(Tổ Quốc) - Hò hẹn mãi tôi mới dứt ra khỏi những bề bộn không tên của công việc văn phòng, để lên với một lớp học giữa rừng sâu. Đó là điểm trường Ploang thuộc Trường Tiểu học Trường Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Một lớp học mà cái gì cũng chia đôi. Tấm bảng chia đôi. Bàn ghế chia đôi. Học trò chia đôi. Chỉ một thầy giáo phụ trách công tác giảng dạy ở điểm trường này. Thầy Lê Khánh Bình. Nên thầy giáo cũng… chia đôi.
Từ thành phố Đồng Hới ngược lên Thị trấn nông trường Việt Trung rồi băng qua đường 11 chừng 30 km thì chúng tôi gặp nhánh Tây Trường Sơn. Đường 11 trôi đi êm đềm và mềm mỏng nhưng dải khăn lụa bay bên triền núi. Rừng chớm thu vẫn ngằn ngặt xanh. Mỗi loài cây mang gam màu riêng biệt vẽ cho đất trời biên giới bức tranh độc bản đầy mê hoặc. Thi thoảng lại gặp một ngọn thác trắng tung bọt bất ngờ rơi xuống từ đỉnh núi. Không gian êm đềm như trong mơ bỗng òa vỡ. Bởi thế mà dẫu có đi mãi, đi mãi trong bức tranh thiên nhiên ấy, vẫn sẽ chẳng có ai cảm thấy đơn điệu bao giờ. Tuy nhiên, từ nhánh Tây Trường Sơn rẽ vào bản Ploang thì không còn cảm giác du dương ấy nữa. 10 cây số đường rừng chỉ toàn sống voi, sống trâu gồ ghề dốc đá. Từ chỗ đi như lướt, như bay, tay lái lụa Bùi Cường điều khiển chiếc xe bán tải như kỵ sỹ gìm cương một chú ngựa bất kham. Chiếc xe nhảy chồm chồm qua từng tảng đó lớn. Chúng tôi văng lên rơi xuống tựa trái bóng trong trò chơi tung hứng. E ẩm thể xác nhưng cực kỳ phấn khích tinh thần. Đó là con đường cũ do Công ty Lâm công nghiệp Long Đại mở ra để phục vụ công tác khai thác gỗ từ những năm 80, 90 thế kỷ XX. Người ta gọi là đường công vụ. Chỉ gần 4 cây số chuẩn bị vào bản đường mới được đổ bê tông bằng phẳng. Bản Ploang nằm giữa thung lũng hẹp sát biên giới Việt Lào. Chớm thu, dãy núi Năm Giàn phía sau bản mờ ảo trong sương mù. Bản có hơn 2 chục nóc nhà, 105 nhân khẩu. Đang giữa buổi nên bản rất vắng. Nguyễn Thị Thi, 38 tuổi, 5 con, 2 cháu là trưởng bản. Thi người Vân Kiều nhưng vì lý do tế nhị nào đấy chị cải họ từ họ Hồ sang họ Nguyễn. Chị bảo rằng: Giờ này đồng bào vào rừng làm rẫy, bọn trẻ thì đến trường. Cấp III xuống học trường nội trú tỉnh. Cấp II về trường nội trú huyện ở Hiền Ninh. Còn mấy đứa tiểu học thì đang trong lớp của thầy Bình.
Lớp là ngôi nhà tường xây, mái ngói ở giữa bản. Một gian 10 mét vuông làm chỗ ở của thầy. Tất cả đều đơn: Giường đơn, bàn ghế đơn và chiếc nồi nấu cơm cũng đơn. 20 mét vuông còn lại là phòng học. Chỉ 8 học trò nhưng 2 trình độ: Lớp 1 và lớp 3. Bẳng đen chia làm hai nửa. Bên này, toán lớp 3. Bên kia, tiếng Việt lớp 1. Bản nhỏ nên ở đâu cũng nghe tiếng ê a đọc bài : “O…e…oe”, “L…oe…le”, “O…e…oe”, “L…oe…le” “O…e…oe”, “L…oe…le”… Thầy giáo Bình cố gắng phát âm từng âm tiết tròn vành rõ chữ để lũ học trò đọc theo nhưng chúng nó không thể đọc đúng từ loe . Ông nói với tôi “Dạy cho bọn trẻ tiếng Việt cũng như dạy ngoại ngữ vậy. Từ nhỏ các cháu chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng Vân Kiều nên muốn dạy cho các cháu môn tiếng Việt, trước hết phải dạy nói tiếng Việt. Khó khăn nhất là vấn đề phát âm. Những âm tiết khó như oe, eo…có khi phải mất một buổi mới uốn nắn được” . Phía dãy bàn bên kia, học trò lớp 3 đang làm toán. Những đứa trẻ tóc rối, chân lấm lem bùn đất, quần ống xăn ống xả ngồi tần ngần trước trang vở với các phép tính nhân lên đến hàng trăm. Vài đứa có vẻ bế tắc thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn thầy chờ đợi. Sau một hồi đánh vật với từ oe học trò lớp 1 đã đọc đúng “O…e…oe”, “L…oe…loe”, thầy giáo quay sang hướng dẫn toán lớp 3… Khi đó những nét chữ, những con số mới dần dần được mấy thằng cu ngơ ngác líu ríu viết ra.
