• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

[Longform] Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Khoảnh khắc lịch sử mở ra tương lai

Tổ Quốc Media 13/06/2018 06:20

 

Ngày 12/6, hội nghị thượng đỉnh được mong chờ nhất năm 2018 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã diễn ra tại quốc đảo Singapore. Chỉ mới năm ngoái, hai nhà lãnh đạo còn đang công khai đe dọa và khiêu khích nhau, thì giờ đây, cùng nhau, họ đã tạo nên một dấu ấn lịch sử mới trên chính trường quốc tế.

Kể từ sau cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên (1950 – 1953), mối quan hệ Mỹ - Triều luôn trong trạng thái đối đầu và căng thẳng. Tuy nhiên, xuyên suốt trong đó, người ta vẫn có thể thấy những khoảnh khắc “tan băng” ngắn ngủi.  Trong tài liệu mang tên “25 năm Đối thoại và Khiêu khích: Triều Tiên và Mỹ”, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ đã chỉ ra một số nét nổi bật trong quan hệ hai nước như sau:

Kể từ khi Tổng thống Trump chính thức bước vào Nhà Trắng từ tháng 1/2017 đến nay, quan hệ Mỹ - Triều  đã có nhiều tiến triển ý nghĩa. Hãy cùng điểm qua những cột mốc chính.

Giáo sư của Học viên Công nghệ Massachuset (MIT) Vipin Narang ví quá trình dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều với một “bộ phim truyền hình nhiều tập”. 

Còn trong một bài viết xuất bản trước thềm thượng đỉnh trên tờ South China Morning Post, học giả cấp cao Dennis Roy của Trung tâm Đông – Tây tại Honululu (Hawai) nhận định, trước cuộc gặp tại Singapore, Mỹ và Triều Tiên thực chất đã trải qua một vòng đàm phán đầu tiên – hay còn gọi là giai đoạn “tiền thượng đỉnh”. Do phần lớn những thương lượng lúc đó đều diễn ra công khai, nên kết quả ai là người chiến thắng trong giai đoạn này chỉ có thể đánh giá qua việc so sánh chương trình nghị sự của mỗi bên, với những nhượng bộ mà họ đã chấp nhận.

Chương trình nghị sự của Bình Nhưỡng bao gồm hai mục tiêu: “giải trừ” mối đe doạ tấn công phủ đầu của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa trên lãnh thổ Triều Tiên; và khiến cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế áp dụng cho mình. Ông Kim cũng hy vọng quốc tế, đặc biệt là Washington công nhận Triều Tiên là một quốc gia sở hữu hạt nhân, từ đó dẫn đến viễn cảnh Mỹ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên và dần dần làm suy yếu liên minh Mỹ - Hàn Quốc.

Trong khi đó, chương trình nghị sự của Washington bắt đầu từ lợi ích của Mỹ trong việc thuyết phục Triều Tiên dừng và từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Ông Trump cũng muốn ghi dấu ấn của mình với việc đạt được một thoả thuận mang tính lịch sử, giải quyết một vấn đề khó khăn mà những người tiền nhiệm chưa làm được.

Việc Trump đồng ý gặp gỡ tại Singapore không phải là một sự thay đổi hoàn toàn so với chính sách trước đây của Mỹ là: không đàm phán nếu Bình Nhưỡng không đồng ý  giải giáp hạt nhân trước. Quyết định của ông Trump được đưa ra sau khi Hàn Quốc thông báo, Triều Tiên “cam kết phi hạt nhân hoá”. Điều bất thường về sự đồng ý nhanh chóng của ông Trump, đó là quy trình đã bị đảo ngược. Theo lẽ thường, các nguyên thủ quốc gia chỉ gặp mặt, sau khi các cấp dưới đã hoàn tất việc chuẩn bị một thoả thuận chi tiết và được cả hai bên chấp nhận.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm này, Bình Nhưỡng lại tỏ ra không còn quá sẵn sàng phi hạt nhân hoá như những gì mà bên trung gian Hàn Quốc đã nói. Các phát biểu của Triều Tiên sau đó đều sử dụng cụm từ “phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên” – trước đây vẫn thường được hiểu là yêu cầu của Bình Nhưỡng rằng, Mỹ - Hàn Quốc phải từ bỏ vũ khí hạt nhân trước, rồi mới đến lượt Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, ông Trump từng được cho là muốn Triều Tiên chấp thuận hoàn toàn từ bỏ dự án tên lửa hạt nhân vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên; tuy nhiên, giờ đây ông lại cố gắng giảm bớt kỳ vọng: “Tôi chưa bao giờ nói mọi thứ sẽ xong trong một cuộc họp. Tôi nghĩ đó sẽ là một quá trình”.

 

Tóm lại, ngay trước thềm hội nghị, chưa ai dám khẳng định Bình Nhưỡng có thực sự cam kết với khái niệm phi hạt nhân hoá của Mỹ; nhưng việc Washington đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Bình Nhưỡng đã trở thành một thành công ngoại giao lớn nhất trong năm của ông Kim.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã thành công trong việc giảm nhẹ một số áp lực từ trừng phạt kinh tế lên đất nước mình. Mặc dù không dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào, nhưng trước hội nghị, Mỹ không áp dụng thêm cấm vận. Quan trọng hơn, Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng, cũng ra tín hiệu cho thấy sẽ không còn áp dụng cấm vận mạnh mẽ lên Triều Tiên như trước nữa. Ngoài ra, ông Kim còn nhận được thiện cảm của cộng đồng quốc tế sau một loạt các cuộc gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình…

Đó là ba thành công cho ông Kim, trong đó, hai điều rất lớn và một điều mang tính trung bình.

