(Tổ Quốc) - Thanh Huynh, một chuyên gia ẩm thực tại Việt Nam, đã chia sẻ với Lonely Planet- chuyên trang về du lịch toàn cầu- về một hành trình 9 ngày khám phá nền văn hóa và ẩm thực đa dạng của Việt Nam.
9 ngày trải nghiệm Việt Nam
Trong chuyến đi 9 ngày, du khách sẽ được thưởng thức và khám phá nhiều điều thú vị khắp Việt Nam. Vào tối đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, du khách hãy thử trải nghiệm lái một chiếc xe máy và đi vào trung tâm thành phố để khám phá các khu chợ. Tại đây, du khách có thể được trải nghiệm nhiều hương vị như vịt quay thơm mềm hay bánh mì nóng giòn.
Sang ngày thứ 2, du khách di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Bến Tre (khoảng 90km) để trải nghiệm một chuyến du lịch bằng thuyền nhỏ khám phá khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong chuyến đi này, du khách sẽ được dừng chân tại một số xưởng thủ công và ăn trưa với một gia đình địa phương.
Sau hành trình này, du khách sẽ di chuyển đến Huế bằng tàu hỏa. Theo Lonely Planet, hành trình đường sắt đến Huế là một trong những hành trình đẹp nhất ở Đông Nam Á. Du khách sẽ được tận hưởng khung cảnh ven biển và vùng nông thôn, cũng như thưởng thức đồ ăn nhẹ từ những người bán hàng rong lên tàu tại các ga dọc đường.
Sau khoảng thời gian trải nghiệm ở Huế, du khách nên dành thời gian ít nhất 1 ngày 1 đêm để khám phá Vịnh Hạ Long. Đây là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất Việt Nam với phong cảnh tuyệt đẹp. Tới đây, du khách có thể chèo thuyền kayak khám phá một hang động trên biển và nhâm nhi ly cocktail trong khi ngắm mặt trời lặn.
Du khách sẽ kết thúc hành trình khám phá Việt Nam tại Hà Nội. Sau khi ngắm nhìn những điểm đến nổi tiếng nhất tại đây, du khách nên thưởng thức bữa tối cùng một gia đình địa phương. Một món ăn nên ăn trong không gian ấm cúng này là chả cá. Đây là một món ăn đặc trưng của Hà Nội, được chế biến từ cá lăng cùng nhiều loại gia vị và rau thơm có hương vị đặc biệt.
Câu chuyện cảm hứng từ một chuyên gia ẩm thực địa phương
Theo giới thiệu của trang Lonely Planet, Thanh Huynh đã dành rất nhiều công sức để quảng bá ẩm thực và văn hóa Việt Nam. Hành trình đưa Thanh Huynh đến với du lịch và quảng bá bắt đầu từ năm 18 tuổi. Huynh chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Khi tôi 18 tuổi, tôi chỉ nói với gia đình mình: 'Con sẽ đi du lịch'. Gia đình tôi rất bất ngờ về điều đó: 'Sao lại đi du lịch?'. Sau khi tôi thông báo với họ, tôi chỉ bỏ một số quần áo của mình vào túi và rời đi".
Trong hành trình đó, Huynh đã đi khắp Việt Nam. "Sau đó, tôi quyết định chuyển đến Pháp và bắt đầu làm việc trong lĩnh vực khách sạn. Công việc khách sạn gần đây nhất mà tôi làm là tham gia nhóm phục vụ khai trương của Mandarin Oriental ở Paris. Tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi triết lý thương hiệu và việc cá nhân hóa dịch vụ tới từng khách hàng", Huynh chia sẻ.
Sau khoảng thời gian làm ở Pháp, Huynh quay về Việt Nam. Ông bày tỏ: "Tôi nghĩ Việt Nam có tiềm năng rất lớn về du lịch, đặc biệt là về ẩm thực. Bạn có thể đi du lịch 14 ngày từ Bắc vào Nam mà không ăn trùng một món ăn nào. Tôi rất may mắn được sinh ra trong một gia đình sành ăn, mọi người nấu ăn cho mọi dịp. Gần đây chúng tôi đã tổ chức một bữa tiệc nấu tại nhà cho 350 người. Tôi phụ trách nước sốt. Đây là truyền thống của gia đình chúng tôi".
Lý giải tại sao Việt Nam được cho là một điểm đến ẩm thực tuyệt vời, chuyên gia này giải thích: "Đó là vì ẩm thực Việt Nam mang không khí gia đình. Các món ăn thể hiện sự thoải mái. Gia đình tôi là người gốc Bắc, hễ về đến nhà là chạy ngay ra quán ăn phở. Những quán ăn quen thuộc này là nơi thích hợp để nói về món ăn Việt Nam. Mọi người (ở đây) toàn là những người sành ăn. Những kiến thức và trải nghiệm đó đã nằm trong DNA của chúng tôi".
Các nguyên liệu ẩm thực của Việt Nam cũng rất đặc biệt. Huynh cho biết: "Chúng tôi có nhiều loại gạo ngon từ đồng bằng sông Cửu Long. Thậm chí, người ta sẽ trả gấp 3 lần để lấy được loại gạo trồng từ một ngôi làng nào đó. Các loại trà từ phía Bắc cũng vậy. Các nguyên liệu này đều rất độc đáo. Tuy nhiên, chúng tôi chưa làm truyền thông được tốt cho những nét đặc biệt này của Việt Nam".
Tại Việt Nam, nền ẩm thực cũng liên tục hội nhập với quốc tế để phát triển ngày một đa dạng hơn. Theo chia sẻ của Huynh, ở TP. Hồ Chí Minh, có một món chả giò được làm từ củ đậu mang từ Mexico, xúc xích Trung Quốc và húng quế ngọt của Thái Lan. Ngoài ra còn có món dim-sum Quảng Đông được chấm với đậu nành lên men từ miền Bắc Việt Nam thay vì nước tương và giấm thông thường. "Đây là sự đa dạng của nền ẩm thực Việt Nam. Có sự pha trộn của các nền văn hóa", Huynh giải thích.
Một điều đặc biệt nữa là đồ ăn Việt Nam rất tốt cho sức khỏe và luôn tươi mới. "Khi bạn bè đến thăm, chúng tôi ăn rất nhiều nhưng không bị no. Đồ ăn của Việt Nam không gây nặng bụng và luôn khiến người ăn thoải mái", Huynh đánh giá.