(Tổ Quốc) - Doanh nghiệp Việt gom hàng "chất" mang sang Thái tìm nơi tiêu thụ.
Hơn 30 doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam đang cùng nhau tham gia trưng bày sản phẩm tại Thaifex 2018, một hội chợ quốc tế hàng đầu Thái Lan chuyên ngành thực phẩm, đồ uống ở châu Á.
Thái Lan là quốc gia mạnh về nông sản. Để lội ngược dòng sang quốc gia này, doanh nghiệp Việt Nam chọn những đặc sản độc lạ, hữu cơ, chất lượng nhất để thâm nhập thị trường.
Chia sẻ trên Báo VnExpress, ông Nguyễn Xuân Hiếu - Phụ trách thị trường châu Á, châu Phi của Trung Nguyên cho hay: Trong số những doanh nghiệp này, vài tên tuổi đã có hàng xuất đi nhiều năm, một số lần đầu sang tìm hiểu thị trường. “Năm trước, thị trường Thái Lan mang về 1,5 triệu USD. Năm nay chúng tôi muốn phát triển lên khoảng 3 triệu USD”,
Nhiều doanh nghiệp tham dự hội chợ tại Thái Lan lần này với mục đích thăm dò thị trường, giới thiệu sản phẩm cũng như kết nối, thu thập thông tin nhu cầu thị trường.
Trong khi, Thái Lan là “thủ phủ” về nông sản và thực phẩm chế biến ở Đông Nam Á nên doanh nghiệp Việt cũng rất biết mình là ai và phải làm như thế nào. Sản phẩm mang qua hầu như là sản phẩm độc lạ, đặc sản và chất lượng tốt nhất. Trong khi Cỏ May tung nhiều sản phẩm mới như da cá basa chiên, bánh phồng nấm rơm... thì Vinamit chọn sữa chua sấy làm át chủ bài. Công ty chọn 6 vị đặc trưng nhất trong tổng cộng 16 vị sữa chua sấy.
Tuy nhiên, những sản phẩm truyền thống như mít sấy, mít khô, xoài sấy dẻo rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp Thái. Thế nên, cả những mặt hàng này cũng phải khác biệt về mùi vị. "Vị sản phẩm không quá ngọt và màu sắc không đậm như sản phẩm của Thái Lan", bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nói.
Việc bảo hộ sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan cũng là điều đáng bàn đến. Hải quan Thái Lan rất khó với nông sản nhập và luật pháp bảo vệ nông dân, nông sản của họ đến cùng.
“Do đó, nếu thực hiện tất cả các thủ tục như là kiểm dịch, thì chi phí mang hàng sang Thái Lan sẽ rất cao… Đó là thực tế chúng ta cần chú ý”, đại diện công ty VinEco chia sẻ.
Phùng Nguyên (t/h)