình đang dần lộ diện qua những vụ việc vừa qua. Vì vậy, cần có giải pháp nhận diện để xử lý cho phù hợp thực tế”.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề vì sao công trình hạ tầng, nhất là giao thông làm thì lâu nhưng xuống cấp và hỏng nhanh? (Nguồn: quochoi.vn)
Ngày 15/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên họp 28 về các báo cáo: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; Giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã tích cực điều hành theo tinh thần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Tại báo cáo thẩm tra, 14 điểm nhấn về những kết quả đạt được đã tạo hiệu ứng lan toả tốt trên nhiều lĩnh vực, tăng cường niềm tin trong nhân dân cũng như được dư luận trong nước và nước ngoài đánh giá cao.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng dẫn chứng việc Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã sâu sát cơ sở, bám sát thực tiễn, thường xuyên đối thoại và lắng nghe các vấn đề, kiến nghị của người dân. Cùng với đó là việc tổ chức thường xuyên các hội nghị, các buổi đối thoại để lắng nghe.
Bà Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo cần nhấn mạnh thêm về vấn đề phòng chống tham nhũng bởi dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư – Trưởng Ban Phòng chống Tham nhũng Trung ương, công tác này đã được đẩy mạnh, thể hiện nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ…
Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đặt vấn đề vì sao công trình hạ tầng, nhất là giao thông làm thì lâu nhưng xuống cấp và hỏng nhanh, đồng thời làm rõ vụ việc mà dư luận và báo chí phản ánh.
Tiếp đó, đề cập tình trạng vi phạm trong cổ phần hoá nhà, đất công, bà Lê Thị Nga cho rằng, có sự tiếp tay của người có chức vụ quyền hạn.
"Tham nhũng, sân sau, lợi ích nhóm, công ty gia đình đang dần lộ diện qua những vụ việc vừa qua. Vì vậy, cần có giải pháp nhận diện để xử lý cho phù hợp thực tế", bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ có thể có tác động tiêu cực, rủi ro
Chiều cùng ngày, thảo luận về báo cáo KT-XH của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, năm 2018, mục tiêu tổng quát đề ra cơ bản đã đạt và vượt, có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý những rủi ro, tác động của kinh tế thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ có thể có tác động tiêu cực, rủi ro về lạm phát và tỷ giá cũng như có thể ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp tới đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam.
Đề cập đến cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quôc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, cần có chính sách đánh giá dự phòng bởi cuộc chiến này ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam. Cuộc chiến này có thể đem lại nhiều cơ hội nhưng cùng với đó sẽ là những thách thức rất lớn.
"Chúng ta tận dụng được cơ hội gì, những gì cần tránh từ cuộc chiến này? Phương án trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ ra sao trước rủi ro? Các vấn đề này cần được phân tích cụ thể", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.