- Chỉ có 8 học trò thôi nhưng để đảm bảo sỹ số cũng khó lắm. Nhiều hôm tôi đợi mãi chẳng thấy các em đến lại phải đi gọi tận từng nhà. Có đứa mãi chơi không vào lớp. Có đứa ngủ quên. Có đứa theo mẹ lên rẫy… Cũng may các em rất ngoan và quý thầy.
- Có lẽ dạy các cháu biết đọc, biết viết, biết làm toán là công việc rất khó khăn?
- Khó thật! Phải kiên trì kiểu “Mưa dầm thấm lâu”, dạy một buổi chưa được phải 2 buổi, thậm chí 3 buổi. Không thể theo giáo án cho xong được!
- Hiện nay, giáo dục miền xuôi đang chạy theo trào lưu VNEN.
- Ồ! Đó là vấn đề rất xa lạ với những giáo viên cắm bản như tôi. Để cho học trò tiến bộ chúng tôi phải chấp nhận… tụt hậu. Trong lúc các đồng nghiệp ở miền xuôi thường xuyên được tiếp cận với các phương pháp giáo dục mới, hiện đại và áp dụng vào thực tiễn thì chúng tôi vẫn phải kiên trì với lối giáo dục truyền thống, thầy giáo đọc gì, viết gì học sinh đọc đúng cái đó, viết đúng cái đó. Đọc, viết đến lúc nhớ thì thôi. Đó là phương pháp lối mòn. Chương trình giáo dục VNEN giao cho học sinh làm chủ thể, chúng tôi không áp dụng điều đó ở đây được. Có tập huấn thế nào cũng không thể được. Mặc dù tôi đã có hơn 20 năm công tác nhưng bây giờ mà cho tôi về dạy ở miền xuôi chắc tôi thua xa các đồng nghiệp trẻ?!
- Đó là một trong những thiệt thòi lớn của giáo viên cắm bản?
- Đúng vậy. Chính thực trạng này đã làm hư chúng tôi đấy. Tiếp cận cái mới nhưng không có điều kiện thực hiện cái mới thì cũng vô ích thôi. Năm này qua năm khác mang chữ lên bản cho các cháu, lui tới cũng chỉ có thầy với trò. Không đổi mới. Không thi thố. Thầy theo lối mòn. Trò cũng theo lối mòn. Mãi vậy chúng tôi đâm lười. Chúng tôi tụt hậu. Nhưng tôi tâm niệm một câu được cho là khẩu hiệu của ngành giáo dục “Thầy trò thi đua dạy tốt, học tốt”, cố gắng dạy làm sao để đạt được kết quả phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình. Ở đây, dạy đến đâu các cháu biết cho đến đó là đã thành công rồi.
