Trong quý 3, lợi nhuận trước thuế của VPBank sụt giảm 26% so với cùng kỳ và thấp hơn so với 2 quý trước đó.
Báo cáo tài chính quý 3/2018 của ngân hàng hợp nhất và ngân hàng mẹ của VPBank vừa được công bố với nhiều con số đáng chú ý.
Chi phí dự phòng rủi ro tăng vọt, chiếm hơn một nửa tổng doanh thu thuần
Trên thực tế, tăng trưởng lợi nhuận của VPBank đã có dấu hiệu chậm lại từ quý 2. Lợi nhuận trước thuế trong quý 3 của ngân hàng hợp nhất đạt 1.749 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ và cũng thấp hơn so với mức đạt được trong 2 quý đầu năm 2018 (quý 1: 2.618 tỷ đồng, quý 2: 1.757 tỷ đồng).
Lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 6.125 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Với một ngân hàng có tốc độ tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây, thì mức 8,7% có thể nói là khá khiêm tốn và bất ngờ. Mức đóng góp của FE Credit – vốn được xem là "gà đẻ trứng vàng" của VPBank ngày càng ít hơn.
Tính toán từ báo cáo tài chính riêng lẻ, ngân hàng mẹ VPBank trong 9 tháng đầu năm có lãi trước thuế đạt 3.847 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận của FE Credit và các công ty con khác chỉ ở khoảng hơn 2.200 tỷ (chủ yếu là FE Credit) và mức đóng góp vào ngân hàng hợp nhất ở vào khoảng 37%. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với những năm trước (thường từ 45-50%).
9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của VPBank tăng 22% đạt 18.189 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi đột biến 251 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 43 tỷ. Trong khi đó, hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán sụt giảm so với cùng kỳ. Nếu như lãi từ dịch vụ chỉ giảm nhẹ 3,1% thì hoạt động mua bán chứng khoán giảm một nửa, chỉ lãi 226 tỷ đồng (cùng kỳ 450 tỷ).
Nguồn: BCTC Ngân hàng hợp nhất VPBank (Đơn vị: Tỷ đồng)
Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác của VPBank tăng đột biến, đạt 2.441 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm, gấp đôi mức đạt được cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do ghi nhận khoản thu từ nợ đã xử lý rủi ro trong kỳ lên tới 1.596 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái chỉ có 660 tỷ).
Tính chung tổng thu nhập hoạt động của nhà băng trong 9 tháng tăng 26% đạt 22.112 tỷ đồng. Trừ đi chi phí hoạt động, ngân hàng có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 14.319 tỷ đồng, tăng 27%. Trong khi đó, chi phí cho dự phòng rủi ro tăng vọt 46% lên 8.194 tỷ đồng (chiếm đến 57% lợi nhuận trước dự phòng) và kéo lãi trước thuế của VPBank hợp nhất xuống còn hơn 6.100 tỷ.
Nợ xấu tăng
Việc chi phí dự phòng rủi ro tăng vọt ở VPBank có thể lý giải một phần đến từ nợ xấu tăng khá mạnh trong 9 tháng đầu năm 2018 ở nhà băng này.
Báo cáo tài chính của VPBank cho biết, nợ xấu tuyệt đối tại nhà băng (hợp nhất) đến cuối tháng 9 đã lên tới 9.401 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với đầu năm. Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng của VPBank tăng chậm hơn với mức 9,5% so với đầu năm.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 3,39% lên 4,70%. Trong đó, nợ nhóm 3- nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất với 61% lên 5.102 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 cũng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất (54%) trong cơ cấu nợ xấu của VPBank. Với ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng khá mạnh.
Ngoài ra, VPBank hiện cũng còn nắm giữ hơn 3.800 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC với dự phòng là 1.138 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng đạt 296.216 tỷ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,5% đạt trên 200.000 tỷ, trong khi huy động tiền gửi tăng mạnh 17% đạt 156.442 tỷ đồng. Vốn điều lệ của VPBank đã đạt 25.300 tỷ đồng, tăng 61% so với hồi đầu năm. Mức này có thể sẽ còn tăng lên khi ngân hàng vẫn còn có kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong thời gian tới.