(Toquoc)-“Làng tử thần” hay “thôn chết chóc” đó là những tên gọi khác của xóm 6, xã Bắc Thành
(Toquoc)- “Làng tử thần” hay “thôn chết chóc” đó là những tên gọi khác của xóm 6, xã Bắc Thành (huyện Yên Thành – Nghệ An) để ám chỉ nỗi kinh hoàng của hàng chục hộ dân nơi đây vì sự xuất hiện của căn bệnh ung thư quái ác cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân trong mấy năm trở lại đây
Bỏ làng vì nỗi kinh hoàng… “ung thư”
Chúng tôi theo anh Nguyễn Duy Phong, cán bộ địa chính xã Bắc Thành, men theo con đường nhỏ lô nhô những mỏm đất chạy vắt vẻo qua cánh đồng mênh mông vào với xóm 6. Vừa đến đầu làng, đập vào mắt chúng tôi là gần chục bóng người gầy rạc bước lững thững nhìn theo chúng tôi đi với con mắt lờ đờ, vô hồn.
"Mấy người kia bị bệnh ung thư hết đó, tuy mới phát hiện nhưng họ đều đã ở giai đoạn cuối và đang chờ ngày ra đi" - anh Phong nói nhỏ vào tai tôi.
Ông Trần Ngọc Trân, xóm trưởng xóm 6 cho biết: "Xóm 6 chúng tôi được bao bọc bởi hai ngọn núi, trong đó thôn Chò Eo có gần 30 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu thì trong mấy năm gần đây đã có gần 30 người chết vì bệnh ung thư, chưa kể nhiều người khác đang phát bệnh giai đoạn cuối. Cả làng đang rất hoang mang, lo lắng".
Nghĩa địa Cồn Găng nằm ngay sát khu dâm cư, phía dưới là những vũng nước đen ngòm, bốc mùi tanh ngột ngạt
Được biết, thôn Chò Eo là thôn mới được hình thành từ những năm 1985 – 1986. Do đất chật người đông nên để có đất ở và canh tác thì nhiều người đã di cư lên khu vực sát chân núi Cồn Găng để định cư và thôn Chò Eo hình thành từ đó. Trước đây, trong thôn cũng có người chết đột ngột nhưng vì chưa biết đến căn bệnh ung thư nên không ai để ý, cứ tưởng là bị bệnh gì. Từ đầu những năm 2000, khi người dân ốm đau đi khám tại Bệnh viện mới biết bị bệnh ung thư và ca ung thư đầu tiên được phát hiện từ đó.
Từ khi phát hiện đến nay, căn bệnh quái ác này đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân. Có một điều nguy hiểm là số người mắc bệnh ngày càng “trẻ hóa”. Mới đầu, căn bệnh chỉ xuất hiện ở những người đứng tuổi khoảng 50 trở lên. Thế nhưng mấy năm trở lại đây đã có trường hợp mới mười tám đôi mươi cũng ra đi vì căn bệnh này. Cá biệt có một em chỉ mới 14 tuổi đã chết vì ung thư phổi, một em 16 tuổi chết vì ung thư cổ họng, một em 18 tuổi chết vì ung thư gan…
Chỉ trong 3 năm trở lại đây, thôn Chò Eo đã có 13 người chết vì ung thư các loại. Trong đó gia đình ông Trần Dinh Độ đã có 3 người chết, trong đó trẻ nhất là cháu ông Độ là em Trần Danh Giáp mới bước qua tuổi 15 nhưng đã bị căn bệnh ung thư phổi cướp đi sinh mạng.
Chị Hoàng Thị Tám, xóm 6 cho biết thêm: “Hiện, số người mới đi khám về và phát hiện bị ung thư cũng ngót chục người, như trường hợp bà Nguyễn Thị Lam (52 tuổi), anh Ngô Sỹ Hoa (46 tuổi), bà Nguyễn Thị Minh (67 tuổi) phát hiện ung thư dạ dày tháng trước nhưng đã ở giai đoạn cuối và không có tiền nằm viện nên con cháu đành đưa về nhà nằm chờ…chết. Do người dân ở đây nghèo không có điều kiện chứ nếu đi khám thì số người bị bệnh chắc sẽ cao hơn nhiều”.
Sau khi có người thân qua đời, nhiều gia đình ở thôn Chò Eo vì quá sợ hãi nên đã bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn để đi nơi khác sinh sống.
