(Tổ Quốc) - Long An: Phụ nữ mặc áo dài hưởng ứng chương trình 'Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam', Cần Thơ khôi phục lễ giỗ Ông Đề, phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Đất và người Bình Dương” là những tin tức văn hóa đáng chú ý tại các tỉnh Nam Bộ vừa qua
Long An: Phụ nữ mặc áo dài hưởng ứng chương trình 'Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam'
Từ ngày 02 đến ngày 08/3, hưởng ứng chương trình "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam", Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) tỉnh Long An phát động PN trong tỉnh mặc áo dài.
Theo Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh Long An, đây là hoạt động trong khuôn khổ sự kiện "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" do Trung ương Hội LHPNVN phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPNVN, 110 năm Ngày Quốc tế PN 08/3 (08/3/1910 - 08/3/2020).
Ban Thường vụ Hội LHPNVN tỉnh đề nghị và khuyến khích các cấp Hội trong tỉnh thực hiện một số nội dung: Chủ động phối hợp ngành Văn hóa tổ chức các hoạt động tôn vinh, quảng bá áo dài dịp 08/3, diễn ra đồng loạt trong ngày 06/3 như đồng diễn, biểu diễn trang phục áo dài, gặp gỡ các nhà thiết kế/nhà may áo dài, khuyến khích các thiết kế trên chất liệu truyền thống, tổ chức các cuộc thi duyên dáng áo dài, vận động PN mặc áo dài,… nhằm lan tỏa vẻ đẹp áo dài nơi công tác, học tập, cộng đồng,…
Cần Thơ: Khôi phục lễ giỗ Ông Đề
Nhằm tưởng nhớ đến người có công khai hoang, mở cõi, Giám đốc Làng du lịch sinh thái Ông Đề (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) đã chọn ngày 20.2 (âm lịch) hàng năm để làm ngày giỗ lớn cho Ông Đề, bắt đầu tư năm nay, theo nguồn tin báo Một Thế Giới.
Theo các nhà biên khảo cho rằng, Phong Điền ngoài ý nghĩa là một vùng đất trù phú thì còn có một nguyên do khác: trong cuộc hành trình khẩn hoang đất phương Nam những lưu dân xa xứ của 2 dòng họ Lê, Trần từ H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chọn nơi đây để định cư. Nhớ quê, họ lấy địa danh quê nhà đặt tên cho vùng đất mới. Cái tên con rạch Trường Tiền của Phong Điền ngày nay cũng khởi nguồn từ nguyên do ấy.
Thuở khai hoang lập ấp, trong dòng lưu dân trôi giạt đến từ miền Trung có đôi vợ chồng trẻ Lê Đề siêng năng, giỏi giang. Ở vùng đất mới hoang sơ, "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh", đêm còn nghe tiếng cọp rống này, con người ngoài sự chịu thương chịu khó còn phải mạnh mẽ mới tồn tại hài hòa được với thiên nhiên.
Một sáng mùa xuân năm 1896, cả làng quê nằm bên con rạch hiền hòa này ngơ ngác trước tin ông Lê Đề về với tổ tiên. Và chỉ 1 năm sau, người vợ thủy chung cũng theo chân người chồng về bên kia thế giới. Để tỏ lòng tiếc thương, ghi nhớ công ơn bậc tiền hiền, dân làng đặt tên con rạch trước nhà là rạch Ông Đề. Ông mãi hiện hữu trong tâm thức của cư dân nơi đây qua hình ảnh con rạch đưa nước về tưới mát ruộng vườn…
Theo doanh nhân Lê Hải Phúc thì vào ngày 13.3 (tức 20.2 âm lịch) tại làng du lịch Ông Đề (ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) sẽ tiến hành lễ khánh thành đền thờ và cúng giỗ cho ông Lê Đề nhằm tri ân công đức người khai sinh cho một vùng đất.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP.Cần Thơ, H.Phong Điền là 1 trong 5 địa bàn trọng điểm với vai trò "Du lịch sinh thái miệt vườn, đô thị du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, tâm linh; tham quan chợ nổi", là một phần không thể thiếu trong hệ thống du lịch Ninh Kiều. Việc xây dựng đền tưởng niệm bậc tiền hiền trong làng du lịch này như một thái độ trân trọng quá khứ.
Phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề "Đất và người Bình Dương"
Chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2020, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Dương vừa phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề "Đất và người Bình Dương".
Đến với cuộc thi, các tác giả là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và các cây bút đang sinh sống và làm việc trong tỉnh sẽ có dịp thể hiện tài năng sáng tác nhiều tác phẩm mới phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Các tác phẩm dự thi thuộc thể loại văn học và âm nhạc có nội dung ngợi ca quê hương, thiên nhiên, con người, tiềm năng, thế mạnh của Bình Dương. Thời hạn nhận tác phẩm đến hết ngày 30-6. Ban tổ chức sẽ tiến hành tổng kết và trao giải vào dịp lễ Quốc khánh 2-9 tới.
Đọc sách, báo để tăng cường kiến thức về phòng, chống dịch bệnh
Trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhiều thư viện trong tỉnh Bình Dương vẫn mở cửa hoạt động và trở thành nơi ôn bài, học bài, giải trí, tìm hiểu thông tin lý tưởng nhất cho bạn đọc.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng lượng độc giả thiếu nhi đến với thư viện không hề giảm. Nhiều phụ huynh đưa con đến thư viện đọc sách, trưa thì cho con mượn thêm truyện tranh, sách tham khảo. Theo các phụ huynh, ở nhà các cháu xem tivi và điện thoại nên đưa đến thư viện là hay nhất. Bởi ở đây các cô thủ thư nhiệt tình, hướng dẫn các cháu nhiều kỹ năng, từ đọc sách đến giữ gìn không gian chung nên rất yên tâm.
Bạn Nguyễn Thanh Liêm, sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, những ngày nghỉ học do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 em chọn Thư viện tỉnh làm nơi học bài. Ở thư viện có nhiều sách, không gian yên tĩnh. Đặc biệt, hệ thống wifi rất tốt, giúp em luyện các kỹ năng học Anh văn.
Luôn trong tư thế sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, để bảo vệ sức khỏe cán bộ, nhân viên và độc giả, Thư viện tỉnh đã bố trí thêm xà phòng, nước rửa tay tại nhà vệ sinh, tăng cường vệ sinh môi trường, nhất là các phòng đọc, phòng mượn, phòng internet. Ngoài ra, Thư viện tỉnh cũng đã trưng bày các thông tin tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19 thành chuyên đề, tạo chuyên mục phòng, chống Covid-19 trên trang web, cập nhật các tin, bài viết chính thống thông tin về diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trong tỉnh, trong nước và thế giới.