“Ngày hội đọc sách” được cho là bắt nguồn ở Tây Ban Nha, vào ngày lễ Thánh Giooc-giơ 23/4, người ta tặng nhau nhiều cuốn sách, hoặc mua sách đều được kèm theo những đóa hoa hồng. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước khác trên thế giới dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện... Năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức nhằm thúc đẩy việc đọc, xuất bản sách và quyền tác giả.
Với ý nghĩa và tác dụng to lớn từ việc đọc sách đã được chứng minh qua nhiều quốc gia và suốt chiều dài lịch sử nhân loại, tại Việt Nam, từ năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Sự kiện nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Bên cạnh đó, Ngày Sách Việt Nam còn là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Hoạt động này còn nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.
Từ hơn 10 năm nay, hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4), Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL, đã phối hợp với Hội Thư viện Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức, phát động “Ngày Sách và Văn hóa đọc”. Cùng với sự hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4 từ năm 2014 ngày hội đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc đã trở thành một sự kiện hiếm có khi cùng lúc nhiều tỉnh thành trong cả nước đồng loạt tổ chức. Không chỉ có các thành phố lớn, các Bộ, ngành, thư viện, trường học… tại các địa phương cũng từng bừng diễn ra ngày hội đọc sách dành cho mọi tầng lớp.
Ngày hội sách và văn hóa đọc do Bộ VHTTDL từ năm 2012 – 2017 đã nhận được hàng ngàn cuốn sách từ các NXB ở Trung ương, các tổ chức xã hội với tổng trị giá hàng tỷ đồng để giúp đỡ cho các thư viện, tủ sách ở các địa phương còn nhiều khó khăn như: Hoà Bình, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa thiên - Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình...
Sách, báo quyên góp được thông qua những Ngày hội đọc sách ở các tỉnh, thành và các thư viện trong cả nước đã được đưa tới các điểm đọc, tủ sách, thư viện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số, nơi đang thiếu sách báo, khát khao tri thức. Đây có thể coi là một kết quả thiết thực, có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc của ngành thư viện Việt Nam với những nỗ lực to lớn để góp phần nâng cao dân trí, nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân.
Clip trao tặng 8 xe thư viện lưu động cho các địa phương năm 2018 (clip: Đình Đạt
Để phát triển văn hóa đọc, Dự án “Xe thư viện đa phương tiện lưu động” cũng được Vụ Thư viện triển khai từ cuối năm 2015, đầu năm 2016 với việc trao tặng 5 xe thư viện lưu động. Năm nay, Tập đoàn Vingroup tặng thêm 8 xe ô tô thư viện lưu động, trên mỗi xe có hơn 4.000 cuốn sách, 6 máy tính, 1 máy chủ, phần mềm, máy chiếu, vô tuyến.
Ngoài ra, Vụ Thư viện còn vận động tài trợ để các thư viện có thêm phần mềm quản lý thư viện, tài liệu điện tử và sách nói phục vụ cho người khiếm thị.
Dự án được thực hiện nhằm thúc đẩy việc đưa thông tin và tri thức đến với người dân trong cộng đồng (bao gồm cả người khiếm thị) ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và những vùng đặc biệt khó khăn.
Việc ra đời của Dự án này đã thiết thực góp phần nâng cao dân trí, mức thụ hưởng văn hóa, phát triển văn hóa đọc, tạo thêm điều kiện cho người dân đặc biệt là trẻ em có điều kiện tiếp cận với thông tin tri thức, thực hiện việc học tập suốt đời.
Vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày Hội “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 19/5/2017 với nhiều hoạt động, phong phú, hấp dẫn, ý nghĩa và thiết thực.