Trường học vùng cao (ảnh minh họa: Vân) |
Một ngày đầu những năm 2000, thầy giáo Lê Khánh Bình nhận quyết định điều động lên Trường Sơn cắm bản. Nghĩ là chỉ dăm ba năm theo chế độ luân phiên, nào ngờ từ bấy đến nay đã tròn 15 năm lẻ ông gắn bó với nơi này. Lúc bấy giờ, Trường Sơn là chốn rừng thiêng nước độc. Giao thông chưa thuận tiện như bây giờ. Mọi hoạt động đi lại từ miền xuôi lên với núi rừng chỉ bằng phương tiện duy nhất là những chuyến đò dọc sông Long Đại. Nếu ở vùng hạ du, lưu vực sông khá rộng thuận tiện cho giao thông thì lên phía thượng nguồn, sông càng ngày càng trở nên hiểm trở với rất nhiều con thác lớn nhỏ nối tiếp nhau. Trong đó thác Tam Lu là một thử thách khắc nghiệt cho những người lên xuống trên dòng sông này. Từ bến đò Cổ Hiền ngược bến Tiêm, Nước Đắng có thể dùng thuyền gỗ sức chở khoảng mươi, mười lăm người, tiếp đó phải tăng bo vượt thác bằng thuyền cô le vỏ nhôm, chỉ hai, ba người một chuyến. Vài mươi cây số nhưng có khi phải mất hết cả ngày mới đến nơi. Thầy giáo Lê Khánh Bình đã quen với những chuyến đò dọc trên dòng sông Long Đại, thuộc hết mọi tên làng, tên bản dòng sông trôi qua.
- Ngày trước đi Trường Sơn là một hành trình nguy hiểm.
- Nhưng với tôi thì không, tôi quen rồi. Trước, tôi đã có 5 năm đi bộ đội ở Lào.
- Nghĩa là lại nối dài những tháng ngày biền biệt?
- Chưa hẳn vậy. Thời tiết đẹp có thể một tháng tôi tranh thủ về nhà một, hai lần. Nhưng mưa gió, lũ lụt thì vài tháng. Mỗi lần về thăm nhà chỉ hai ngày cuối tuần. Sau đó, tôi lại lên chờ đò ở bến Cổ Hiền để ngược Trường Sơn.
- Với hành trình ấy,có lúc nào ông nản chí?
- Không! Tôi cứ thế mà đi. Chẳng lăn tăn suy nghĩ điều gì cả. Ở trường thì nghĩ mình có vợ con đang đợi ở nhà. Về nhà lại lật đật khăn gói ra đi vì nghĩ rằng ở trường học trò đang đợi. Tâm trạng ấy cứ bám riết lấy tôi mười mấy năm qua. Người ta nói lâu dần sẽ quen nhưng tôi không quen được.
- Cuộc đời ông luôn là những chuyến trở về. Về nhà. Về trường.
- Chắc thế. Trường Sơn hồi đó rất khổ. Hầu như chẳng có gì. Những giáo viên nào sẵn sàng lên Trường Sơn nghĩa là sẵn sàng đối mặt với một khoảng trống lớn về cả vật chất lẫn tinh thần. Những năm đầu lên cắm bản, không nhà, không trường. Đồng bào và thầy giáo cùng vào rừng kiếm gỗ, bứt lá cọ về dựng nhà, dựng lớp, đến các lâm trường gần đó xin gỗ bìa để tự đóng bàn ghế cho thầy trò dạy và học. Ngoài ra không có gì khác. Không Điện. Không đường. Không thông tin liên lạc. Không đồng nghiệp… Cứ cuối mỗi tháng thì toàn bộ giáo viên cắm bản về trường trung tâm cách đây gần 40 km một lần để sinh hoạt đảng, sinh hoạt chuyên môn, tiếp thu chỉ đạo của cấp trên. Ngoài ra, đơn thương độc mã, tự mình kiểm tra lấy mình. Nói chung là chúng tôi cô đơn.
Thầy giáo Lê Khánh Bình bắt đầu lên Trường Sơn dạy học năm 44 tuổi. Đó là lứa tuổi viên mãn của người đàn ông về cả thể chất lẫn trí tuệ. Ròng rã gần chục năm ngược xuôi dòng Long Đại cho đến khi đường Hồ Chí Minh nhánh Tây hoàn thành, thông với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông bằng đường 11 thì mọi chuyện có vẻ đỡ hơn. Chỉ cần 2 giờ đồng hồ đi xe máy là ông về đến nhà. Số lần về thăm vợ con nhiều hơn, nếu thời tiết đẹp có thể mỗi tuần một chuyến .
