• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lớp học đặc biệt của những người tuổi sáu-bảy mươi mới lần đầu cầm bút để học viết tên

Thời sự 01/10/2018 06:19

(Tổ Quốc) - Chúng tôi về trại giam Thanh Cẩm (Cẩm Thủy, Thanh Hóa)  khi cơn lũ vừa đi qua, dòng sông Mã đã bình yên trở lại. Từ xa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng đánh vần ê a vọng ra từ phía trại giam. Ngoài kia, các em nhỏ chỉ  5, 6 tuổi đã bắt đầu học đánh vần nhưng ở đây có những phạm nhân sáu - bảy mươi tuổi mới lần đầu cầm bút để học viết tên của mình…

Các phạm nhân - học sinh đang chăm chú học bài.

 

Cô giáo và lớp học đặc biệt

Đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh trại giam, Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Phó giám thị phụ trách công tác giáo dục hồ sơ, công tác quản giáo trại giam Thanh Cẩm, cho biết, cơn lũ vừa qua gần như đã khiến trại giam bị cô lập. Sau khi lũ rút, cán bộ cùng phạm nhân trại giam đã nhanh chóng bắt tay vào việc dọn dẹp vệ sinh môi trường để tiếp tục ổn định cuộc sống trở lại sau lũ.

Câu chuyện của chúng tôi và Đại tá Quyền bị cắt ngang bởi những tiếng đánh vần ê a phát ra từ trong khu phân trại số 2. Thấy chúng tôi có vẻ chăm chú, Đại tá Quyền giải thích: “Đó là lớp học xóa mù chữ cho các phạm nhân. Hàng năm, Ban giám thị đều tổ chức các lớp học để dạy chữ cho những phạm nhân chưa biết đọc, viết;  dạy về những quy định, môi trường sinh hoạt tại trại giam cho các phạm nhân mới đến; dạy về kỹ năng sống, về pháp luật cho các phạm nhân chuẩn bị quay trở về hòa nhập với xã hội…Thông qua các lớp học như vậy để trang bị cho phạm nhân những kiến thức, giúp họ nhận thức được về hành vi, vi phạm của mình …”. Khi chúng tôi bước vào lớp học, cả thầy và trò đều đang tập trung đánh vần từng chữ cái. Có những mái đầu đã ngả bạc, những mái đầu lốm đốm thời gian hay những mái đầu xanh tuổi trẻ…tất cả đều đang “hồn nhiên” tập đánh vần từng chữ cái, tay nguệch ngoạc trên những trang giấy học trò…Có ai nghĩ rằng, những “học trò” đang ngồi đây đánh vần “o, a” này đã từng phạm tội giết người, từng “dính” vào ma túy…

Đáng nói, trực tiếp giảng dạy lớp học đặc biệt này lại là một cô giáo trẻ. Chia sẻ về công việc của mình, cô giáo Trần Thị Thương cho hay, mọi người thường hình dung về cuộc sống ở trại giam là phòng tối, còng chân, còng tay…nhưng thực tế lại không như thế.

“Trước đây khi chưa công tác trong môi trường này tôi cũng rất tò mò, không biết cuộc sống hàng ngày của các phạm nhân ra sao…Và đó cũng là một phần lý do mà tôi quyết định chuyển công tác về trại giam Thanh Cẩm. Hàng ngày đứng lớp, tiếp xúc trực tiếp với các phạm nhân, tôi hiểu được nhiều điều và càng trân trọng hơn công việc của mình…”, cô giáo Thương xúc động nói.

Sáu năm công tác tại trại giam Thanh Cẩm, là từng ấy thời gian cô giáo Thương gắn bó và hòa nhập với môi trường này. Vượt qua sự bỡ ngỡ xen lẫn sợ hãi trong những ngày đầu công tác….để rồi cầm tay  những phạm nhân, uốn nắn họ viết những nét chữ đầu tiên. Những bàn tay quen với lao động rất thô, cứng và khó uốn nắn. Có những phạm nhân còn chưa nói thạo tiếng Kinh nên để đánh vần được là rất khó...

“Mặt khác tâm lý của các phạm nhân là không muốn đi học. Vì vậy giáo viên phải nắm bắt tâm lý của từng phạm nhân để động viên, khuyến khích họ tham gia học tập nghiêm túc…”, cô giáo Thương chia sẻ thêm.

Giờ đây, tất cả phạm nhân trong trại giam này ai cũng biết đến cô giáo Thương, ai cũng gọi cô bằng hai tiếng thân thương “cô giáo”. Sáu năm công tác tại đây, cô giáo Thương đã quen thuộc từng cái tên phạm nhân, phạm tội gì, quá trình cải tạo ra sao…Ngoài công việc giảng dạy chuyên môn, cô giáo Thương cũng thường tâm sự với các học trò của mình về chuyện gia đình, cuộc sống. Không ít phạm nhân tin tưởng, thường xuyên chia sẻ với cô giáo về chuyện gia đình, mong ước của bản thân sau khi hoàn thành bản án…

Lớp học với nhiều "học sinh" ở các độ tuổi khác nhau.