Dự kiến cuối năm 2018, Bộ VHTTDL sẽ trao "Giải thưởng phát triển văn hóa đọc" cho cá nhân và tập thể có đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Còn tại Ngày sách Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trong 5 năm qua đã thu hút được hàng trăm đơn vị xuất bản cả trong nước và ngoài nước tham dự. Nhiều sự kiện giao lưu giữa tác giả với độc giả đã diễn ra, trở thành cầu nối hữu hiệu cho sách đến gần người đọc hơn.
Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5 được tổ chức nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả, trở thành hoạt động văn hóa thường niên được cộng đồng đón nhận và tôn vinh, góp phần nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, tạo thế và lực thực hiện thắng lợi mục tiêu "xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện".
Được tiếp nối phát triển trên cơ sở Giải thưởng Sách Việt Nam, do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức, Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất với sự tham gia của đông đảo các nhà xuất bản và hàng trăm cuốn sách đăng ký dự xét giải. Năm nay, Ban tổ chức đã trao 3 giải A Sách hay; 3 giải A Sách đẹp cùng nhiều giải B, giải C sách đẹp, sách hay. Đây thực sự là những cuốn sách mang tính chính trị, nhân văn cao đồng thời liền với đó là tính quảng bá không chỉ là những cuốn sách hay, đẹp mà còn đặc biệt thú vị.
Clip Khai mạc Ngày sách Việt Nam năm 2018 (Nguồn: Vietnam+)
Tại các địa phương, hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã diễn ra, như TP. Hồ Chí Minh khai trương mô hình “xe buýt sách” như một thư viện mi ni, sáng tạo, độc đáo dành cho độc giả. Bên cạnh đó, nhiều địa phương khác như: Đà Nẵng, Vũng Tàu, Hải Phòng, Đà Lạt, Lâm Đồng, Vinh… đồng loạt diễn ra Hội sách 2018. Không quá khi nói rằng, hiếm có sự kiện văn hóa nào mà đồng loạt nhiều tỉnh, thành trên cả nước hưởng ứng và diễn ra đồng thời cùng lúc như Ngày sách – Hội sách.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam được tổ chức đồng bộ, có quy mô, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đặc biệt là có sự lồng ghép giữa các hoạt động này với sinh hoạt văn hóa, chính trị, tư tưởng phù hợp với điều kiện, đặc thù riêng của từng vùng miền, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều tầng lớp nhân dân.
Không những vậy, để phát triển văn hóa đọc, tại một số thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu… đã hình thành những “Đường sách”, “Phố sách”. Đường sách đã trở thành một địa chỉ, một điểm hẹn văn hóa của người yêu sách, đáp ứng nhu cầu đọc sách thường xuyên, gặp gỡ, trao đổi, giao lưu của tác giả và độc giả.
Nhiều độc giả đã không ngại bày tỏ rằng, nhờ có các Ngày Sách, Hội Sách mà họ đã biết thông tin về nhiều tác phẩm, tác giả rất hấp dẫn, thú vị và lợi ích của việc đọc sách. Đây là động lực để họ không đắn đo khi quyết định mua sách và đọc sách.
Nhìn lại những hoạt động tôn vinh sách và văn hóa đọc được tổ chức trên cả nước trong những năm vừa qua cho thấy Ngày hội sách và văn hóa đọc đã dần trở thành hoạt động thường niên, tạo thói quen cho độc giả, có sức lan toả rộng rãi ở mọi tầng lớp. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và nhiều loại hình giải trí đa phương tiện, hấp dẫn hiện nay, việc duy trì, tổ chức các Ngày Sách và tôn vinh Văn hóa đọc càng góp phần khẳng định: Sách và văn hoá đọc vô cùng cần thiết và càng không thể thiếu trong xã hội văn minh, phát triển. Cuộc sống con người dù có phát triển đến đâu vẫn cần đến sách. Ngày Hội sách chỉ có một ngày nhưng tạo tiền đề cho thói quen đọc sách và văn hóa đọc.
Biên tập: Hà Anh
Hình ảnh: Nam Nguyễn, Diệu Hằng, zing.vn
Đồ họa: Minh Trang