- Không riêng tôi đâu, bản làng nào trên đất nước mình cũng có giáo viên cắm bản. Ban đầu thì chúng tôi đi “nghĩa vụ”, sau gắn bó máu thịt lúc nào không biết. Chúng tôi thương học trò như con cháu mình vậy. Thấy các cháu khổ có khi còn thắt ruột hơn. Ăn uống, áo quần thiếu thốn. Cũng là trẻ con nhưng chúng nó chẳng biết sữa là gì. Trời rét căm căm có đứa vẫn độc một manh áo mỏng. Chúng nó hồn nhiên, ngơ ngác trong cái đói khổ ấy. Trong lúc mình đầy đủ, ấm áp, thấy các cháu như vậy chúng tôi không đành. Nhiều thầy đã tự bỏ tiền lương ra mua áo quần, sách bút cho những cháu gia cảnh khó khăn nữa.
15 năm cắm bản, thầy Lê Khánh Bình không chỉ mang đến cho con em đồng bào dân tộc Vân Kiều trên các bản làng thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh nguồn sáng của trí tuệ. Để những đứa trẻ chỉ quen chạy nhảy trong rừng, lặn ngụp ven suối tự nguyện vào ngồi yên trong lớp và nghe thầy nói về những con chữ, những phép toán là điều xa lạ và không dễ dàng đối với chúng, nhưng thầy Bình đã dắt được những đứa trẻ tự do hoang dã kia vào nề nếp. Với ông mọi việc phải bắt đầu từ tấm lòng yêu thương và chia sẻ. Mỗi lần về thăm nhà trở lại trường là một chuyến đi nhân ái. Bao giờ trong túi xách của thầy cũng có quà, có khi là bánh kẹo, có khi là quần áo. Những ngày mưa gió, lũ lụt cả thầy và dân bản gần như bị cô lập giữa rừng sâu, lúc đó phần lương thực dự trữ ít ỏi của thầy được chia đều cho lũ trẻ. Tình cảm thầy trò ấm áp dần từ những điều bình dị nhất. Ông trở thành người của bản. Không chỉ lũ học trò nhỏ gọi ông là thầy mà dân bản cũng gọi ông như thế. Thầy Bình! Thầy ở dân bản thương. Thầy đi dân bản nhớ. Gặp khó khăn, dân bản đến hỏi ý kiến của thầy. Trưởng bản Nguyễn Thị Thi là lứa học trò đầu tiên được các thầy giáo miền xuôi lên Trường Sơn cắm bản dạy cho cái chữ. Chị nói rằng: “Em mới lên làm trưởng bản được hai năm. Cái chi cũng phải nhờ thầy dạy. Cả bản ai cũng thương thầy, coi thầy là người của nhà mình vì ở đây thầy không có gia đình. Thầy về nghỉ hè hai tháng, có đứa tưởng thầy không ở bản nữa đã khóc mất 2 ngày. Đến ngày trông thấy thầy trở lại, hắn cũng khóc …vì mừng quá”. 15 năm cắm bản, 15 chuyến đò sang sông. Lứa học trò đầu tiên của thầy giáo Bình nay đã trưởng thành. Có người là cán bộ xã. Có người là trưởng bản. Có người đi bộ đội biên phòng. Những ai không có điều kiện tham gia hoạt động xã hội ở lại bản làng chí thú với nương rẫy, biết yêu thương và đùm bọc. Ghi nhận của bộ đội biên phòng, lứa thanh niên do các thầy giáo cắm bản ở Trường Sơn dìu dắt chính là lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ giữ gìn biên cương tổ quốc. Bởi trong từng con chữ các thầy mang đến đã chất chứa tình yêu non sông, bờ cõi.