Ngôi nhà của anh Hoàng Văn Quý cỏ bò đầy thềm nhà. Thấy nhiều người chết vì ung thư, quá sợ hãi nên anh Quý cùng vợ và các con đã phải bỏ nhà cửa, vườn tược đi phiêu bạt trong miền Nam làm thuê kiếm sống.
Nằm cạnh nhà Quý, ngôi nhà của gia đình ông Trần Văn San cũng đã bỏ hoang từ mấy tháng nay. Ông San đã chuyển ra khu vực khác để làm nhà.
Hay như trường hợp của bà Minh cũng bỏ lại ngôi nhà của mình về ở với con trai, ngôi nhà đã mục nát của bà nằm cạnh nghĩa địa, cỏ mọc um tùm trông mà thấy rợn người.
Nguyên nhân do nguồn nước bị ô nhiễm vì… nghĩa địa?
Được biết, thôn Chò Eo nằm trong một thung lũng có sự bao bọc của hai ngọn đồi. Hai ngọn đồi này được dùng làm nghĩa địa của 3 xã Bắc Thành, Trung Thành và Nam Thành và gọi là nghĩa địa Cồn Găng (gọi theo tên ngọn núi). Mỗi năm nghĩa địa Cồn Găng nhận thểm cả trăm ngôi mộ mới của 3 xã nói trên. Trong mấy năm trở lại đây, do xã Nam Thành đã có nghĩa địa riêng nên hai ngọn đồi này là nơi “tập kết” mộ mả của hai xã Bắc Thành và Trung Thành.
“Nghĩa địa đã có từ lâu đời nên có hàng nghìn ngôi mộ nằm san sát nhau. Mỗi năm, nghĩa địa này lại có thêm hàng trăm ngôi mộ mới. Những ngày mưa lụt chúng tôi còn thấy đồ cúng, quần áo, vàng mã, giầy dép và thậm chí cả…xương người trôi xuống dưới khu dân cư. Trông mà khiếp vía” - một người dân thôn Chò Eo ngao ngán.
Ông Trần Ngọc Trân dẫn chúng tôi ra sân giếng, chỉ tay vào chậu nước giếng khoan vừa được bơm lên có màu đục đậm, nổi váng mỡ nói trong khiếp sợ : "Thôn Chò Eo vào khu vực này sinh sống từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Ở đây chúng tôi không có nước sạch để dùng nên chỉ còn cách đào giếng để lấy nước dùng cho mọi sinh hoạt. Thế nhưng mấy năm trở lại đây nước bị ô nhiễm trầm trọng. Nước bơm lên thường có màu đục, nổi váng mỡ và có mùi rất tanh. Dùng nước ni để nấu cơm thì cơm có màu vàng đục, dùng để tắm thì da nổi ngứa, dùng để giặt thì quần áo ố vàng và trơn như có mỡ lợn bôi vào ấy".
Theo ông Nguyễn Duy Phong thì có thể nguyên nhân khiến người dân mắc bệnh ung thư tăng mạnh ở địa phương này là do phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm do ở quá gần nghĩa địa Cồn Găng. Được biết, 100% người dân xã Bắc Thành chưa có nguồn nước sạch để sử dụng. "Chỉ riêng thôn Chò Eo có hơn 30 hộ dân, trong đó có 21 hộ sống sát dưới nghĩa địa Cồn Găng thì đã có đến gần 30 người chết vì bệnh ung thư. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng về đây lấy mẫu nước xét nghiệm và kết luận nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư ở đây là do nguồn nước hay vì lý do gì để người dân được biết. Hiện nay bà con đang rất hoang mang” - ông Phong kiến nghị.
Tìm đến Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Yên Thành, ông Hoàng Thanh Long, Phó Phòng Tài nguyên & Môi trường cho biết: “Thực tế vấn đề phòng chúng tôi chưa nắm được vì chưa được phản ánh. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra thực tế vấn đề này trong thời gian sớm nhất”.
Trước thực trạng nói trên và lời khẩn cầu của gần 30 hộ dân ở thôn Chò Eo, kính mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ vấn đề, giúp đỡ người dân sơm ổn định tư tưởng và cuộc sống.
Bài, ảnh:Xuân Nghĩa - Vi Lang