Nước Mỹ cũng có lợi từ giai đoạn phá băng “tiền thượng đỉnh”, nhưng không được nhiều như Bình Nhưỡng. Thứ nhất, ba công dân Mỹ bị Triều Tiên giam giữ đã được trở về nhà. Thứ hai, việc các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân bị tạm ngừng, cũng góp phần làm chậm cuộc chạy đua triển khai năng lực hạt nhân của quốc gia châu Á. Như vậy, hai thành công cho Mỹ: một lớn và một nhỏ.

Kết luận lại, giai đoạn “tiền thượng đỉnh” đã kết thúc với kết quả tạm cho là 3-2 nghiêng về Triều Tiên, trước khi tất cả sự chú ý đều bắt đầu hướng về Singapore, chờ đợi giây phút khai màn một trong những sự kiện chính trị - ngoại giao quan trọng nhất của năm 2018.

Tổng thống Mỹ tuyên bố: "Triều Tiên sẽ phải đối mặt với 'hỏa lực và giận dữ' nếu tiếp tục đe dọa Mỹ" (nguồn: CNBC)

Với những cái bắt tay khó dứt trong suốt cả hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã chính chức phá bỏ nhiều thập kỷ nghi kỵ, xung đột, và cùng đưa ra tín hiệu về một giai đoạn mới trong mối quan hệ giữa hai nước.

Xuất hiện tươi cười bên cạnh Tổng thống Trump tại Singapore, nhà lãnh đạo Kim tuyên bố, “thế giới sẽ chứng kiến một sự thay đổi lớn”, và cả Mỹ và Triều Tiên đã quyết định “để quá khứ lại phía sau”.

Còn ông Trump cho biết, mình và ông Kim đã hình thành “một mối quan hệ rất đặc biệt” khi hai nhà lãnh đạo ký kết một hiệp định, mà theo người đứng đầu nước Mỹ là “khá toàn diện”.

Thỏa thuận được ký kết tại hội nghị lần này thể hiện cam kết của Mỹ và Triều cùng hợp tác để “xây dựng một chế độ dài lâu và hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.

Theo Tổng thống Trump, quá trình phi hạt nhân hóa sẽ bắt đầu “rất nhanh chóng”. Về phần mình, trong một phát biểu tương tự như những cam kết từng đưa ra trước đây, ông Kim Jong-un cũng khẳng định, Triều Tiên “sẽ hành động hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” – một tuyên bố chưa cụ thể và gần như chắc chắn sẽ khiến nảy sinh nhiều câu hỏi liên quan tới thời hạn hiệu quả của hiệp định này.

Jean Lee, Giám đốc Quỹ Trung tâm Lịch sử Hàn Quốc và Chính sách công tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson đánh giá: Thượng đỉnh Singapore là “khoảnh khắc quyền lực cho người Triều Tiên. Nó sẽ được ca ngợi tại Triều Tiên như là khoảnh khắc nước Mỹ thừa nhận và đối xử với Triều Tiên một cách bình đẳng”.

“Nếu cái bắt tay là khởi đầu cho một quá trình biến đổi Triều Tiên và mối quan hệ của nước này với bên ngoài, đó là một điều cần thiết,” ông Adam Mount, một học giả cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ đánh giá.

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt tay nhau trong khuôn khổ Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore (nguồn: straitstimes)

Các cường quốc châu Á cũng đã đầu tư rất nhiều công sức và kỳ vọng và kết quả của thượng đỉnh Mỹ - Triều, đặc biệt là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – cả hai người đều đã gặp mặt ông Kim Jong-un trước đó.

Một số chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh coi Triều Tiên là một vùng đệm chiến lược giữa mình và đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc; từ đó giúp giảm sự chú ý của Mỹ tới những chạy đua chiến lược với Trung Quốc.

Nếu cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên được “giảm tải”, Mỹ và các đồng minh trong khu vực gần như chắc chắn sẽ “rảnh rang” hơn để tập trung sự chú ý vào mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh; cũng như dễ dàng đối mặt với các thách thức từ Trung Quốc hơn.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng thừa nhận, bất kỳ giải pháp thực sự nào cho bán đảo Triều Tiên vẫn còn ở phía trước, ngay cả sau những thành công của cuộc gặp mặt thượng đỉnh Mỹ - Triều.

“Chứng kiến Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim bắt tay và nói chuyện với nhau thân thiện, là một cảm giác rất tuyệt vời và thư giãn. Đó là khoảnh khắc lịch sử khởi đầu cho một sự thay đổi trong mối quan hệ giữa hai nước Mỹ và Triều Tiên,” học giả Lee của Trung tâm Wilson khẳng định.

Nội dung: Lan Phương

Ảnh: Báo quốc tế

Dựng video: Việt Hùng, Mạnh Thủy

Thiết kế: Minh Trang

NỔI BẬT TRANG CHỦ