Trường tiểu học Trường Sơn hiện có 33 giáo viên. Trong đó có 9 giáo viên cắm bản. Thầy Lê Khánh Bình đã đến dạy hầu khắp các điểm trường trong xã từ Dốc Mây, đến Trệt, Chân trộông, Đá Chát, Bến Đường, Long Sơn. Hiện nay, các điểm trường lẻ đã có nhà công vụ xây dựng kiên cố, lớp học khang trang sạch đẹp. Bản Ploang vừa có công trình điện mặt trời và công trình nước sạch phục vụ cho đời sống bà con. Những cái không ở Ploang được xóa bớt nhưng khó khăn vẫn là điều không thể tránh. Để đảm bảo đủ điều kiện cần thiết cho con em đồng bào dân tộc Vân Kiều đến trường, hàng tháng các cháu đều có trợ cấp học tập của nhà nước. Không thể so sánh điều kiện vật chất của giáo dục ở miền xuôi với miền núi, nhưng nếu mỗi mùa khai trường ở miền xuôi ở đâu dậy sóng bởi muôn vàn kiểu thu nộp tự chế vô thưởng vô phạt, làm sao rút được tiền từ túi phụ huynh càng nhiều càng tốt như: Tiền chăm sóc bồn hoa cây cảnh, tiền công trình hội phụ huynh, tiền đóng góp thư viện…thì ở đây đó là những điều xa lạ… Giáo dục miền núi là môi trường thực sự trong lành. Những người thầy cắm bản luôn được kính trọng vô điều kiện. Có một lý giải bất nhẫn khi nói đến chế độ ưu đãi cho giáo viên cắm bản rằng: “Lên miền múi thì được nhận lương cao. Kêu ca nỗi gì!”. Tôi nói với thầy giáo Lê Khánh Bình về vấn đề tế nhị này. Ông cười buồn:
- Có thể đó động lực để nhiều giáo viên, trong đó có tôi bám trụ lâu dài với miền núi. Hy sinh một chút để giúp đỡ gia đình thì có sao đâu. Nhưng đó không phải là tất cả. Chúng tôi có lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm của mình. Từ năm 2006 trở về trước không có ưu đãi khu vực. Lương giáo viên miền núi miền xuôi như nhau. Vậy chúng tôi và rất nhiều thầy giáo đi trước lên cắm bản vì điều gì?! Cơ chế thị trường làm cho con người ta nghĩ nhiều về đồng tiền mà quên mất những ý nghĩa nhân văn sâu sắc của ngành giáo dục.
- Hiện nay ở dưới xuôi phụ huynh học sinh chăm thầy cô giáo rất kỹ bằng vật chất. Ở đây có vậy không?
Tôi đã chạm đến một điều gì đó sâu kín trong trái tim người thầy bạc đầu cho sự nghiệp giáo dục. Ông nhìn ra ô cửa nhỏ, im lặng một lúc. Thực trạng nhà trường thu hàng triệu đồng của học trò, phụ huynh quà cáp biếu xén giáo viên để con em mình được nâng đỡ đang làm nóng dư luận nhưng hình như ông không quen với những chuyện như thế. Thay cho câu trả lời, thầy giáo Lê Khánh Bình nói rằng:
- Trong cuộc đời làm giáo viên của tôi, tôi chưa bao giờ nhận ở học sinh món quà gì, kể cả một lời chúc trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11. Ngày 20 tháng 11 cũng như bao ngày tháng khác. Nhiều khi thấy các đồng nghiệp ở đồng bằng được chúc mừng, được tặng hoa, tặng quà trong lúc đó mình vắng vẻ cũng thấy chạnh lòng lắm chứ, nhưng biết làm sao?! Không trách đồng bào và các cháu được, cuộc sống đang khổ thể thì còn nghĩ gì đến ngày này, ngày nọ. Ông cha ta nói “Phú quý sinh lễ nghĩa” là vậy. Bù lại là tôi luôn luôn được dân bản yêu quý, học trò mến thương. Chỉ một búp măng rừng, một bó rau dại hái được trên đường đi làm rẫy, bà con ghé lại cho thầy là đủ ấm lòng lắm rồi. Ở thành phố, học trò đi tìm thầy. Còn ở rừng, thầy đi tìm học trò. Cái sự cho và nhận ở đây cũng lắm điều tế nhị!
Một ngày cuối tuần, thầy giáo Lê Khánh Bình tranh thủ chạy về thăm gia đình. Ngôi nhà của ông ở trong xóm nhỏ thuộc xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh. Tôi đến chơi khi ông đang chuẩn bị trở về trường. Tư trang mang theo là gạo, một số thức ăn đủ cho ông dùng trong ít nhất 10 ngày. Đang vào mùa mưa nên cái gì cũng phải bới đi nhiều hơn một tý phòng khi có lũ lớn không về được. Và cả kẹo làm quà cho lũ trẻ.
- Phải có kẹo. Tôi về là chúng nó sắp hàng chào thầy, chúc thầy về mạnh khỏe. Biết cứ chiều chủ nhật tôi sẽ lên, thế nào cả bọn cũng rủ nhau ra đầu bản lẩn xẩn đứng đợi. Mình lên mà không có gì thấy thương lắm. Lần nào cũng phải có quà mới vui và siêng đến lớp hơn. Hôm nay tôi phải đi sớm vì sắp có bão. Tôi phải đi trước cơn bão!
Trương Thu Hiền