 

Cố gắng học để sau này về dạy con

Nói về cô giáo, Thượng úy Trần Thị Thương, Trung tá tá Nguyễn Trọng Chơn, Đội trưởng đội giáo dục trại giam Thanh Cẩm cho biết, với môi trường đặc thù, các học sinh đều là những phạm nhân đang thi hành án phạt, từ đủ mọi lứa tuổi, đến từ các vùng miền khác nhau. Vì thế, ngoài kiến thức chuyên môn, đòi hỏi người giáo viên đứng lớp cần am hiểu những vấn đề về pháp luật, có bản lĩnh chính trị vững vàng cùng sự uyển chuyển, linh hoạt trong giao tiếp ứng xử, để làm sao thuyết phục và cảm hóa được phạm nhân.

“Qua quá trình công tác tại đơn vị, Thượng úy Trần Thị Thương đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Không chỉ được các đồng chí, đồng đội cũng như cấp trên tin tưởng, mà ngay cả các phạm nhân cũng rất quý mến, tin yêu”, Trung tá Nguyễn Trọng Chơn cho hay.

Nhớ lại những ngày đầu đứng lớp, cô giáo Thương chia sẻ, hồi đầu, nhìn xuống lớp học, những khuôn mặt có phần “dữ dằn”, những vết xăm trổ trên người học sinh, có phạm nhân tuổi đời còn lớn hơn bố của mình…Lúc ấy, tưởng chừng như bản thân không thể vượt qua….

Thế nhưng, bằng sự chân thành, cô giáo Thương đã nhanh chóng chiếm được tình cảm, sự tin quý của những học sinh đặc biệt này.

“Nếu mới tiếp xúc, mọi người sẽ thấy các phạm nhân khô cứng, khó gần, nhưng khi đã tiếp xúc và thân quen thì sẽ thấy họ cũng rất tình cảm. Có những phạm nhân sau khi biết chữ, đã làm thơ, viết thư gửi cô giáo hoặc có gói kẹo cũng dành phần cho cô giáo và các bạn trong lớp. Thậm chí có phạm nhân còn tập viết thư về cho vợ con, khoe việc bố đã biết viết chữ, sau này về, bố sẽ dạy con học…Biết được điều này là vì họ nhờ cô giáo đọc xem họ viết đã đúng chính tả chưa?…”, cô giáo Trần Thị Thương xúc động nói.

Một "học sinh" cặm cụi tập viết từng chữ cái.

 

Về những kỷ niệm trong quá trình công tác tại đây, cô giáo Thương cho biết, kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng nhớ nhất là về trường hợp của phạm nhân Mong Văn Pành (SN1982  ở Mường Lát). Phạm nhân này có tới 8 tiền án, bản thân lại bị HIV, không có gia đình. Cán bộ trai giam lập danh sách cho đi học chữ nhưng phạm nhân này từ chối. Sau này lên lớp phạm nhân Mong Văn Pành cũng không chịu học mà chỉ ngồi lì một chỗ, cán bộ nhắc thì  lý sự rằng có học thì cuộc đời cũng vậy, đã nhiễm HIV thì sớm muộn rồi cũng chết…

Chính sự chân thành, thông qua những cuộc trò chuyện của các cán bộ trại giam, phạm nhân Mong Văn Pành đã dần tìm lại được ý nghĩa và niềm tin vào cuộc sống.  Một thời gian sau, phạm nhân này đã tiến bộ rõ rệt, được phân công làm lớp trưởng và quản lý lớp nề nếp đâu vào đấy.

Hiện tại, phạm nhân Mong Văn Pành đã hoàn thành xong bản án của mình, trở về với gia đình nhưng vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi và chia sẻ buồn vui với cô giáo cùng các cán bộ trại giam.

“Sáu năm công tác tại đây, chưa năm nào tôi nhận được hoa hay quà của các học sinh. Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), có đôi lúc tôi cũng chạnh lòng, nhưng rồi nỗi buồn qua rất nhanh bởi tôi cho rằng, chính sự chân thành và tình cảm mà các phạm nhân dành cho mình mới là món quà quý giá nhất”, cô giáo Trần Thị Thương tâm sự.

Chia tay lớp học xóa mù chữ của cô giáo Thương, chia tay các học sinh “cá biệt” này, bất giác tôi nhớ đến hai câu thơ của nữ nhà văn trẻ Giao Linh: “Thương những kiếp người giờ lành như cỏ úa. Tháng năm xanh đau những vết tim người”…

Hoàng hôn đang dần khuất núi, dòng sông Mã lúc này sao bình yên đến thế. Cảnh sắc và con người nơi đây, quả thực khiến người ta không muốn rời xa./.

Bài, ảnh:  Vi Phong

 

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